(Xây dựng) - Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, đến thời điểm cuối áp dụng cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió của Chính phủ, toàn tỉnh có 8 dự án điện gió, với tổng công suất 344,3MW đã đưa vào vận hành thương mại.
Ninh Thuận đang phấn đấu trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. |
Theo đó, có 7 dự án được công nhận vận hành thương mại 100% công suất như: Nhà máy điện gió BIM (88MW); nhà máy điện gió số 7A (50MW); nhà máy điện gió Win Engry Chiến Thắng (50MW); nhà máy điện gió số 5 Ninh Thuận (46,2MW); nhà máy điện gió Phước Hữu Duyên Hải 1 (30MW); nhà máy điện gió Lợi Hải 2 (28,9MW) và nhà máy điện gió Adani Phước Minh (27,2MW).
Đối với nhà máy điện gió Hanbaram công suất 117MW, mặc dù đã hoàn thành việc xây lắp các trụ tua-bin gió. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chỉ mới 6 trụ gió hoàn thiện đấu nối với tổng công suất 24MW được công nhận ngày vận hành thương mại; công suất còn lại là 93MW sẽ được thực hiện theo quy định.
Theo Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/QĐ-TTg ngày 29/6-2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, các dự án điện gió hoàn thành trước ngày 1/11/2021 sẽ được mua điện với giá 1.926 đồng/kWh (tương 8,5 Uscents/kWh), trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 8 dự án điện gió, tổng quy mô công suất 437,3MW sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 41 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 2.618,3MW đi vào hoạt động. Trong đó, điện mặt trời có 32 dự án với công suất 2.256,8MW; điện gió có 3 dự án với công suất 229,5MW; thủy điện có 6 dự án với tổng công suất 132MW.
Dự kiến đến cuối năm 2021 có thêm 8 dự án điện gió hoàn thành với công suất tăng thêm 717 MW, nâng tổng công suất lên 3.444MW, phát điện trên 5,6 tỷ kWh. Đối với thủy điện tích năng Bác Ái 1.200MW hiện đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng; dự án Nhà máy điện khí LNG Cà Ná 1.500MW đang được hoàn tất thủ tục…
Hiện tại, tỉnh Ninh Thuận cũng đang triển khai lập Đề án xây dựng trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ, nhằm đưa năng lượng trở thành ngành kinh tế trụ cột; trong đó tiềm lực về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch là rất lớn với tổng quy mô công suất dự kiến phát triển khoảng trên 17.000MW, với 4 loại năng lượng cơ bản đó là: điện gió, điện mặt trời, điện khí và thủy điện tích năng.
Duy Quan
Theo