(Xây dựng) – Trong những năm gần đây, công tác quản lý đô thị tại Thủ đô Hà Nội được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt. Tuy nhiên, tại một số khu vực công cộng, những bức tường rào vẫn bị sơn, vẽ bậy, “bôi bẩn”, thậm chí gây phản cảm và mất mỹ quan đô thị.
Công viên Thống Nhất nằm ở vị trí thuận lợi, trung tâm. |
Tiếp giáp với 4 mặt phố của quận Hai Bà Trưng, Công viên Thống Nhất được xem là một trong những “lá phổi xanh” của thành phố Hà Nội và thường xuyên đón tiếp lượng lớn khách tham quan, người dân đi bộ, tập thể dục… Tuy nhiên, bộ mặt Công viên Thống Nhất đang gây ra mất mỹ quan, bởi nạn “tiểu bậy” và xả rác bừa bãi. Khu vực chịu ảnh hưởng nhất là cổng chính tiếp giáp phố Trần Nhân Tông.
Dọc theo cổng rào quanh Công viên Thống Nhất, là những biển báo “Cấm đái bậy” gây phản cảm, mất mỹ quan đường phố. |
Tuyến phố mới cổng sau Công viên Thống Nhất từ Nguyễn Đình Chiều ra Đại Cồ Việt bị sơn, vẽ nguệch ngoạc những dòng chữ “Cấm đái bậy…”. |
Bên cạnh đó, tình trạng xả rác tràn lan, cộng thêm mùi khai bốc lên nồng nặc khiến ai đi qua cũng phải bịt mũi, lắc đầu ngao ngán. Nằm ngay cạnh cổng Công viên Thống Nhất là nhà chờ xe buýt, nên cứ cách vài mét, không khó gì gặp cảnh tượng một người đàn ông đứng “úp mặt” vào tường và “thản nhiên” tiểu bậy. Vào những ngày mùa hè nóng nực, mùi bốc lên càng nồng nặc và kinh khủng.
Để phục vụ du khách cũng như người dân, nhiều nhà vệ sinh công cộng, nhà vệ sinh di động được xây dựng. Tuy nhiên, ý thức của người dân cần được nâng cao, tuyên truyền để xóa bỏ dần những hình ảnh xấu xí, nhem nhuốc, bẩn thỉu, gây phản cảm và mất mỹ quan đô thị.
Trong khuôn viên của Công viên Thống nhất hàng loạt những cây gỗ bị đốn hạ không biết từ bao giờ.
Số gỗ được xếp ngay ngắn, đánh số thứ tự tập kết tại một góc gần khu vực nhà vệ sinh tại Công viên Thống Nhất.
Ngoài ra, theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, trong Công viên Thống Nhất xuất hiện hàng loạt những cây gỗ bị đốn hạ không biết từ bao giờ. Số gỗ trên được tập kết tại một góc gần khu vực nhà vệ sinh tại Công viên Thống Nhất.
Người dân sống xung quanh không khỏi thắc mắc, số gỗ trên có phải là những cây trong Công viên Thống Nhất hay không? Số cây đó bị chặt phục vụ mục đích gì? Liệu có phải số cây chặt bị đốn hạ để dành diện tích “đất vàng” cho dự án nào khác?
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.
Quỳnh Hoa
Theo