Thứ bảy 27/04/2024 04:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nhọc nhằn nhà máy xử lý rác Khe Giang

09:16 | 01/01/2017

(Xây dựng) - Nhà máy xử lý rác thải Khe Giang (Uông Bí) có giá trị đầu tư 115 tỷ đồng, 5 năm 2 lần xây dựng mà vẫn không yên. Ban đầu địa điểm được phê duyệt tại phường Bắc Sơn, sau 6 tháng hoạt động lại phải di chuyển đến Khe Giang, xã Thượng Yên Công. Nhà máy dựng lên ở đâu cũng bị một số người dân ở đó ngăn cản.


Nhà máy xử lý rác Khe Giang cách xa trung tâm đô thị TP Uông Bí.

Uông Bí là 1 trong 4 thành phố lớn của tỉnh Quảng Ninh. Đô thị phát triển, dân cư đông đúc, mỗi ngày thải ra hàng trăm tấn rác. Trước đây đất rộng, người thưa, ít rác, còn xử lý theo cách chôn vùi rác dưới lòng đất. Chôn rác làm mất vệ sinh nguồn nước ngầm và ô nhiễm môi trường trên mặt đất, biết vậy nhưng tình thế vẫn phải làm. Nay cách ấy cũng không ổn, dân số tăng, đất đai thì không “đẻ” ra được, Uông Bí ngày càng đứng trước thách thức về cảnh quan môi trường, nhất là từ khi địa lợi du lịch tâm linh lên ngôi. Đảng bộ, chính quyền thành phố Uông Bí đã sớm tìm ra cách làm, theo hướng huy động nguồn tài chính ngoài ngân sách vào xử lý rác thải. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long sớm hưởng ứng, ghé vai gánh vác dịch vụ công vốn nhọc nhằn mà thu nhập thấp này.

Khởi đầu, Doanh nghiệp được thành phố Uông Bí và tỉnh Quảng Ninh cho phép  xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và sản xuất nguyên liệu tái tạo, quy mô 100 tấn/ngày, tại phường Bắc Sơn (xử lý riêng rác ở Uông Bí), theo quyết định phê duyệt địa điểm số 4848/QĐ-UBND ngày 25/12/2007 và Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 số 1356/QĐ-UBND ngày 12/5/2010.

Năm 2012, Nhà máy rác Bắc Sơn đã lắp đặt xong, chi phí đầu tư gần 70 tỷ đồng, trên diện tích đất xây dựng 13ha. UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định số 3513/QĐ-UBND phê duyệt giá cho doanh nghiệp được hưởng công xử lý 410.000đồng/tấn, đồng bổ hứa hẹn có đồng thu. Tin vui là rác trong khu dân cư thải ra đến đâu, được tiêu hủy đến đó. Nhà máy hoạt động được mấy tháng, đang dần dần ổn định thì phải dừng lại vì dân ở phường Bắc Sơn kiến nghị, rác xử lý  bốc mùi hôi hám. Nhà máy đặt ở gần khu dân cư, một số hộ dân lại ở sát ngay hàng rào nhà máy. 47 hộ nhà cửa cách Nhà máy trong khổ giới 500m, đúng phải di dời nhưng tiền bồi thường GPMB quá lớn, đành phải đóng cửa Nhà máy.

Để gỡ thế “bất động” cho một Nhà máy và không thể để tình trạng một thành phố đông dân mà không có lò xử lý rác, UBND tỉnh Quảng Ninh mở đường cho Uông Bí theo hướng đồng ý cho di chuyển Nhà máy đến địa điểm khác. Ngày 11/2/2015, UBND tỉnh có Quyết định số 876/QĐ-UBND về Quy hoạch chi tiết xây dựng nhà máy xử lý rác thải công suất 200 tấn/ngày, tại Khe Giang, xã Thượng Yên Công. Nhà máy quy mô xử  lý rác cấp khu vực, gồm cả Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên.


Nhà máy xử lý rác Khe Giang đốt 200 tấn/ngày, đáp ứng nhu cầu cho vùng phía Tây tỉnh Quảng Ninh gồm Uông Bí, Quảng Yên, Đông Triều.

Lật lại chuyện Nhà máy xây dựng ở phường Bắc Sơn, để thì là công trình danh giá hàng trăm tỷ đồng, dỡ ra thành đống sắt vụn. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long “trót lao thì phải theo lao”, riêng công tháo dỡ, di chuyển máy móc, lò thiêu tốn kém hàng chục tỷ đồng. Công ty lại gồng mình bỏ ra 20 tỷ đồng nữa(coi như xây mới) đầu tư di chuyển nhà máy từ phường Bắc Sơn đến Khe Giang, xã Thượng Yên Công

Khe Giang, thung lũng ẩn khuất trong vùng rừng Bảo Đài Sơn, cách xa trung tâm thành phố Uông Bí, vốn là khu được quy hoạch chôn rác của Cty CP Môi trường Uông Bí diện  tích 12ha, nay quy hoạch mới tổng thể 27ha cho cả 2 đơn vị. Riêng nhà máy này được sử dụng 5,91ha. Nhà máy xây dựng ở Khe Giang khuất nẻo, đang là khu chôn rác của thành phố. Tưởng yên ổn, nào ngờ vừa xử lý mẻ rác đầu tiên lại bị dân ở đây “bài xích”.


Khu dân cư thôn Tập Đoàn, xã Thượng Yên Công, Uông Bí còn cách Nhà máy  rừng cây, múi cao.

Cụ thể, một số hộ dân ở thôn Tập Đoàn, lân cận nhà máy, kiến nghị khu họ ở có mùi hôi hám. Người quá khích còn nhiều lần ngăn cản không cho xe chở rác vào nhà máy. Nhà máy xử lý rác thải Uông Bí vốn đã nhọc nhằn 5 năm, 2 lần xây dựng, nay lại vấp vào bế tắc tương tự lần trước.

Phóng viên Báo Xây dựng thực tế hiện trường, tìm hiểu thấy rằng: Uông Bí là đô thị phát triển nhanh, từ ven sông đến bìa rừng đâu đâu cũng có người ở, cũng có nhà máy, khai trường. Rừng rú cũng có chủ, lại chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng bảo tồn, không còn nơi nào đất trống bán kính trên ngàn mét không có người ở. Uông Bí không thể tìm ra quỹ đất để xây dựng Nhà máy xử lý rác cách biệt hẳn với khu dân cư. Đến sát lò xử lý rác Khe Giang quả có mùi hôi, chắc là điều không tránh khỏi. Còn mức độ phát tán vào khu dân cư thì chưa rõ, bởi thôn Tập Đoàn còn cách Khe Giang rừng cây, núi cao, “ngự tiền” chắn gió. Còn “mách có chứng” thì căn cứ vào kết quả 6 lần quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên & Môi trường Quảng Ninh và một đơn vị chức năng độc lập có trụ sở ở quận Hà Đông, TP Hà Nội, ngày 10/11/2016 lấy mẫu không khí, mẫu nước mặt, nước thải, khí lò đốt, không khí… tại các tọa độ khu vực nhà máy, để thử nhiệm, kết quả phân tích mẫu còn thấp hơn yêu cầu về an toàn môi trường theo quy định hiện hành.

Chúng tôi cũng chia sẻ với những người dân ở thôn Tập Đoàn, 14 hộ cách nhà máy 500m và 38 hộ cách 1.000m quy phạm ảnh hưởng môi trường, TP Uông Bí cần có lộ trình di dân. Nhìn ra tỉnh ngoài, TP Hà Nội có Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 25/1/2011 hỗ trợ người dân sinh sống ở gần khu xử lý rác thải bị ảnh hưởng được tiền hỗ trợ hàng năm, theo khoảng cách xa gần khác nhau, được hưởng mức tiền khác nhau trong khoảng cách 500m trở về. Do vậy, Hà Nội nhiều hộ dân ở ngay sát tường rào khu xử lý rác vẫn yên lòng.

Uông Bí không thể không có nhà máy xử lý rác, mà đất đô thị thì ở đâu cũng có người ở. Thiết nghĩ chính quyền, doanh nghiệp và chính những người dân ở đây cùng chung lưng xử lý rác thải đô thị thì mới có kết quả chung, xây dựng một thành phố sang - xanh - sạch - đẹp là niềm mong mỏi của mọi người.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load