Thứ ba 05/11/2024 05:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Ông Nguyễn Ngọc Đàm nặng lòng với ngôi đình trên đảo Cái Chiên

16:32 | 12/02/2024

(Xây dựng) - Xuân này, ông Nguyễn Ngọc Đàm - Lão thành cách mạng còn lại duy nhất ở Quảng Ninh thượng thọ 103 tuổi. Ông từng làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nay tuổi cao sức khỏe có yếu, đôi khi lúc nhớ lúc quên nhưng vẫn nhận ra khách quen. Ông hỏi tôi, năm ngoái nhờ cậu phản ánh với huyện Hải Hà nên trùng tu ngôi đình một căn cứ cách mạng trên đảo Cái Chiên…! Tôi giật mình, đã không bám sát nội dung này, nhưng rất cảm động khi ông Nguyễn Ngọc Đàm tuổi ngoài bách niên mà vẫn nặng lòng với một cơ sở cách mạng thời chống Pháp trên đảo Cái Chiên.

Ông Nguyễn Ngọc Đàm nặng lòng với ngôi đình trên đảo Cái Chiên
Ông Nguyễn Ngọc Đàm 103 tuổi, lão thành cách mạng bảo: Đình làng trên đảo Cái Chiên là một Di tích cách mạng quý.

Cụ thể, cũng dịp ngày xuân năm trước cụ Nguyễn Ngọc Đàm bảo: Ở đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà có một ngôi đình cổ mà các vị lãnh đạo cách mạng tiền bối của Đảng ta từng dựa vào đó làm cơ sở hoạt động bí mật trong lòng địch thời chống Pháp. Báo chí nên quan tâm tuyên truyền, để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Ngày ấy nhà cách mạng Trần Danh Tuyên (anh ruột của ông Nguyễn Ngọc Đàm, tên khai sinh là Nguyễn Văn Luận sinh năm 1911, năm 1945 làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Hiện Hà Nội còn có một đường phố mang tên Trần Danh Tuyên), nhân dịp Hội đình ngày 16 tháng Giêng cùng một đồng chí đảng viên từ khu mỏ ra đảo Cái Chiên vận động nhân dân đoàn kết chống địa chủ - cường hào sưu cao thuế nặng, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và tuyên truyền cương lĩnh của Đảng cộng sản-con đường cách mạng giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc… không may bị địch phát hiện, hai người hai ngả rút lui tránh cường địch.

Quân Pháp huy động binh lính, khí giới lục soát hành trang - thẻ thân của tất cả khách thập phương trẩy hội, truy tìm cán bộ cách mạng của Đảng để triệt phá phong trào cách mạng. Chúng còn đàn áp cả dân thường, bắt bớ một số người dân về bốt tra khảo, ép lý trưởng đóng cửa đình xóa hương ước Lễ hội. Trần Danh Tuyên thoát hiểm theo hướng biển, lợi dụng rừng ngập mặn ẩn nấp và được ngư dân che chở đưa về đất liền mà thoát khỏi tay giặc. Còn người đồng chí kia chạy lên rừng ẩn nấp, rừng trên đảo cách bức với đất liền khó thoát thân. Quân Pháp huy động lực lượng, súng ống ngày đêm bao vây hòn đảo dài hàng tháng. Khi chúng rút quân, dân làng tìm thấy xác nhà cách mạng ấy trên núi thì vô cùng cảm kích, một chiến sỹ của Đảng thà chết không rơi vào tay giặc, đã bí mật mai táng trên vạt đồi sau đình. Khi cách mạng thành công, ở cương vị lãnh đạo cụ Trần Danh Tuyên còn đến mộ thắp hương cho người đồng đội đã hy sinh. Sau đó ngôi mộ người chiến sỹ cách mạng trung kiên ấy, được quy tụ về nghĩa trang liệt sỹ của huyện.

Ông Nguyễn Ngọc Đàm hồi còn làm việc, những lần ra đảo Cái Chiên công tác thường ghé thăm ngôi đình mà anh mình từng dựa vào đó hoạt động cách mạng. Ngôi đình tựa lưng vào dãy núi ba đỉnh, người địa phương gọi là núi ba ngọn. Mặt tiền là hồ nước rộng trong xanh gọi là hồ Giếng Đình, án phong là Gồ Đình (nay trên đỉnh địa phương xây đài lưu niệm chứng tích nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện). Lưỡng bên bài rồng chầu hổ phục, hai cánh hồi đình là hai dòng suối rừng quanh năm nước cả, bên tả gọi là khe Giếng Đụn, bên hữu là Khe Đình. Năm 1960, cải cách văn hóa bỏ đình chùa, đình Cái Chiên sử dụng làm lớp học, công trình xây dựng vẫn còn hình dạng mái đình làng, với 3 gian 2 chái tiền đường và 3 gian hậu cung, cột kèo được làm bằng gỗ lim, tường xây gạch nung, phía trước tiền môn có 4 cột gạch gọi là cổng đình... “Nay không rõ đình Cái Chiên có được trùng tu không” - ông Nguyễn Ngọc Đàm hỏi.

Chúng tôi đem chuyện của ông Nguyễn Ngọc Đàm trao đổi với Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Nguyễn Mạnh Hà và đề nghị được cung cấp hồ sơ di tích; gặp Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Cường, nguyên là Bí thư Huyện ủy Hải Hà (người đã quan tâm lập đề án trùng tu quần thể Di tích trên đảo Cái Chiên) đã vui vẻ chắp mối với Chủ tịch UBND xã đảo Cái Chiên là Nguyễn Văn Đông, cử cán bộ Văn hóa xã giúp “thực mục, sở thị” ngôi đình cổ này.

Tháng 5/2018, đình Cái Chiên được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh cùng với di tích Miếu Ông - Miếu Bà - Miếu Quan Lớn. Miếu Ông - Miếu Bà được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Lâm Ngọc Dương đầu tư 578 tỷ đồng xây dựng công trình đồ sộ gấp 20 lần di tích trước, chuyển đổi 20,1ha đất rừng đất tôn giáo thành khu du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 4-5 sao. Nhưng ngôi đình chứng tích lịch sử cách mạng cách đó không xa, thì như bị xóa dấu tích. Trên nền móng đình cũ, năm 1995 người dân địa phương thiện tâm tự xếp đá, gạch mộc, vôi vữa dựng một túp miếu nhỏ để thờ Thành hoàng, Bản thổ, Cao thiên, Thủy tề, Bản lộ Đông Hải đại vương... phối thờ các thiên thần theo tín ngưỡng, miếu hoang vắng.

Ông Nguyễn Ngọc Đàm nặng lòng với ngôi đình trên đảo Cái Chiên
Ông Nguyễn Ngọc Đàm nặng lòng với ngôi đình trên đảo Cái Chiên
Đình Cái Chiên - Di tích lịch sử, căn cứ cách mạng ảm đạm như một miếu hoang.

Một bác cựu chiến binh ái ngại bảo, Miếu Ông - Miếu Bà ở sát bãi biển Đầu Rồng đất hái ra tiền thì được doanh nghiệp quan tâm, huyện hưởng ứng cho xây dựng tử tế. Còn đình Cái Chiên - Di tích được xếp hạng, có giá trị lịch sử cách mạng nhưng lại không sinh lời ngay thì bị bỏ quên. Lớp hậu sinh nay thực dụng còn “biến chùa thành chợ”. Sự trùng tu, xây dựng di tích thiếu ý thức giáo dục truyền thống cách mạng, ăn xổi, thiếu đồng bộ.

Ông Nguyễn Ngọc Đàm nặng lòng với ngôi đình trên đảo Cái Chiên
Sơ đồ Dự án trùng tu đình Cái Chiên lập năm 2018 gồm: Tiền tế, tiền đường, hậu cung, nhà vọng cảnh, nhà tạo soạn trưng bày, nhà thủ từ… kinh phí đầu tư 36.750.000.000 đồng (Ba mươi sáu tỷ bảy trăm năm mươi triệu).

Chúng tôi đã phản ánh nguyện vọng của ông Nguyễn Ngọc Đàm trên Báo điện tử Xây dựng ngày 29/01/2023, với tiêu đề “Quảng Ninh: Ngôi đình căn cứ cách mạng bị “bỏ quên” và điện hỏi lãnh đạo địa phương về việc triển khai đề án trùng tu đình làng trong quần thể Di tích trên đảo Cái Chiên. Và đã nhận được câu trả lời: Ngân sách không đầu tư trùng tu Di tích, địa phương đang kêu gọi nguồn lực ngoài ngân sách, anh muốn đầu tư thì huyện, xã ủng hộ.

Quả là thất vọng, chúng tôi truyền đạt nguyện vọng của một nhà lão thành cách mạng, chứ có ý đồ thăm dò để đầu tư đâu! Sự hiểu lầm của chính quyền địa phương với báo chí cũng thú vị. Nhưng vấn đề đáng quan tâm, là Dự án trùng tu quần thể Di tích trên đảo Cái Chiên đang bị xé vụn. Miếu Ông - Miếu Bà - Miếu Quan Lớn mặt tiền bãi biển Đầu Rồng thì được doanh nghiệp xây dựng mở rộng gấp 20 lần để kinh doanh du lịch, không rõ 20,1ha gồm đất rừng, đất nông nghiệp, đất tôn giáo đã chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thương mại chưa? còn Di tích lịch sử cách mạng cách đó vài bước chân thì bị bỏ hoang, cám cảnh.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load