Thứ năm 26/12/2024 19:43 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Ninh Bình: Nhiều vi phạm về quản lý đất đai

22:53 | 19/02/2024

(Xây dựng) – Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều hạn chế, thiếu sót, vi phạm về công tác quản lý đất đai tại tỉnh Ninh Bình.

Ninh Bình: Nhiều vi phạm về quản lý đất đai
UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận chủ trương đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án thương mại, dịch vụ là không phù hợp quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Phúc Sơn.

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham những; quản lý, sử dụng đất đai, cấp phép khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng tại tỉnh Ninh Bình; qua kiểm tra, xem xét đã phát hiện nhiều hạn chế, thiếu sót, vi phạm về công tác quản lý đất đai.

Cụ thể, một số dự án sản xuất, kinh doanh được thực hiện theo hình thức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, những khi chủ đầu tư nhận chuyển nhượng không có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền, vi phạm khoản 1 Điều 193 Luật Đất đai 2013 hoặc chưa đủ điều kiện nhận chuyển nhượng, vi phạm quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013. Một số dự án tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất không có trong Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, không có quy hoạch xây dựng, vi phạm Điều 30 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, Điều 52 Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, các dự án này đã được cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 – 2020.

Khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND các huyện, thành phố thực hiện giao đất ở tái định cư không thống nhất; UBND tỉnh Ninh Bình cho thuê đất khi nhà đầu tư chưa thực hiện ký quỹ đầu tư theo khoản 2 Điều 27 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.

Thanh tra Chính phủ phát hiện tại Khu công nghiệp Phúc Sơn do Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Đầu tư phát triển KCN Phúc Lộc làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Ninh Bình chấp thuận chủ trương đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án thương mại, dịch vụ là không phù hợp quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp Phúc Sơn (đất công nghiệp), chưa đảm bảo quy định khoản 1 Điều 51 Luật Xây dựng 2014, khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư 2014; UBND tỉnh Ninh Bình cho thuê đất đối với 3/4 dự án thương mại, dịch vụ (nêu trên) không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, vi phạm điều 52 Luật Đất đai 2013.

Chủ đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê đất, vi phạm khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013; Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư thứ cấp thực hiện 6 dự án trong Khu công nghiệp chưa đảm bảo hồ sơ yêu cầu theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2014, điểm đ khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020.

Ngoài ra, việc thực hiện bán đấu giá tài sản và quyền sử dụng đất đối với 62 cơ sở nhà đất khi chưa có phương án sắp xếp là không đúng quy định của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các Quyết định: số 09/2007/QĐ-TTg, số 140/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ninh Bình: Nhiều vi phạm về quản lý đất đai
Nhiều dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Các dự án chậm tiến độ chưa được công khai trên Trang thông tin điện tử của tỉnh theo khoản 3 Điều 15 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; đến thời điểm thanh tra vẫn còn 75 dự án chậm tiến độ chưa được xử lý xong; có 12 dự án đã được thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai, chậm thực hiện; tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có 27 dự án đầu tư thứ cấp chậm tiến độ từ 1 đến 6,5 năm… nhiều dự án chậm tiến độ vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Một số dự án chậm phê duyệt giá đất, có 4 dự án đã được giao đất nhưng chưa xác định tiền sử dụng đất. Giá đất cụ thể của các dự án (không phải kinh doanh bất động sản) được xác định bằng phương pháp thặng dư có áp dụng chỉ tiêu về độ lấp đầy, chi phí quảng cáo (0,5%), chi phí vận hành hàng năm tài sản cho thuê là không phù hợp; đưa thuế VAT vào chi phí phát triển một số hạng mục công trình là không đúng hướng dẫn tại Điều 6 và Phụ lục số 04 Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Về tiền, thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa: Còn 48 công trình, dự án còn nợ 50,795 tỷ đồng; 125 dự án chưa xác định. Việc thu tiền giao đất, cho thuê đất: Còn 79 dự án nợ tiền thuê đất 194,19 tỷ đồng (trong đó có 59 tổ chức nợ 193,55 tỷ đồng, 19 hộ gia đình cá nhân nợ 0,636 tỷ đồng).

Anh Tú

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load