Sau lễ hội du lịch, người Mông lại trở về
với ruộng nương.
Vào quãng giữa năm của các năm trước, ai lên Bắc Hà vào dịp này, đi đến đâu cũng chỉ thấy mận và mận. Mận lúc lỉu tím sẫm trên các ngọn cây. Mận đầy ứ trong lù-cở của các cô gái xuống chợ. Mận lèn đầy những chiếc xe tải đang hối hả về xuôi. Nhưng năm 2008, mận mất mùa. Ðúng vào lúc mận kết trái thì mưa đá trút xuống mấy đợt liền. Cây cối xác xơ, quả mận bé tí rụng trắng gốc. Vậy là một nguồn thu nhập lớn của bà con xứ núi đã bị "ông trời" phá hỏng.
Anh cán bộ huyện đi cùng với tôi kể rằng ngày trước, mận gốc ở Bắc Hà rất chua, mỗi gia đình chỉ trồng vài cây lấy quả ăn chơi. Rồi năm nọ, ông Vũ Ðức Lợi ở Trạm giống, cây trồng huyện đã sang tận Quảng Ninh mang về giống cây mận ngọt, cho ghép với cây mận Bắc Hà để sinh ra loại mận vừa giòn, vừa ngọt, vừa hơi chua chua như bây giờ. Anh bảo:
- Thi thoảng gặp những quả mận ngọt lừ thì đó lại là giống mận rất đặc biệt, bà con ghép cây mận ngọt với cây đào. Loại này thì ăn không biết chán!
Nghe anh nói, tôi công nhận ngay. Vì năm nào ở Hà Nội tôi cũng được ăn mận Bắc Hà, lại còn chọn những quả lành lặn, vỏ phơn phớt phấn trắng, gửi làm quà cho bạn bè ở miền nam. Cây mận Bắc Hà là loài cây có sức chịu đựng cao, mùa hè ở đây rất nóng, còn mùa đông thì nhiệt độ có khi xuống chỉ còn vài độ C.
Từ trụ sở Ðảng ủy xã Bản Phố nhìn ra chung quanh, chỉ thấy hàng hàng cây mận đã vào lúc cuối mùa, lá rụng gần hết, thân cây khẳng khiu nhưng rắn chắc, thế mới biết tại sao cây sống được ở đất này. Mà giống mận này cũng lạ, cứ sau khoảng 15 năm là cây tự khô héo, vì thế trước đó bà con đã phải trồng lớp cây mận mới, để khi chặt cây già thì đã kịp có cây non kế cận.
Bí thư Ðảng ủy xã Bản Phố Giàng Seo Sì cho biết:
- Trước đây, nhà nào trồng nhiều có năm thu hoạch quãng 40 triệu đồng, nhà trồng ít cũng 5 - 7 triệu đồng. Mấy năm nay thời tiết xấu, giá mận thấp, các cây mận đã già, cho nên thu nhập của bà con cũng giảm đi.
Xã Bản Phố có 601 hộ thì từng có 311 hộ nghèo, với 1.595 khẩu. Xóa đói, giảm nghèo là vấn đề cần sớm giải quyết, nếu muốn đưa một xã miền núi theo kịp các xã miền xuôi. Vì thế những năm qua, được sự hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước và tỉnh Lào Cai, Huyện ủy và UBND huyện Bắc Hà đã triển khai nhiều kế hoạch kinh tế - xã hội, nhằm trực tiếp thúc đẩy công tác xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống mọi mặt của bà con các dân tộc ở Bắc Hà.
Một trong các biện pháp cụ thể, có hiệu quả của Huyện ủy là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở, lấy cán bộ, đảng viên ở cơ sở làm đội ngũ hạt nhân, vừa lãnh đạo vừa tham gia lao động sản xuất. Năm 2007, toàn huyện Bắc Hà kết nạp 155 đảng viên. Sáu tháng đầu năm 2008, là 65 đồng chí. Họ là những nhân tố tích cực, được các cấp ủy đảng phát hiện và bồi dưỡng tạo nguồn.
Với một xã vùng cao như Bản Phố chẳng hạn, năm 2007 kết nạp chín đảng viên, sáu tháng đầu năm 2008 đã kết nạp năm đảng viên. Ðây là thành tích không dễ đạt được nếu biết xã Bản Phố gồm 13 thôn bản nằm rải rác trên các triền núi cao, cán bộ xã đi một vòng quanh các thôn cũng mất cả tháng trời.
Ðảng viên trẻ được Huyện ủy chú trọng, quan tâm đào tạo kiến thức và nghiệp vụ, cho nên đã phát huy được vai trò tích cực, nòng cốt, gương mẫu đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế - văn hóa, xóa đói, giảm nghèo.
Chỉ cần nhìn các đường dây điện cao thế vượt núi cao, rừng rậm để đến với bản làng, những chiếc vô tuyến truyền hình loang loáng trong các gia đình, hệ thống đường ống rải khắp bản đưa nước sạch đến từng gia đình, và những chiếc xe gắn máy của các chàng trai cô gái người Mông, người Dao phóng vèo vèo trên đường là hiểu ở đây, cái nghèo đã và đang dần dần lùi bước...
Dọc theo con đường nhỏ rải nhựa lượn vòng qua sườn núi đi lên bản Háng Dê chỉ thấy bạt ngàn mận, ngô và đỗ tương. Nằm trên độ cao quãng hơn 1.400 mét so với mặt biển, từ thung lũng dưới chân núi nhìn lên, bản Háng Dê mờ mờ trong mây, trong sương, lúc ẩn lúc hiện. Thời tiết mát mẻ, vào giờ đi làm, cho nên người lớn đều lên nương. Loáng thoáng tiếng trẻ líu lo. Xao xác tiếng gà, tiếng ngựa hý. Những làn khói tỏa ra từ mấy nếp nhà, nhẹ nhàng cuốn theo gió trời của các gia đình có người lớn quanh quẩn ra vào làm việc vặt, chăm nom lợn gà hoặc vun xới mảnh vườn trồng bí ngô, rau cải.
Hôm nay chị Giàng Thị Váng ở nhà để nấu rượu. Ngày mai có phiên chợ huyện, đông du khách, người dưới huyện đặt mua nhiều lắm mà không có thời gian để nấu. Ngồi bên bệ bếp, má ửng hồng vì lửa, Giàng Thị Váng vừa đưa bẹ ngô lõi ngô vào bếp lò đun thay củi, vừa mời khách bát rượu ngô ấm nồng, ngan ngát thơm, xóc lên tận óc nhưng dìu dịu và lâng lâng. Nhà có bốn khẩu, trẻ con đứa lớn đứa bé đi học. Vợ chồng làm ăn khấm khá. Chị Váng hể hả:
- Mình vui lắm mà. Nhà có điện rồi, vợ chồng ngày đi làm nương, tối về có vô tuyến xem. Thứ bảy chồng mình lại đèo xe máy xuống huyện mua các thứ...
Nghe nói rượu ngô ở Háng Dê là ngon nhất vùng, và chỉ ngon khi được nấu tại chính Háng Dê. Có người mua ngô tại bản, dùng men lá do bà con sản xuất để ủ ngô, rồi bê cả bộ nồi chõ, xách cả nước lấy tại bản... mang về dưới huyện nấu, mà rượu vẫn không ngon. Bà con bảo là còn do khí hậu và thổ nhưỡng. Nếu đúng vậy thì bảo rằng rượu ngô ở Háng Dê là đặc sản cũng phải.
Ðối với đồng bào người Mông ở Bắc Hà (chiếm 47% dân số) thì ngô là tất cả. Ngô là lương thực chủ yếu, sử dụng hằng ngày. Tuy không làm nhà sàn, nhưng nhà ở của gia đình người Mông nào cũng có hai tầng, tầng dưới để ở, còn tầng trên chỉ có ngô và ngô. Ngô còn để nguyên trong bẹ và đã phơi khô chất đống, cao ngồn ngộn. Ngô để ăn, ngô để nấu rượu, ngô để chăn nuôi gia súc và ngô là tiền dự trữ, vì khi cần bà con lại bán vài thồ, lấy tiền mua sắm. Nhà nào thích ăn cơm thì bán ngô lấy tiền mua gạo.
Nhìn lên các dãy núi chung quanh bản, ngô xanh ngát như rừng, tầng tầng lớp lớp. Anh Thào Seo Cấu, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Bắc Hà kể với tôi, anh đi học ở trường dân tộc nội trú từ ngày còn nhỏ, học đủ 12 lớp, lớn lên vào đại học ở dưới Hà Nội, vậy mà chẳng làm sao quên được bát mèn mén quê nhà. Còn khi ngồi trên yên xe máy trò chuyện ở đầu hồi, anh Giàng Seo Sào cho biết, mỗi năm gia đình anh thu hoạch khoảng 100 thồ ngô, mỗi thồ là 60 cân, như vậy mỗi năm có khoảng sáu tấn.
Giàng Seo Sào cho biết trong bản có nhà mỗi năm còn thu hoạch đến 300 thồ, tức là nhà đó có gần 20 tấn ngô. (Thồ là đơn vị tính theo trọng lượng hai bao ngô đặt trên lưng ngựa để thồ. Tương tự như vậy, địu là đơn vị tính theo trọng lượng ngô trong lù-cở các chị phụ nữ đeo trên lưng, mỗi địu nặng 30 cân).
Em gái của Giàng Seo Sào vừa học xong lớp 9, váy hoa áo hoa, thấy khách lạ là đỏ mặt, lí nhí chào rồi chạy luôn vào nhà. Tôi hỏi gì cô cũng lắc đầu, chỉ đến khi hỏi về chuyện lấy chồng thì cô mới cười và bảo:
- Hai mươi tuổi cháu mới lấy chồng, cháu không tảo hôn đâu!
Nghe cô nói, tôi cũng cười theo. Ở bản Háng Dê, số gia đình sinh hai con ngày càng nhiều. Ði khắp bản hầu như ít gặp cái cảnh đứa lớn cõng đứa bé, mắt mũi lèm nhèm, có quần thì thiếu áo, có áo thì thiếu quần, như ở một số bản làng miền núi tôi đã đi qua. Văn hóa không chỉ là các giá trị trừu tượng, văn hóa còn là những việc làm, những quy định cụ thể của cộng đồng, được mọi người tuân thủ, góp phần làm cho cuộc sống ấy ngày càng no ấm hơn.
Như Dự án tiểu học dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khánh thành năm 2005 ở Háng Dê chẳng hạn. Ðó là ngôi trường khang trang được xây dựng ngay giữa bản. Hai dãy phòng học sạch sẽ, mái ngói hồng tươi, sân trường rộng thênh thang. Vào giờ nghỉ học, sân trường còn là sân chơi cho đám trẻ trong bản. Ở trên núi cao, có một cái sân bằng phẳng và rộng để chạy nhảy kể cũng hiếm.
Chiều về, việc ở nhà đã tạm ổn, đứng trông mấy cháu bé đang chạy nhảy tung tăng trên sân, Sùng Thị Táu cười tươi như hoa. Chị kể ngày bé chị không có chỗ chơi như thế này đâu. Vợ chồng mới có một con, vài năm nữa mới sinh thêm. Lại nhớ lúc gặp Sùng Thị Táu ở nhà, thấy chị ngồi bóc đống ngô vàng bị mọt đục thành bột trắng xóa, tôi nói đùa: "Nhà nhiều ngô quá để cho mọt ăn hộ hay sao?". Chị cười:
- Chưa nhiều đâu, em để quên đấy. Vợ chồng em mới làm nhà được mấy năm thôi mà, còn phải làm nữa.
Nét đáng yêu của phụ nữ miền núi là vậy. Chịu thương chịu khó, tần tảo, hay lam hay làm. Cả đời mẹ chị mới được xuống phố huyện vài lần. Còn bây giờ thì tuần nào chị cũng đi. Ði bán ngô, bán gà, bán lợn. Ði mua váy áo mới. Ði sắm sửa đồ dùng gia đình. Ði chơi hội... Không dùng ngựa thì đi bằng xe máy. Mọi thứ khác trước rồi, chỉ còn lo làm ăn sao cho thật tốt thôi.
Sau một tuần rộn ràng với Lễ hội du lịch, rộn ràng với các màn đồng diễn nghệ thuật, với đua ngựa, với các sản phẩm hàng hóa, với nồi thắng cố khổng lồ... Bắc Hà lại trở về với cuộc sống thường nhật, tiếp tục các dự án kinh tế - xã hội để tạo lập hạ tầng cơ sở vững chắc cho phát triển. Rồi người xuống ruộng, người lên nương, người mở đường, người trồng rừng, người làm thủy điện... Bắc Hà phát triển, du khách sẽ tìm đến nhiều hơn.
HÀ YÊN
Theo baoxaydung.com.vn