(Xây dựng) - Vậy là câu chuyện “tế nhị, khó nói” kéo dài bấy lâu nay của người đi đường ở Hà Nội sắp có hồi kết, khi mà lãnh đạo TP đầu tháng 8 này, đã có chủ trương cho phép Cty CP Thương mại và quảng cáo Vinasing đầu tư xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn, 50 cây lọc nước công cộng uống trực tiếp và 200 ghế gang đúc đặt tại một số không gian công cộng, điểm vui chơi giải trí, vườn hoa trong TP.
Chuyện cái nhà vệ sinh công cộng tưởng nhỏ mà không hề nhỏ, thậm chí nó còn thể hiện một phần trong văn hóa, văn minh đô thị của Hà Nội. Cách đây không lâu, tháng 10/2013, dư luận chẳng xôn xao về chủ trương xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép với vốn đầu tư 15 tỷ đồng từ ngân sách của TP. Tính ra hơn 1,1 tỷ đồng cho một cái nhà vệ sinh công cộng rộng chưa tới 20m2. Quá đắt! dân kêu rầm rầm. Thế là TP phải dừng lại. Nhưng nay lại khác. 1.000 cái nhà vệ sinh phục vụ người dân và du khách kia sẽ được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đổi lại, TP cho DN đầu tư kia được quyền quảng cáo trên các cầu vượt bộ hành, cầu cơ giới trên địa bàn Hà Nội trong vòng 10 năm!
Đây là một chủ trương rất đúng và kịp thời, góp phần vào xây dựng Thủ đô hiện đại, văn hóa - văn minh. Tuy nhiên, để 1.000 cái nhà vệ sinh kia xây dựng lên đáp ứng được nhu cầu của người dân (và cả khách du lịch quốc tế) thì rất cần sự tham gia của các ngành chức năng như Xây dựng, Kiến trúc-quy hoạch của TP. Từ quy hoạch chi tiết từng khu vực, đường phố sẽ đặt nhà vệ sinh công cộng, cho đến hình thức kiến trúc, trang thiết bị bên trong cho đến công tác quản lý phục vụ (thu phí hay không thu phí, và nếu thu thì bao nhiêu cho một người sử dụng?!). Nhà vệ sinh công cộng tuy nhỏ, nhưng cũng là công trình kiến trúc yêu cầu thẩm mỹ trong thiết kế đô thị. Vì vậy, dù xã hội hóa thì cũng là tiền của dân (vì DN được quảng cáo miễn phí trong 10 năm) nên thiết kế nhà vệ sinh công cộng cần có sự tham gia của KTS và cần được công khai để nhân dân được biết.
Nhà vệ sinh công cộng phải đặt ở nơi kín đáo, nhưng dễ tiếp cận. Không gian chung quanh phải sạch sẽ, có cây xanh, thảm cỏ thuận tiện cho người đi đường khi có nhu cầu. Nhà vệ sinh công cộng có thể làm bằng thép, hay bê tông nhẹ, lắp ráp và tháo dỡ di chuyển dễ dàng. Màu sơn bên ngoài bắt mắt, và có thể dùng làm quảng cáo. Bên trong lắp đặt các thiết bị vệ sinh, bồn rửa… hiện đại, ánh sáng vừa đủ và luôn có người trực, vệ sinh sạch sẽ.
Sau khi xây dựng xong 1.000 nhà vệ sinh công cộng mới hiện đại thì Hà Nội cũng nên tổng kiểm tra 340 nhà vệ sinh công cộng cũ (trong đó có 236 nhà xây cố định nằm rải rác trong các ngõ, xóm, khu tập thể cũ; 104 nhà lắp ráp bằng thép đặt tại các khu vui chơi công cộng và một số đường phố) để xem xét, nếu thấy đã xuống cấp, làm mất vệ sinh môi trường, mỹ quan (chắc là rất nhiều) thì nên đập bỏ xây dựng mới hiện đại và khang trang hơn, đáp ứng yêu cầu sử dụng của nhân dân.
Hy vọng rằng, với chủ trương xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng, Hà Nội sẽ sớm giải quyết được cái nạn gây mất vệ sinh đường phố, làm ô nhiễm môi trường, mỹ quan đô thị vốn kéo dài nhiều năm qua, góp phần cụ thể hóa chủ trương và quyết tâm của lãnh đạo TP xây dựng Thủ đô xanh, sạch đẹp, văn hóa - văn minh trong những năm tới.
KTS Phạm Thanh Tùng
Theo