(Xây dựng) - Bên cạnh hệ thống định mức, giá xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành, hiện có khoảng 17.700 định mức xây dựng đặc thù do các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành công bố, ban hành và hàng nghìn định mức, giá xây dựng do các địa phương công bố, ban hành.
Đẩy nhanh tiến độ rà soát, cập nhật định mức chuyên ngành, định mức đặc thù. |
Thực hiện nhiệm vụ phân công tại Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 18/12/2017, sau đây gọi tắt là Đề án 2038), trong 2 năm 2020 - 2021, các Bộ, ngành, địa phương đã và đang rà soát, sửa đổi, bổ sung, cập nhật hệ thống định mức chuyên ngành.
Rà soát hơn 17.700 định mức chuyên ngành
Theo báo cáo của các Bộ, ngành gửi về Bộ Xây dựng (đơn vị chủ trì triển khai Đề án 2038), đến nay có 4 bộ thực hiện rà soát và gửi xin ý kiến Bộ Xây dựng cho khoảng gần 13.500 định mức dự toán cho các công tác xây dựng chuyên ngành.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT rà soát 984 định mức, trong đó đã loại bỏ 330 định mức do công nghệ lạc hậu, không còn sử dụng, giữ nguyên 486 định mức, dự kiến sửa đổi 168 định mức.
Bộ TT&TT rà soát 2.215 định mức, trong đó loại bỏ 777 định mức, giữ nguyên 390 định mức, điều chỉnh 1.048 định mức.
Bộ Công Thương rà soát 8.083 định mức dự toán mỏ than, hầm lò, theo đó loại bỏ 222 định mức lạc hậu, giữ nguyên 259 định mức, sửa đổi 6.665 định mức; bổ sung 5.348 định mức trong thời gian tới.
Bộ Công Thương cũng đã rà soát 197 định mức dự toán thí nghiệm điện đường dây và trạm biến áp, qua đó đề xuất loại bỏ 7 định mức, giữ nguyên 39 định mức, sửa đổi 152 định mức, bổ sung 325 định mức.
Bộ Quốc phòng rà soát và cập nhật bổ sung 116 định mức dự toán chi phí điều tra, khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ, 1.378 định mức công trình chiến đấu phần công sự, đường hầm.
Riêng Bộ GTVT, trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã hướng dẫn Bộ này về công tác rà soát định mức các công tác đặc thù chuyên ngành. Dự kiến việc rà soát, xây dựng hệ thống định mức chuyên ngành sẽ được Bộ GTVT lồng ghép trực tiếp vào các dự án, công trình giao thông hiện đang được triển khai và sẽ gửi Bộ Xây dựng thỏa thuận, thống nhất trước khi ban hành.
Cũng trong năm 2021, sau khi Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng được Chính phủ ban hành, các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tiếp tục thực hiện rà soát các định mức chuyên ngành đã công bố, theo quy định tại nghị định.
Theo đó, Bộ Quốc phòng có khoảng 300 định mức dự toán xây dựng và định mức dự toán sửa chữa, bảo dưỡng công trình DKI vừa mới được Bộ Quốc phòng ban hành trong năm 2018, đã lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng nên không thực hiện rà soát lại.
Bộ Công Thương đang tiếp tục triển khai rà soát các tập định mức ban hành cho lĩnh vực điện lực (khoảng 2.000 định mức) và đang triển khai nghiên cứu xây dựng định mức đối với các lĩnh vực công nghiệp dầu khí, công nghiệp hóa chất.
Bộ GTVT đã rà soát, ban hành và cập nhật khoảng gần 2.500 định mức trong lĩnh vực bảo trì đối với các công trình đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không... và đang tổ chức xây dựng khoảng 100 định mức xây dựng đặc thù cho công trình hàng không, công trình đường bộ.
Trong khi đó, Bộ Công an đề nghị xây dựng bổ sung định mức cho một số công tác xây dựng phòng cháy chữa cháy.
Mới có 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát
Bên cạnh Bộ Xây dựng và các bộ chuyên ngành, thực hiện nhiệm vụ quy định tại Đề án 2038, các địa phương cũng phải tiến hành rà soát hệ thống định mức và giá xây dựng đặc thù thuộc trách nhiệm.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, có 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ rà soát hệ thống định mức đặc thù do địa phương ban hành. Trong đó, 15 địa phương đã thực hiện rà soát định mức và đã gửi lấy ý kiến Bộ Xây dựng cho khoảng 1.000 định mức; 05 địa phương có ban hành định mức đặc thù; 22 địa phương không ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của địa phương. 21 địa phương còn lại không có báo cáo.
Cụ thể, 35/63 địa phương đã ban hành bộ đơn giá xây dựng công trình xác định theo định mức dự toán được Bộ Xây dựng ban hành tại Thông tư 10/2019/TT-BXD; 63/63 tỉnh đã thực hiện công bố giá vật liệu trên địa bàn tỉnh, trong đó 21 địa phương công bố giá theo quý, 42 địa phương công bố giá theo tháng.
63/63 các tỉnh đã ban hành giá nhân công theo hướng dẫn tại Thông tư 15/2019/TT-BXD; 58/63 tỉnh đã ban hành giá ca máy theo hướng dẫn tại Thông tư 11/2019/TT-BXD; 41/63 địa phương ban hành đơn giá dịch vụ công ích áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh và có văn bản hướng dẫn điều chỉnh chi phí đầu vào; 22/63 địa phương còn lại không ban hành đơn giá, chỉ có các văn bản hướng dẫn lập dự toán.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 2038 giai đoạn I
Theo ông Đàm Đức Biên - Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng, công tác rà soát các định mức chuyên ngành và định mức đặc thù chưa đáp ứng được chất lượng và yêu cầu đề ra của Đề án 2038.
Nguyên nhân là do lãnh đạo một số Bộ, ngành và địa phương chưa đặt tầm quan trọng, tính cấp thiết của các nhiệm vụ nên phân bổ chưa đầy đủ nguồn lực và thời gian để đáp ứng được mục tiêu và tiến độ đề ra.
Nhiều Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và địa phương chưa đặt quyết tâm, chủ động phối hợp trong quá trình thực hiện dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc rà soát và xây dựng định mức mới.
Nhiều đơn vị chưa rõ về quy trình, công tác đăng ký và bố trí vốn, phê duyệt dự toán, thuê các đơn vị tư vấn cũng như việc huy động nguồn lực xã hội để hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án.
Một nguyên nhân khác là điều kiện, năng lực của một số cơ quan, đơn vị tư vấn còn hạn chế về nghiệp vụ xây dựng định mức và đơn giá.
Từ thực trạng trên, với tư cách là Bộ chủ trì triển khai Đề án 2038, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, tích cực triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ Đề án trong Giai đoạn I; Tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp với Bộ Xây dựng để thực hiện hoàn thành công tác rà soát định mức chuyên ngành, định mức đặc thù.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương sớm công bố, hướng dẫn các nội dung về định mức và giá xây dựng thuộc phạm vi quản lý nhà nước được phân công phụ trách theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP; Nghiên cứu nội dung các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 10/2021/NĐ-CP sau khi ban hành; Tổ chức các buổi tập huấn về phương pháp xây dựng định mức và giá xây dựng theo quy định mới, làm cơ sở triển khai xây dựng các định mức chuyên ngành và định mức đặc thù thuộc phạm vi quản lý nhà nước được phân công phụ trách.
Với những giải pháp trên, Bộ Xây dựng hy vọng trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương khắc phục kịp thời những tồn tại và hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong các năm tiếp theo.
Quý Anh
Theo