(Xây dựng) - Đồ án quy hoạch phân khu ga Hà Nội và phụ cận tỷ lệ 1/2000 được chia thành: Khu văn hoá thấp tầng, khu tài chính; khu Kiến trúc cao khoảng 40 - 70 tầng bố cục ở phía Bắc khu đất lập quy hoạch; còn khu truyền thông cao khoảng 40 - 70 tầng và Khu công viên bố cục ở phía Đông khu đất; Khu thương mại quốc tế; khu lối sống mới cao khoảng 40 - 60 tầng, bố cục ở phía Tây Nam khu đất lập quy hoạch. Khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40 - 60 tầng, Khu ga đường sắt cao 40 - 70 tầng được bố trí nằm tại khu vực trung tâm của khu quy hoạch. Hiện nay Hà Nội đang xin ý kiến các Bộ, ngành và đưa lên truyền thông để phê duyệt quy hoạch phân khu theo thẩm quyền. Tác giả bài báo cho rằng, đây là việc làm vi phạm pháp luật trong việc điều chỉnh quy hoạch lâu nay của Hà Nội việc này cần được Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh. Để hiểu rõ vấn đề pháp lý chúng tôi xin nêu cụ thể như sau:
Theo khoản 8 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định: “Quy hoạch phân khu là việc phân chia và xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của các khu đất, mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội trong một khu vực đô thị nhằm cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung”.
Hà Nội đang ảo tưởng trong việc lập quy hoạch phân khu khu vực Ga Hà Nội.
Cũng theo khoản 4 Điều 24 Luật Quy hoạch đô thị 2009 quy định: “Đồ án quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương đã được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật đô thị và quy hoạch phân khu trong đô thị”.
Trong quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 được Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26/7/2011, trong nội dung quy hoạch chung không có nội dung xây dựng các khu tòa nhà cao tầng từ 40 - 70 tầng và các khu vực lân cận Ga từ 40 - 60 tầng như đã nêu ở trên. Như vậy quy hoạch phân khu không thể cụ thể hóa những nội dung này. Việc muốn đưa những nội dung trên vào quy hoạch khu vực Ga Hà Nội thì phải thực hiện trình tự, thủ tục, điều chỉnh quy hoạch theo quy định tại Điều 46, Điều 47, Điều 48, Điều 49 và Điều 51 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.
Cũng tại khoản 2 và khoản 3 Điều 46 về rà soát quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch đô thị quy định: “UBND các cấp có trách nhiệm rà soát quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Kết quả rà soát quy hoạch đô thị phải được báo cáo bằng văn bản với cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đô thị”.
Đồng thời tại Điều 51 Luật Quy hoạch đô thị quy định về trình tự tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị quy định: “Cơ quan có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch đô thị thì lập báo cáo về nội dung và kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh có ảnh hưởng trực tiếp trình cơ quan có thầm quyền phê duyệt quy hoạch đô thị xem xét”.
Căn cứ các điều Luật đã nêu trên cho thấy: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội do Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt vào ngày 26/7/2011. Theo các điều luật đã nêu trên nếu có việc điều chỉnh quy hoạch chung tại khu vực Ga Hà Nội thì Bộ Xây dựng là cơ quan có trách nhiệm tổ chức thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch theo quy định.
Việc Hà Nội lấy ý kiến các Bộ, ngành về nội dung quy hoạch Ga Hà Nội để phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2000 là trái với các điều luật nêu trên đồng thời vi phạm Điều 16 Luật Quy hoạch – các hành vi bị cấm: Khoản 3 Điều 16 về hành vi bị cấm quy định: “Lập, thẩm định phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị không đúng quy định của Luật này”.
Những hành vi cố ý vi phạm pháp luật trong thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch đô thị Thủ đô lâu nay trở thành phổ biến. Trong quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt trước năm 2011 (khi chưa xác nhập) nhiều khu công nghiệp trong nội thành được xác định là đất cây xanh, trường học, ai đã tự điều chỉnh thành các khu nhà cao ốc? Tuyến đường Lê Văn Lương, ai đã điều chỉnh để xây dựng hàng trăm công trình cao tầng để mật độ dân cư tăng lên nhiều lần? Thậm chí một dải đất rất nhỏ nằm sát chân đê tại khu vực Nhà máy nước Yên Phụ, ai đã điều chỉnh thành khu nhà cao tầng đa chức năng? Và rất nhiều những việc điều chỉnh sai thẩm quyền đã “băm nát”, vô hiệu hóa quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong khi việc lập quy hoạch chung Thủ đô được các nhà nghiên cứu nhiều năm, tốn kém nhiều tiền của và công sức, tốn kém hàng trăm cuộc họp của nhiều Bộ, ngành để được chính phủ phê duyệt. Trong khi việc điều chỉnh quy hoạch chung lại do một nhóm người quyết định, như vậy việc vi phạm pháp luật này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Tại Khoản 2 Điều 51 quy định: “Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đô thị xem xét, quyết định điều chỉnh cục bộ bằng văn bản trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm định quy hoạch đô thị”.
Thực tế hàng trăm công trình điều chỉnh quy hoạch của Hà Nội rất ít những công trình thực hiện theo quy định của pháp luật, đa phần việc điều chỉnh được thực hiện bằng những công văn của văn phòng Ủy ban thông báo ý kiến của đồng chí Chủ tịch về việc đồng ý điều chỉnh và giao cho Sở Kiến trúc Quy hoạch thỏa thuận tổng mặt bằng. Tất cả những dạng văn bản này đều vi phạm pháp luật về nội dung và hình thức đã trở thành “bệnh dịch” trong việc điều chỉnh quy hoạch do các cơ quan chức năng Hà Nội thực hiện. Nhiều sai phạm trong điều chỉnh quy hoạch chung sai thẩm quyền đã được cơ quan tham mưu, hợp thức hóa trình thành phố phê duyệt trong quy hoạch phân khu 1/2000, thậm chí còn “cài cắm” vào các văn bản dưới luật để hợp thức hóa nhưng trái với luật quy định. Chính phủ sớm chỉ đạo các Bộ, ngành chức năng Trung ương rà soát làm rõ những vấn đề này để truy cứu trách nhiệm.
Bài học về điều chỉnh quy hoạch trên đất nước này cũng đã có và cũng đã được xử lý một cách nghiêm túc. Ví dụ như một khu đô thị Nha Trang, khi phê duyệt quy hoạch chung Thủ tướng quy định vùng đó chỉ được xây dựng 40 tầng, nhưng trên cơ sở đề nghị của các cơ quan chức năng UBND tỉnh đã ra thông báo bằng văn bản điều chỉnh quy hoạch từ 40 tầng lên 45 tầng và trên cơ sở đó Sở Xây dựng đã cấp phép 45 tầng. Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin thì tất cả các việc xây dựng đều phải ngừng lại và phải thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch theo pháp luật để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, vì quy hoạch chung TP Nha Trang thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng.
Một địa phương đã tự thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về điều chỉnh quy hoạch, liệu Hà Nội có sớm xem xét lại các việc đã và đang làm để chấn chỉnh không? Những sai phạm đó là đáng kể gây bất bình đối với nhà đầu tư và nhân dân đặc biệt gây ra tình trạng ách tắc giao thông và ngập úng đô thị.
Căn cứ vào mục 2 của Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BXD-BCA của Bộ Xây dựng và Bộ Công An ngày 07/07/2007 quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về quy hoạch xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng: “Người có trách nhiệm trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, nhưng thực tế không đúng thẩm quyền hoặc đúng thẩm quyền nhưng không đúng trình tự, thủ tục gây thiệt hại về tài sản của Nhà Nước, tổ chức, công dân; gây ảnh hưởng xấu về trật tự an ninh” hành vi nêu trên ngoài việc cố tình thao túng vi phạm pháp luật còn mang yếu tố lợi ích nhóm cần sớm được xem xét truy cứu.
Duy Nguyên
Theo