Thứ sáu 08/11/2024 11:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Ninh Thuận: Xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội trong năm 2022

14:48 | 08/12/2021

(Xây dựng) - Ông Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ký, ban hành Kế hoạch phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đề ra nhiều giải pháp, kịch bản để phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong năm 2022.

ninh thuan xay dung 3 kich ban tang truong kinh te xa hoi trong nam 2022
Tỉnh Ninh Thuận nhìn từ trên cao.

Xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2022

Theo đó, để từng bước ổn định, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn phòng, chống dịch tỉnh Ninh Thuận đưa ra 2 giai đoạn như sau: Giai đoạn 1 (từ 16/12/2021 đến hết quý I/2022) mở cửa hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế - xã hội vận dụng linh hoạt, hiệu quả chiến lược “sống chung với dịch Covid-19” theo lộ trình, an toàn, vững chắc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Giai đoạn 2 (từ đầu quý II/2022 trở đi) đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi nhanh kinh tế - xã hội thúc đẩy tăng trưởng kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, các kịch bản tăng trưởng năm 2022 được tỉnh Ninh Thuận xây dựng như sau: Kịch bản 1 dự kiến tốc độ tăng GRDP tăng 10,2%, trong đó, dự kiến tốc độ tăng của ngành Nông lâm ngư nghiệp tăng 3,4%, đóng góp tăng trưởng 1,01% GRDP; Công nghiệp, xây dựng tăng 15,6%, đóng góp tăng trưởng 5,21% GRDP; Dịch vụ tăng 10,9%, đóng góp tăng trưởng 3,37% GRDP và Thuế sản phẩm tăng 10,4%, đóng góp tăng trưởng 0,61% GRDP.

Kịch bản 2 dự kiến tốc độ tăng GRDP tăng 9,0%, kịch bản được xây dựng trong tình hình cấp độ dịch cấp 2, kinh tế đang trong quá trình phục hồi, dự báo tỷ lệ tiêm vắc xin bao phủ toàn dân đạt 80 - 90%, tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, du lịch mở cửa 50 - 70%.

Trong đó, dự kiến tốc độ tăng của ngành Nông lâm ngư nghiệp tăng 3,4%, đóng góp tăng trưởng 1,01% GRDP; Công nghiệp, xây dựng tăng 14,9%, đóng góp tăng trưởng 4,97% GRDP; Dịch vụ tăng 8%, đóng góp tăng trưởng 2,48% GRDP và Thuế sản phẩm tăng 9,2%, đóng góp tăng trưởng 0,54% GRDP.

Kịch bản 3 dự kiến tốc độ tăng GRDP tăng 6,96%, đây là kịch bản được xây dựng trong tình trạng dịch Covid-19 bùng phát như năm 2021, kinh tế phục hồi khó khăn, tình hình dịch Covid-19 khó kiểm soát, các hoạt động thương mại, dịch vụ hạn chế quy mô hoạt động; một số chuỗi cung ứng còn hạn chế, các ngành Dịch vụ vận tải, hành khách và lượng khách du lịch gặp khó khăn.

Trong đó, dự kiến tốc độ tăng của ngành Nông lâm ngư nghiệp tăng 3,4%, đóng góp tăng trưởng 1,01% GRDP; Công nghiệp, xây dựng tăng 12,1%, đóng góp tăng trưởng 4,04% GRDP; Dịch vụ tăng 4,5%, đóng góp tăng trưởng 1,40% GRDP và Thuế sản phẩm tăng 8,5%, đóng góp tăng trưởng 0,51% GRDP.

Đề ra nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Theo kế hoạch, thời gian đến tỉnh Ninh Thuận tập trung xây dựng các kịch bản du lịch, trọng tâm là ưu tiên thực hiện phát triển du lịch nội địa với chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, coi du lịch nội địa là cơ sở cho phát triển lại du lịch theo hướng ”du lịch xanh - du lịch an toàn”.

Từ nay đến hết quý I/2022 cho phép đón khách du lịch nội vùng, liên vùng từ các tỉnh, thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh; khách du lịch nội địa từ các tour trọn gói khép kín, các tour có đăng ký, các tour liên kết với các tỉnh, thành phố lân cận, các chương trình du lịch tự túc có đặt lịch trọn gói với các cơ sở lưu trú...

Đến đầu quý II/2022 cho phép mở cửa đón 100% khách du lịch trong nước và thí điểm từng bước đón khách du lịch nước ngoài theo các tour có đăng ký, các chương trình du lịch trọn gói. Phấn đấu đến đầu quý III/2022 mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch.

Đối với lĩnh vực công thương, tỉnh Ninh Thuận dự kiến cho phép các cơ sở kinh doanh thương mại, bán buôn, bán lẻ, kinh doanh dịch vụ được hoạt động bình thường trở lại (trừ các khu vực có dịch theo bản đồ dịch tễ, khu vực phong tỏa, khu vực nguy cơ rất cao, các trường hợp dừng hoạt động theo quy định) và bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành chức năng theo quy định…

Hoạt động vận tải ưu tiên doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa, vật tư, thiết bị, sản phẩm nông nghiệp, thủy sản phục vụ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh được hoạt động trở lại 100%.

Riêng lĩnh vực vận tải hành khách UBND tỉnh giao Sở giao thông vận tải tham mưu hướng dẫn theo lộ trình phù hợp với điều kiện, tình hình dịch bệnh của tỉnh và của các tỉnh trong khu vực.

Đối với hoạt động sản xuất công nghiệp tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo đang triển khai, phấn đấu năm 2022 hoàn thành hòa lưới 471MW và khởi công 699MW, hoàn thành dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná (giai đoạn 1); khởi công dự án tổ hợp điện khí Cà Ná giai đoạn 1 - 1.500MW và Khu công nghiệp Cà Ná; tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất các dự án năng lượng. Ưu tiên thu hút phát triển công nghiệp chế biến theo chiều sâu, triển khai dự án công nghiệp chế biến và hóa chất sau muối. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch.

Đặc biệt, trên lĩnh vực xây dựng, tỉnh Ninh Thuận cho phép các doanh nghiệp lĩnh vực hoạt động xây dựng các công trọng điểm của tỉnh, các công trình thi công dự án điện gió, điện mặt trời, các dự án đô thị, du lịch được hoạt động 100% lao động bảo đảm các điều kiện về phòng, chống dịch theo quy định.

Đối với các doanh nghiệp lĩnh vực hoạt động xây dựng còn lại sắp xếp, bố trí phương án sản xuất bảo đảm an toàn phòng chống dịch theo từng giai đoạn quy định.

Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế đô thị, xây dựng Phan Rang - Tháp Chàm thành thành phố thông minh; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các Đồ án quy hoạch xây dựng.

Khởi công các khu đô thị mới: Phủ Hà, đầm Cà Ná, Mỹ Phước, sông Dinh...; phát triển mạnh thị trường bất động sản; thực hiện tốt chính sách nhà ở xã hội. Bên cạnh các lĩnh vực, hoạt động trên, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai các giải pháp hỗ trợ các chính sách hỗ trợ người dân, người sử dụng lao động, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, như: các chính sách về tiêm chủng, xét nghiệm; miễn phí kinh phí đào tạo nghề cho người lao động (từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả).

Tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động; hỗ trợ kinh phí đào tạo định hướng, mở rộng đối tượng và hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho người lao động đi lao động có thời hạn ở nước ngoài…

Theo thống kê của UBND tỉnh Ninh Thuận, từ đợt dịch thứ tư bùng phát đã tác động nặng nề đến sinh kế của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong quý III tăng trưởng kinh tế giảm mạnh (giảm 1,21%),...

Cụ thể, các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch, vận tải phần lớn phải ngừng hoạt động; lượng khách du lịch giảm sâu, số lượt khách du lịch và lưu trú cả năm chỉ đạt 45,6% kế hoạch; chỉ có 19/183 cơ sở lưu trú hoạt động chủ yếu đón khách cách ly tập trung và chuyên gia ngoài tỉnh vào làm việc, doanh thu ngành Du lịch giảm 35,3%; hoạt động vận tải đường bộ gặp nhiều khó khăn, nhất là vận tải hành khách (vận tải hành khách giảm 53,8% và luân chuyển hàng hóa giảm 6,2% so cùng kỳ). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý III giảm 29,3%, tính chung cả năm tăng 1,2% là mức tăng trưởng thấp nhất từ 10 năm trở lại đây.

Toàn ngành Dịch vụ trong quý III giảm 13,1%, tính chung cả năm 2021 chỉ tăng 0,02% (KH 10-11%). Tốc độ tăng chỉ số sản xuất Công nghiệp (IIP) quý III/2021 đạt 19,37%, thấp nhất trong ba quý (quý I đạt 50,63%; quý II đạt 29,77%), tính chung cả năm đạt 29,7%.

Công nghiệp khai khoáng và chế biến giảm 1,3% do 9/21 sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm sâu do khó khăn về mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng...

ninh thuan xay dung 3 kich ban tang truong kinh te xa hoi trong nam 2022
Năm 2022, tỉnh Ninh Thuận quyết tâm tăng trưởng kinh tế trong điều kiện còn nhiều thách thức, khó khăn do dịch Covid-19.

Hàng hóa doanh nghiệp sản xuất bị tồn kho không đưa vào thị trường được, các chi phí xét nghiệm định kỳ cho người lao động, giá cước vận tải tăng... dẫn đến áp lực về tài chính cho doanh nghiệp, buộc phải cắt giảm lao động để giảm bớt chi phí.

Đến ngày 20/11/2021, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 44,6%, vốn đăng ký giảm 41,7%, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 57,5% so cùng kỳ. Tổng số đến giữa tháng 11/2021, có 3.809 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có khoảng 3.400 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp; đồng thời, có gần 10.000 hộ kinh doanh phải ngừng kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội.

Duy Quan

Theo

Cùng chuyên mục
  • Họp Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Quảng Ngãi

    (Xây dựng) – Ban Chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi thực hiện các công trình trọng điểm tỉnh giai đoạn 2024 – 2025 (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức cuộc họp lần thứ 5 để nghe báo cáo tình hình triển khai, đồng thời chỉ đạo các chủ thể có liên quan tăng cường phối hợp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; nhất là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

  • Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm

    (Xây dựng) - Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước 10 tháng năm 2024 của cả nước chỉ đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ trên 95%, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

  • Thái Bình: Dự kiến khởi công nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng trong quý III/2025

    (Xây dựng) - Dự án Nhà máy nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thái Bình với tổng công suất 1.500MW và vốn đầu tư gần 2 tỷ USD đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị cho kế hoạch khởi công vào năm sau. Nhà máy dự kiến cung cấp 10 tỷ kWh điện mỗi năm, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào ngân sách, tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế địa phương.

  • Bình Định: Phát huy tối đa tiềm lực để thu hút đầu tư

    (Xây dựng) – Từ đầu năm 2024 tới nay, tỉnh Bình Định thu hút 51 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 9.979 tỷ đồng, trong đó có 49 dự án đầu tư trong nước và 02 dự án FDI. Riêng trong tháng 10, tỉnh thu hút được 10 dự án đầu tư, đây là những tín hiệu khởi sắc trong thu hút đầu tư của tỉnh trong những tháng cuối năm.

  • Quảng Ngãi: Tổng thu ngân sách Nhà nước 10 tháng của năm 2024 đạt hơn 23.600 tỷ đồng

    (Xây dựng) – Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi 10 tháng của năm 2024 đạt hơn 23.600 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 92,5% dự toán năm.

  • Tạo hành lang pháp lý để phát triển thị trường điện cạnh tranh

    Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Luật Điện lực ban hành 20 năm và đã sửa đổi 4 lần, chỉ giải quyết được một số vấn đề thực tiễn đặt ra, nhưng đến nay, đòi hỏi phải xem xét để sửa đổi toàn diện.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load