Thứ bảy 27/04/2024 11:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nhớ món ngon giản dị quê mình

16:25 | 18/07/2021

(Xây dựng) - Anh có biết không, lần đầu tiên từ quê lên anh đưa cho em món quà quê ấy, em ngạc nhiên và thích lắm! Hẳn là anh rất thú vị khi thấy cô vợ trẻ mắt cứ tròn xoe, tay giơ quà lên ngắm nghía và lúm đồng tiền cứ xoáy tròn theo cái miệng vừa cười vừa liến thoắng hỏi anh: Kiếm ở đâu đấy? Làm như thế nào hả anh? Có ngon không anh? Thường chế biến những món gì? Em ăn luôn được không?

nho mon ngon gian di que minh

Hôm ấy chúng mình đã nấu cơm rõ sớm và anh trổ tài làm bếp, hướng dẫn em làm món ăn hương vị quê nhà...

Dạo đó chúng mình thật nghèo anh nhỉ! Gian nhà tập thể bé xíu chật chội mà vẫn thấy rộng tênh. Chỉ có vài chiếc bát đĩa, xoong chảo, cái mâm nhôm và một chiếc bếp dầu cũ kỹ. Không kể cái tủ gỗ tạp cũng cũ kỹ mượn của cơ quan đựng quần áo và làm bức bình phong che chắn thế giới riêng tư của hai vợ chồng...

Vậy mà anh vẫn dành cho em những bất ngờ thật thú vị. Món phở cua là một trong những bất ngờ như thế. Mà anh biết em nấu riêu cua, canh cua, làm bún cua, rang cua... khá ngon rồi đấy, từng được cả nhà khen từ bé cơ! Ấy thế nhưng phở cua thì chưa từng nghĩ đến bao giờ. Anh đã mua bánh phở tươi, làm cho em món ăn nhớ mãi khi mới đón em về đấy. Không biết lần này món mới ra sao?

Anh cười hiền bảo để anh làm. Đôi bàn tay to tưởng vụng về mà thoay thoáy rửa, thái quả. Những đồng xu to trắng muốt, mỏng mảnh lăn tròn trên thớt nhìn hấp dẫn quá! Em với tay định lấy ăn thử thì anh lại cười: Đừng ăn sống, để sau ăn một thể sẽ biết!

Nhà chẳng có gì ngoài vài quả trứng, mấy cọng hành. Anh phi hành mỡ rõ thơm rồi đổ rổ “đồng xu” ấy vào đảo, nêm nếm gia vị. Em nhìn mà nước miếng cứ tứa ra, cố bấm bụng háo hức chờ. Anh lại thoay thoáy đập, đánh trứng, bảo em thái hành để sẵn giúp anh. Rồi xèo xèo... trứng, hành tươi đã đổ vào chảo, đôi đũa vung lên khuấy đều... Những đồng xu quyện vào với trứng, mỡ hành bỗng tỏa hương ngào ngạt... Hẳn anh còn nhớ hôm đó em mới ăn khỏe, ăn ngon làm sao và líu lo lắm chuyện thế nào... Em đã cắn vào “đồng xu” lớn đầy hấp dẫn, giòn sần sật, bùi, ngọt, mặn mà, rất “đưa cơm” ấy, hết miếng này đến miếng khác và anh lại nhìn em cười thật hiền!

Vậy mà đã bao năm trôi qua rồi em vẫn mê món ấy, vẫn mong chờ những ngày hè ngập nắng về Bắc Ninh quê mình để tìm mua và thưởng thức món quà quê hương dân dã mà ít đâu có! Là em khẳng định thế về món ăn quê mình đấy anh ạ! Anh đã thấy ở đâu có món dưa gang muối phơi nắng chưa? Em may mắn cũng đã được đi gần hết đất nước, thuở bé cũng từng vặt dưa gang trên đồng lau vạt áo ăn, từng biết đất nước mình nhiều nơi trồng dưa gang, muối dưa gang nén rồi muối xổi, nhất là dải đất miền Trung, nhưng chưa ở đâu em được ăn món dưa gang muối phơi qua vài nắng, kiểu như người dân chài phơi cá biển, ngoài quê hương Bắc Ninh mình.

Có lẽ miền đất cổ Kinh Bắc đậm đà bản sắc văn hóa và có vô số món ngon đặc sản nên mọi người cũng ít nhắc đến món ăn dân dã này chăng? Giờ đây, số người biết về nó ít đi nhiều và em lo sẽ bị mai một đi khi những đồng bãi dưa gang ngày càng bị thu hẹp, khi đám trẻ lớn lên chỉ thích ăn đồ ngoại và chẳng biết cách làm, còn các bà, các mẹ lưu giữ truyền thống thì dần về với tổ tiên... Thực sự em lo lắm anh!

nho mon ngon gian di que minh

Em nhớ ngày xưa quê mình đẹp lắm! Mỗi lần qua dòng sông Đuống phía Hà Nội về hay dòng sông Cầu phía Bắc Giang lên, mùa hạ này là mắt em như bị hút vào những cánh đồng xanh biếc hay rực vàng mùa lúa chín, những đầm sen thơm ngát nở hồng trải dài theo trục đường Quốc lộ, nhưng ngôi làng cổ kính có luỹ tre xanh bao quanh, thấp thoáng mái chùa, giếng đình, cây đa, bến nước... Và dưa ngày ấy trồng thật nhiều, dưa gang, dưa ếch, dưa hồng bở, dưa lê... trên những đồng bãi sông Đuống, sông Cầu bạt ngàn... Giống dưa truyền thống nhàn nhạt, không ngọt nhưng cho năng suất cao, nhất là những trái dưa gang, có quả to dài như bắp tay người lớn, chỉ ăn một quả cũng đủ no và đã đầy cơn khát! Có lẽ ngày ấy, bà con trồng dưa gang không phải để ăn chơi ăn bời như các loại hoa quả bây giờ đâu anh nhỉ? Mà trồng như một thứ thức ăn dự trữ cho những ngày đói nghèo!

Em được biết dưa trồng xen canh vào mùa xuân, chỉ trong đôi tháng cây đã bò rợp bãi, ra hoa, kết trái. Đến đầu hè, khoảng cuối tháng Tư, tháng Năm, những quả dưa gang như những trái bầu nhỏ trắng xanh nằm phơi mình núc lỉu trên luống, lấp lóa sau tán lá to. Khi dưa được thu hoạch về sẽ nhanh chóng được các mẹ, các chị rửa sạch, cắt bớt cuống, để ráo nước rồi được ngâm vào các chum vại nước muối đã được pha sẵn. Cứ thế, những trái quả màu xanh cốm non được ngậm nước muối trong vài ngày thậtl mặn mòi rồi lựa lúc nắng to, các mẹ các chị vớt ra phơi trên sân ngập nắng vàng.

Có những gia đình ngâm nước muỗi rất mặn, cũng có gia đình ngâm nước muối vừa, nhưng sau ít nhất ba, bốn nắng, quả dưa nào cũng chuyển sang trắng phau, lấp lánh tinh thể muối. Trái dưa héo tóp lại còn phân nửa, nhăn nheo, mềm dẻo và bắt mắt, hứa hẹn những món ngon đợi chờ...

Hẳn anh còn nhớ những bữa cơm mẹ nấu với bát canh cua đồng mát lành, chút tép rang và những lát dưa gang muối mặn? Hẳn anh còn nhớ những đĩa dưa gang xào cùng thịt, tóp mỡ, hay đảo đều cùng trứng như hôm nay? Hay anh nhớ những miếng dưa kho cùng thịt ba chỉ, khúc cá đồng mà miếng dưa đậm đà thấm bao bổ béo? Hay anh nhớ những ngày hè nắng cháy, ngại nấu, sẵn trái dưa gang muối phơi và lọ muối vừng, chỉ việc rửa sạch, bỏ hạt, xắt mỏng, trộn chút gia vị, tỏi ớt, đường, vắt chút chanh hay chút dấm, trộn đều là được một món ngon mát lành, khoái khẩu?

Em cứ tiếc là dưa muối chỉ có một mùa, không để được. Nếu để lâu phải ngâm kỹ muối thật mặn, phơi đủ nắng thật héo rồi lót rơm cho vào hũ kín, hoặc treo lên gác bếp. Ấy là ngày xưa thôi chứ giờ làm mặn thế ai ăn! Cất vào tủ lạnh bỏ ra dưa cũng dễ nát, hết giòn và không còn ngon nữa... Vậy nên cứ đến dịp nắng đầu hè là em về cùng anh, nghiêng ngó chợ quê. Về vội hoặc muộn lại dặn cô em gái mua gúp cho anh chị mấy chục quả...

Làng quê giờ đã lên phố phường rồi, chợ quê cũng không còn hồn cốt xưa nữa. Những cánh bãi nhà cửa mọc lên, ruộng đồng thành khu công nghiệp, nếp cái hoa vàng nổi tiếng quê mình giờ còn mấy nữa, sông ngòi dần ô nhiễm, bãi mía nương dâu dần rời xa, liệu có một ngày dưa gang cũng rời xa? Có cách nào để phát triển hiện đại, đô thị hóa, công nghiệp hóa mà vẫn giữ được vẻ đẹp văn hóa truyền thống làng quê cổ và môi trường sinh thái trong trẻo như xưa không anh nhỉ? Sao ta không học cách làm của nhiều nước phát triển hả anh?Họ gọi là phát triển bền vững gì đó ấy phải không anh? À, đúng rồi! Phát triển kinh tế song hành cùng văn hóa và bảo vệ môi trường sinh thái ấy!

Nhiều hôm, chúng tôi vừa ăn cơm, cắn miếng dưa gang muối giòn sần sật xào thịt, vừa tám đủ chuyện riêng chung về quê hương, đất nước như vậy. Xa quê nhưng như mọi người con xa mái nhà cha mẹ, lòng vẫn đau đáu hướng về quê hương...

Mùa hè năm nay, chúng tôi mới kịp về quê mua dưa gang muối một lần để thưởng thức và biếu mấy người bạn thì dịch Covid-19 bùng nổ. Miền quê Kinh Băc - Bắc Ninh, Bắc Giang - chìm trong phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội. Chúng tôi tham gia tiếp sức cho quê hương từ xa...

Nắng hè dữ dội, quê nhà thành chảo lửa cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Xóm làng xao xác! Còn bao nhiêu người không kịp muối, phơi dưa đem đến chợ làng? Những bữa cơm gia đình sum vầy trở thành ước mơ xa xỉ. Có ai đếm được có bao người mẹ chờ con? Bao người vợ chờ chồng và bao người con khao khát nhớ bữa cơm với những món ăn bình dị của quê hương mình?

Bùi Thanh Hà

Theo

Cùng chuyên mục
  • Khai mạc Triển lãm Hải Phòng – Pháp Heritage

    (Xây dựng) – Ngày 26/4, tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề "Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai".

  • Quảng Trị: Lễ hội “Thống nhất non sông” - Tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc

    (Xây dựng) – Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 52 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị (01/5/1972 - 01/5/2024), ngày 30/4, tại Di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Quảng Trị) sẽ diễn ra Lễ hội “Thống nhất non sông” năm 2024.

  • Ninh Bình: Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024

    (Xây dựng) – Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

  • Hội thảo “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển”: Điểm nhấn trọng tâm về học thuật

    (Xây dựng) - Ngày 23/4, Hội thảo khoa học “Di sản Kiến trúc trong dòng chảy phát triển” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, trở thành điểm nhấn trọng tâm về học thuật trong khuôn khổ Festival Sinh viên kiến trúc toàn quốc lần thứ XIV tại Huế.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load