Kim gạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm giành 10,13% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân của sự sụt giảm trên là do các mặt hàng chủ lực tuy tăng về sản lượng nhưng giá lại giảm nên kéo giá trị xuất khẩu đi xuống. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm khoáng sản ước đạt 4,41 tỷ đô-la, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2008; lượng xuất khẩu dầu thô tuy tăng 23,4% nhưng do giá xuất khẩu giảm 53%, nên trị giá xuất khẩu giảm 42%; mặt hàng than đá giảm cả về lượng và trị giá đã làm cho xuất khẩu nhóm hàng này giảm 16%. Một số sản phẩm VLXD cũng chiếm một vị trí khá khiêm tốn trong bảng kim ngạch xuất khẩu: Xuất khẩu sắt thép các loại mới đạt gần 147 nghìn đô-la, các sản phẩm từ sắt thép đạt 268 nghìn đô-la, sản phẩm gỗ đạt trên 1,1 triệu đô-la. Về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: Nếu như ở trong nước, thép ngoại tràn ngập thị trường gây khó khăn cho các nhà sản xuất thì ở nước ngoài, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho mặt hàng này vừa mới, vừa rất khó, nhất là đối với Mỹ và EU.
Tại cuộc họp với các Hiệp hội ngành hàng về công tác xúc tiến thương mại, bà Phan Thị Diệu Hà, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, cả 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Australia, xuất khẩu đều giảm mạnh. Cụ thể: Mỹ giảm 6%, Nhật Bản giảm 35%... chỉ duy nhất thị trường châu Phi tăng trưởng mạnh, nhưng tỷ trọng xuất khẩu hàng tháng chỉ vẻn vẹn vài triệu đô-la nên không thể tác động làm tăng kim ngạch xuất khẩu chung.
Theo kế hoạch sau khi đã điều chỉnh, kim ngạch xuất khẩu năm 2009 phải tăng 3%, tức là đạt 64,68 tỷ đô-la. Trong khi đó 6 tháng đầu năm mới đạt hơn 27,61 tỷ đô-la, bình quân là 4,6 tỷ đô-la/tháng. Tính ra 6 tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu phải đạt trung bình gần 6,2 tỷ đô-la/tháng thì mới hoàn thành mục tiêu đề ra. Vì thế, nếu không có sự vào cuộc tổng lực của các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ cho DN thì mục tiêu trên khó hiện thực. Tại hội nghị sơ kết trực tuyến 6 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cam kết, Bộ sẽ phối hợp chặt hơn với Bộ Tài chính trong đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu, nhất là thủ tục hải quan, để tạo động lực cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu một số mặt hàng theo hướng hỗ trợ tối đa cho sản xuất trong nước, thúc đẩy xuất khẩu và khẩn trương xây dựng đề án thí điểm “Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu” trình Chính phủ phê duyệt.
Để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2009, công tác xúc tiến thương mại sẽ rất được chú trọng. Năm nay, kinh phí dành cho công tác xúc tiến thương mại sẽ tăng thêm 90 tỷ đồng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và khai phá các thị trường mới. Không chỉ phổ biến trong nhóm các ngành hàng thế mạnh như may mặc, da giày, gạo…, công tác xúc tiến thương mại cũng sẽ chú trọng đến các nhóm hàng thuộc lĩnh vực VLXD. Vì vậy, các DN và Hiệp hội ngành hàng cần phải có các chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả để có thể tận dụng nguồn vốn hỗ trợ này. Từ đó có thể góp phần đẩy mạnh công tác xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Vân Anh
Theo baoxaydung.com.vn