Thứ sáu 19/07/2024 22:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nhân lực chất lượng cao sẽ quyết định sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn

22:25 | 18/07/2024

(Xây dựng) - Theo TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, có 7 trụ cột để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó có việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Sơn cho rằng, con người sẽ quyết định việc có thể triển khai sớm hay muộn.

Nhân lực chất lượng cao sẽ quyết định sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn
Đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. (Ảnh: Phenikaa)

Có thể hình thành một tháp nhân lực bán dẫn

Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” do Tập đoàn Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa phối hợp với Tập đoàn Synopsys và Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức vào tháng 5 vừa rồi đã thu hút sự quan tâm và tham gia của giới chuyên gia, các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong và ngoài nước.

Hội thảo đã cùng thảo luận những nội dung quan trọng xung quanh vấn đề nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam như: Tính khả thi của việc đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch Việt Nam đến năm 2030; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với các trường đại học đào tạo lao động ngành bán dẫn; kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn của các công ty và trường đại học hàng đầu thế giới… Cũng tại sự kiện, các chuyên gia đã thảo luận và chia sẻ về những phương tiện và phòng lab dùng chung cho đào tạo và thiết kế chip bán dẫn, và đặc biệt là cách thức để có thể hình thành một tháp nhân lực bán dẫn Việt Nam từ nguồn nhân lực đầy tiềm năng của Việt Nam...

Tại Hội thảo, Tập đoàn Phenikaa và các đối tác đã công bố những bước đi cụ thể mang tầm chiến lược nhằm hiện thực hóa cam kết của mình đồng hành cùng Chính phủ phát triển nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao tại Việt Nam: (1) Thành lập liên minh hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu bán dẫn theo mô hình hợp tác công - tư (PPP); (2) Giới thiệu Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn, tập trung đào tạo chuyên sâu và nâng cao kỹ năng và Công ty S-Phenikaa, công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch.

Tại Tọa đàm “Phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn - Thách thức và Giải pháp” diễn ra hồi cuối tháng 5/2024, TS. Hoàng Hưng Hải - Giám đốc sản phẩm Qualcomm Việt Nam khẳng định, các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia xây dựng chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra và quá trình đào tạo sinh viên ngành vi mạch bán dẫn.

Chính phủ đã đưa ra 5 trụ cột để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, gồm: Phát triển hạ tầng; Xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; Đào tạo nguồn nhân lực; Huy động nguồn lực; Xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Dưới góc độ của doanh nghiệp, TS Hoàng Hưng Hải nhận thấy, việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố rõ ràng nhất và doanh nghiệp có thể tham gia. Bên cạnh đó, nếu có sự phối hợp giữa đầu tư công - tư, doanh nghiệp cũng có thể tham gia trong đầu tư cơ sở vật chất.

“Quan trọng hơn cả, xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Khi đó, doanh nghiệp có thể đưa ra cơ chế đặt hàng, giúp cơ sở đào tạo có chương trình, hoặc đầu ra theo đúng nhu cầu của thị trường. Đó là những điều chúng tôi nghĩ doanh nghiệp có thể đồng hành được nhiều nhất trong trụ cột phát triển ngành vi mạch bán dẫn”, TS Hoàng Hưng Hải trao đổi.

Trụ cột nào để phát triển công nghiệp bán dẫn?

Cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ có 7 trụ cột, TS. Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phân tích:

Thứ nhất là, nghiên cứu và phát triển. Đây là một trong những trụ cột quan trọng khi chúng ta bắt đầu thực hiện.

Thứ hai là, nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi con người sẽ quyết định việc có thể triển khai sớm hay muộn.

Trụ cột thứ ba là, hạ tầng công nghệ và sản xuất. Đây cũng là trụ cột quan trọng, được Chính phủ rất quan tâm. Nếu chúng ta có con người nhưng không có hạ tầng thì không thể thực hiện, mà vấn đề hạ tầng đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn.

Trụ cột thứ tư là, chính sách và khung pháp lý. Hiện nay, khung pháp lý về ngành công nghiệp chip bán dẫn được thể hiện rải rác ở một số Luật như Luật Công nghệ thông tin, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao. Riêng Luật Công nghệ cao hiện chưa có các Nghị định hướng dẫn. Do đó, việc chúng ta đầu tư vào vi mạch bán dẫn là cực khó nếu không sửa trụ cột liên quan đến chính sách và khung pháp lý.

Nhân lực chất lượng cao sẽ quyết định sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn
Doanh thu và tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của lĩnh vực vi mạch bán dẫn toàn cầu từ 1996-2023. (Nguồn: WSTS)

Trụ cột thứ năm là, thị trường và ứng dụng. Đây là một trong những trụ cột mà Việt Nam đang rất yếu. Việc chúng ta nghiên cứu ra nhưng chuyển giao như thế nào thì đang vướng rất nhiều. Nhiều nhà khoa học nói rằng chúng ta “bỏ công trình nghiên cứu ở gầm bàn, ngăn kéo” rất nhiều. Bây giờ chúng ta làm thế nào để có thị trường ứng dụng nghiên cứu khoa học, công nghệ mới là quan trọng. Chúng ta đào tạo ra con người nhưng lại không có thị trường, không ứng dụng được thì cũng rất khó.

Trụ cột thứ sáu là, hợp tác và liên kết. Đây là trụ cột mà chúng ta phải tiếp cận với thế giới, nhưng đồng nghĩa với việc phải hấp thụ nó và lan tỏa cái của mình với thế giới thì mới có một thị trường liên quan đến chip bán dẫn.

Trụ cột thứ bảy là, công nghiệp phụ trợ. Đây cũng là trụ cột Việt Nam đang yếu khi công nghiệp phụ trợ hiện chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Trong thảo luận về kinh tế xã hội, với vai trò là Đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ nói về câu chuyện liên quan đến công nghiệp phụ trợ này.

Cũng theo TS. Nguyễn Ngọc Sơn, nếu chúng ta thực hiện tốt được 7 trụ cột này theo từng lộ trình nhất định, chắc chắn ngành công nghiệp bán dẫn của chúng ta sẽ đạt được như kỳ vọng.

Huyền Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load