Thứ bảy 27/04/2024 16:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ninh Bình: Ai chịu trách nhiệm về vi phạm của Công ty Phúc Lộc tại Khu công nghiệp Phúc Sơn?

10:24 | 11/03/2024

(Xây dựng) – Chỉ rõ những vi phạm của Công ty CP - Tổng Công ty Đầu tư phát triển Khu công nghiệp (KCN) Phúc Lộc (Công ty Phúc Lộc) tại KCN Phúc Sơn, Thanh tra Chính phủ còn chỉ rõ những tồn tại của UBND tỉnh Ninh Bình và Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh trong việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (CNĐKĐT) cho 04 dự án thương mại, dịch vụ không đúng quy định của Luật Xây dựng và Luật Đầu tư.

Ninh Bình: Ai chịu trách nhiệm về vi phạm của Công ty Phúc Lộc tại Khu công nghiệp Phúc Sơn?
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ vi phạm của Công ty CP - Tổng Công ty Đầu tư phát triển KCN Phúc Lộc tại KCN Phúc Sơn.

Nhiều hạn chế, thiếu sót

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; quản lý, sử dụng đất đai, cấp phép khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng tại tỉnh Ninh Bình, nhiều tồn tại trong công tác quản lý, giám sát của UBND tỉnh Ninh Bình và các ngành chức năng cần được chấn chỉnh và làm rõ.

Riêng tại KCN Phúc Sơn do Công ty Phúc Lộc làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ: “Chủ đầu tư Dự án hạ tầng khu công nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất, vi phạm khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013”.

Cũng theo Thanh tra Chính phủ, việc UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp Giấy CNĐKĐT cho 04 dự án thương mại, dịch vụ là không phù hợp quy hoạch chi tiết KCN Phúc Sơn (đất công nghiệp), chưa đảm bảo quy định khoản 1 Điều 51 Luật Xây dựng 2014, khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư 2014; UBND tỉnh cho thuê đất đối với 03/04 dự án thương mại, dịch vụ (nêu trên) không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, vi phạm Điều 52 Luật Đất đai 2013.

Ban Quản lý các khu công nghiệp Ninh Bình đã cấp Giấy CNĐKĐT cho các nhà đầu tư thứ cấp thực hiện 06 dự án trong KCN là chưa đảm bảo hồ sơ yêu cầu theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2014, điểm đ khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020.

Trước những vi phạm trên, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình và các ngành chức năng xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, đảm bảo đúng chức năng sử dụng đất của KCN đối với 04 dự án của nhà đầu tư thứ cấp; đồng thời rà soát việc tính tiền thuê đất để tính đúng, tính đủ, không để thất thoát ngân sách Nhà nước.

“Yêu cầu Công ty CP - Tổng Công ty Đầu tư phát triển KCN Phúc Lộc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không thất thoát ngân sách Nhà nước”, Kết luận thanh tra nêu rõ.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng về việc xử lý vi phạm sau thanh tra đối với Công ty Phúc Lộc tại KCN Phúc Sơn, ông Trần Đức Cường, Phó trưởng Ban Quản lý KCN Ninh Bình cho biết: “Những vi phạm tại KCN Phúc Sơn đã được Thanh tra Chính phủ công khai và nêu rõ trong Kết luận thanh tra. Tỉnh đã giao các đơn vị liên quan trong đó có Ban Quản lý KCN xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kết luận. Căn cứ vào những tồn tại đã nêu, Ban đã xây dựng dự thảo, kế hoạch triển khai và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Đầu mối tổng hợp là Thanh tra tỉnh, sau khi UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch, Ban sẽ triển khai các nội dung theo kế hoạch được duyệt”.

Ninh Bình: Ai chịu trách nhiệm về vi phạm của Công ty Phúc Lộc tại Khu công nghiệp Phúc Sơn?
Cơ sở Honda ôtô Ninh Bình – Tràng An (Công ty Honda Việt Nam) là một trong 4 dự án thương mại, dịch vụ được UBND tỉnh Ninh Bình và Ban Quản lý KCN tỉnh cấp Giấy CNĐKĐT không phù hợp quy hoạch chi tiết KCN.

Đối với việc xử lý nghĩa vụ tài chính, đại diện phía Công ty Phúc Lộc cho biết, sau Kết luận của Thanh tra Chính phủ, Công ty đã đóng hơn 5 tỷ đồng tiền thuế đất theo yêu cầu của cơ quan chức năng. 4 dự án dịch vụ thương mại được cấp giấy CNĐKĐT theo Kết luận thanh tra nêu nằm ngoài KCN Phúc Sơn nên trách nhiệm thuộc UBND tỉnh và Ban Quản lý KCN tỉnh.

“Ông lớn”, vi phạm lớn?

Được biết, Công ty CP - Tổng Công ty Đầu tư phát triển KCN Phúc Lộc có địa chỉ tại Lô C2, KCN Khánh Phú, xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, đây là đơn vị phụ trách lĩnh vực bất động sản công nghiệp của Tập đoàn Phúc Lộc. Công ty được thành lập tháng 3/2014. Thời điểm mới thành lập, ông Lương Minh Tường đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật. Từ năm 2015, ông Nguyễn Trung Dũng là Tổng giám đốc và hiện đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật.

Tại Ninh Bình, Tập đoàn Phúc Lộc là doanh nghiệp có tiếng trong ngành Xây dựng nhưng thời gian gần đây liên tục bị “bêu tên” do nợ thuế và những vi phạm liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng,

Cụ thể, cuối năm 2019, Thanh tra Chính phủ từng chỉ rõ những vi phạm của Tập đoàn Phúc Lộc liên quan đến 2 dự án lớn tại Bình Định, gồm dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa (thực hiện theo hình thức BT) có tổng mức đầu tư ước tính 578,4 tỷ đồng và dự án thanh toán (dự án Khu đô thị - Du lịch - Văn hóa - Thể thao hồ Phú Hòa, thành phố Quy Nhơn), có vốn đăng ký khoảng 5.000 tỷ đồng.

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định chưa làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đã giao dự án - quỹ đất thanh toán cho Tập đoàn Phúc Lộc thực hiện.

Cũng trong quá trình triển khai thực hiện dự án, mặc dù chưa được bàn giao mặt bằng nhưng nhà đầu tư đã triển khai thi công một số công trình, hạng mục thuộc dự án đường Điện Biên Phủ kéo dài và dự án nâng cấp cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa khi chưa có thiết kế - bản vẽ thi công, biện pháp thi công và giấy phép xây dựng.

Ninh Bình: Ai chịu trách nhiệm về vi phạm của Công ty Phúc Lộc tại Khu công nghiệp Phúc Sơn?
Theo Công ty Phúc Lộc, vị trí cấp cho Công ty Honda nằm ngoài KCN Phúc Sơn.

Đối với dự án Khu đô thị – Du lịch - Văn hóa – Thể thao hồ Phú Hòa, Tập đoàn Phúc Lộc cũng chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ (7,6ha) thuộc hành lang an toàn lưới điện, chậm xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân, gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án…

Tháng 6/2023, tỉnh Bình Định đã ra quyết định chấm dứt hợp đồng đối với 2 dự án BT nghìn tỷ này của Tập đoàn. Cũng tại Bình Định, trước đó năm 2018, Tập đoàn Phúc Lộc bị “bêu tên” trong danh sách doanh nghiệp nợ thuế.

Tai tiếng là vậy nhưng không hiểu lý do vì sao, Bình Định vẫn là địa phương mà doanh nghiệp này có nhiều “đất diễn” khi liên tục trúng nhiều dự án, gói thầu lớn như Dự án Xây dựng cảng Đống Đa; Gói thầu Khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng tuyến sông Hà Thanh…

Mới đây (tháng 7/2023), đơn vị phụ trách lĩnh vực bất động sản công nghiệp của Tập đoàn là Công ty CP - Tổng Công ty Đầu tư phát triển KCN Phúc Lộc cũng được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh ký văn bản giao Ban Quản lý khu kinh tế chủ trì xem xét việc Công ty đề xuất nghiên cứu khảo sát mở rộng KCN Hòa Hội.

Kim Thoa – Thiên Trường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load