Thứ tư 08/05/2024 03:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

PAP: Doanh nghiệp có vốn và dự án nghìn tỷ bước sang năm thứ 7 trắng doanh thu, lỗ chồng lỗ nhưng liên tục tăng vốn điều lệ

19:06 | 14/08/2023

(Xây dựng) - Tính tới ngày 30/6/2023, Công ty Cổ phần Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An (UPCoM: PAP) đã có tới 6,5 năm trắng doanh thu và kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm. Đáng chú ý, mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh không được khả quan tuy nhiên PAP đã liên tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ và tăng vốn điều lệ.

PAP: Doanh nghiệp có vốn và dự án nghìn tỷ bước sang năm thứ 7 trắng doanh thu, lỗ chồng lỗ nhưng liên tục tăng vốn điều lệ
Dự án cảng và khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An (ảnh nguồn: PAP).

Trắng doanh thu 6,5 năm dù sở hữu dự án “khủng”

Mặc dù sở hữu Dự án cảng và khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An với tổng vốn đầu tư 17.571,36 tỷ đồng, Công ty Cổ phần (CTCP) Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An (UPCoM: PAP) công bố báo cáo tài chính quý II/2023 không đưa về bất kỳ khoản doanh thu nào. Đây là năm thứ 7 liên tiếp PAP đưa ra báo cáo trắng doanh thu.

Trong quý II/2023, PAP ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận kế toán trước thuế lỗ 1.825 tỷ đồng. Đây cũng là con số lợi nhuận sau thuế âm trong quý của PAP.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, CTCP Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An lỗ sau thuế 3.306 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong văn bản giải trình biến động lợi nhuận sau thuế trên báo cáo kết quả kinh doanh tại báo cáo tài chính quý II/2023, CTCP Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An cho biết lợi nhuận âm sau thuế quý II/2023 tăng trên 10% so với lợi nhuận âm sau thuế quý II/2022.

Theo PAP, Công ty PAP là doanh nghiệp dự án, hiện đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động, do đó chưa có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong thời điểm quý II/2023 công ty có phát sinh thu lãi tiền gửi tại các ngân hàng thương mại; và cũng trong thời điểm này công ty phát sinh khoản tiền đi vay các ngân hàng thương mại để chi trả cho các hợp đồng thực hiện dự án.

Căn cứ theo quy định, khoản lãi tiền gửi phát sinh trong quý II/2023 và quý II/2022 công ty không hạch toán vào mục doanh thu tài chính, dẫn đến tổng các khoản doanh thu trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là bằng 0 (không đồng). Vì vậy, doanh thu quý II/2023 không đổi so với doanh thu của quý II/2022.

PAP: Doanh nghiệp có vốn và dự án nghìn tỷ bước sang năm thứ 7 trắng doanh thu, lỗ chồng lỗ nhưng liên tục tăng vốn điều lệ
CTCP Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An ghi nhận lợi nhuận âm sau thuế tăng lên so với cùng kỳ năm trước (nguồn: PAP).

Bên cạnh đó, công ty đang dần bước vào giai đoạn thi công dự án nên chi phí quản lý doanh nghiệp cũng do đó mà phát sinh tăng lên so với quý II/2022. Vì vậy, chi phí quản lý quý II/2023 tăng trên 10% so với quý II/2022.

Ngoài ra, giải trình về lợi nhuận sau thuế trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý II/2023 bị lỗ, PAP cho biết tại kỳ báo cáo tài chính quý II/2023 không phát sinh doanh thu, nhưng công ty vẫn phải chi trả các chi phí quản lý doanh nghiệp, các chi phí tư vấn và quản lý dự án; chi phí tài chính phát sinh từ hoạt động huy động vốn để đầu tư vào dự án và các chi phí khác.

Do vậy, lợi nhuận sau thuế của kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023 đã bị lỗ. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án trong giai đoạn đầu tư ban đầu.

Lỗ chồng lỗ, phát sinh khoản vay nợ dài hạn

Theo các báo cáo tài chính giai đoạn 2009 – 2011, PAP đều đặn có doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, từ 2012 đến 2015, công ty kinh doanh thua lỗ và từ 2017 đến nay, doanh thu đều là con số 0. Đáng chú ý, năm 2017 là thời điểm mà công ty bắt đầu tăng vốn vượt mức 1.000 tỷ đồng.

Tính tới ngày 30/6/2023, CTCP Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An có tổng cộng tài sản đạt 4.001 tỷ đồng, tăng 26,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, có 693,1 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, chiếm 17,3% tổng cộng tài sản.

PAP: Doanh nghiệp có vốn và dự án nghìn tỷ bước sang năm thứ 7 trắng doanh thu, lỗ chồng lỗ nhưng liên tục tăng vốn điều lệ
Lũy kế 6 tháng đầu năm, PAP đưa ra kết quả trắng doanh thu (nguồn: PAP).

Tài sản dài hạn của PAP chiếm 82,6% tổng cộng tài sản với 3.308 tỷ đồng. So với hồi đầu năm, tài sản ngắn hạn của PAP có xu hướng giảm xuống, trong khi đó tài sản dài hạn lại tăng lên 38% so với thời điểm đầu năm nay.

Tại thời điểm 30/06/2023, tổng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của PAP là 96,2 tỷ đồng, giảm 84,8% so với hồi đầu năm.

Nợ phải trả của PAP cũng tăng lên 78,5% so với hồi đầu năm, chạm mức 1.909 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn có 1.134 tỷ đồng và nợ dài hạn 774,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, công ty đã phát sinh khoản vay nợ dài hạn là 774,5 tỷ đồng, trong khi đầu năm không ghi nhận khoản vay nợ nào. Theo đó, khoản vay nợ dài hạn này hầu hết tới từ vay và nợ thuê tài chính.

Mặt khác, những khoản nợ phải trả ngắn hạn của PAP lên tới 1.129 tỷ đồng, chiếm 59,1% tổng nợ phải trả, trong đó, CTCP Phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa đang là “chủ nợ” lớn nhất của CTCP Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An khi số tiền nợ phải trả lên tới 1.115 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất nợ phải trả là hơn 59%. Tính tới ngày 30/6/2023, nợ phải trả của PAP chiếm 47,7% tổng cộng nguồn vốn.

Trắng doanh thu nhưng liên tục tăng vốn

Mặc dù “trắng” doanh thu và thua lỗ nhiều năm, nhưng PAP liên tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ tăng vốn trong những năm gần đây với mục đích pha loãng sở hữu nhà nước. Tính từ năm 2016 đến nay, PAP đã có tới 5 lần phát hành cổ phiếu riêng lẻ với mục đích tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, năm 2016, phát hành 46 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty TNHH MTV Hoành Sơn để tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng. Năm 2017, PAP tiếp tục phát hành thêm 20 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng.

Tới năm 2021, PAP tiếp tục phát hành 40 triệu cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ từ 1.100 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng. Năm 2022, công ty chào bán riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, PAP đã thông qua kế hoạch chào bán 38 triệu cổ phiếu riêng lẻ, giá tối thiểu 10.000 đồng/cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 2.380 tỷ đồng.

Qua 5 lần phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tính tới thời điểm hiện tại, Công ty TNHH MTV Hoành Sơn và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang là hai cổ đông lớn nhất khi lần lượt nắm giữ là 40,2 triệu cổ phiếu và 35 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ lần lượt là 20,1% và 17,5%. Trong năm 2023, công ty không có kế hoạch doanh thu, lợi nhuận và các phương án phân chia lợi nhuận.

CTCP Dầu khí đầu tư khai thác cảng Phước An hiện đang sở hữu dự án trị giá nghìn tỷ là cụm Dự án cảng và khu dịch vụ hậu cần cảng Phước An. Tuy nhiên, dù đã được cấp phép đầu tư từ năm 2009 nhưng đến nay công ty vẫn chưa thể hoàn thiện. Trong năm 2022, PAP đã hoàn thành lựa chọn và ký hợp đồng với nhà thầu CTCP Xây dựng Tuấn Lộc để triển khai phân khúc 1 của cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần.

Lê Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load