(Xây dựng) – Ngày 30/11, tại Chương trình “Cafe nhà thầu xây dựng” lần thứ 4 do Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) chủ trì tổ chức, các nhà thầu Việt đã tập trung vào cơ hội khi chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam vừa được Quốc hội chính thức thông qua. Đây là dự án đầu tư công lớn nhất trong lịch sử đất nước với sơ bộ tổng mức đầu tư lên đến 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD).
Tổng mức đầu tư của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 67,34 tỷ USD. (Ảnh minh họa) |
Cơ hội nào cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam tại dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc - Nam là một trong những vấn đề được thảo luận sôi nổi. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC gợi mở mối quan tâm "Dự án ĐSTĐC dự kiến triển khai theo hình thức hợp đồng EPC, thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED). Làm thế nào để nhà thầu Việt Nam tham gia được? Quy định, tiêu chí năng lực của các nhà thầu sẽ như thế nào?".
Theo ông Đào Ngọc Vinh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tại (TEDI) cho biết, ĐSTĐC được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam, là dự án chưa từng có tiền lệ, đứng trong Top 10 thế giới về chiều dài (1.541km). Tốc độ cao nhất đối với loại hình đường sắt chạy trên ray hiện nay (tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác tối đa 320km/h).
Dự án được thiết kế gồm các hạng mục công trình: hạ tầng (nền đường, cầu, hầm, ga, depot, trạm bảo dưỡng); Kết cấu điều khiển chạy tàu (hệ thống thông tin tín hiệu, hệ thống điều khiển trung tâm điều hành chạy tàu); Hệ thống phương tiện (đầu máy, toa xe); Hệ thống cấp điện động lực cho toàn bộ hệ thống. Trong đó, kết cấu phần hạ tầng nhà thầu tư vấn và xây lắp Việt Nam hoàn toàn có thể đảm nhận".
Đề xuất cơ chế để các nhà thầu trong nước tham gia dự án, theo lãnh đạo TEDI, về năng lực thực hiện công trình tương tự, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam chưa có. Hiệp hội cần kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu cơ chế đặc thù, có thể chấp thuận theo hướng nhà thầu trong nước chỉ cần kinh nghiệm thi công công trình và cấp hạ công trình tương đương (đường cao tốc, cầu dây văng, cấp công trình đặc biệt) có thể tham gia vào dự án. Về năng lực tài chính, nếu chia các đoạn quá lớn, khả năng đáp ứng tiêu chí năng lực tài chính của nhà thầu sẽ bị hạn chế, cần nghiên cứu cơ chế cho phép các thành viên trong liên danh được cộng điểm tài chính.
Riêng với nhà thầu tư vấn, theo quy định, tư vấn tham gia thiết kế FEED sẽ không được tham gia trong tổ hợp tổng thầu EPC buộc tư vấn phải chọn nên làm bước nào. Cơ hội tiếp cận dự án bị thu hẹp. Quan tâm đến khả năng tham gia của nhà thầu Việt Nam khi đấu thầu quốc tế, lãnh đạo TEDI cho biết, trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội đã yêu cầu các tổng thầu, nhà thầu khi tham gia dự án phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong nước sản xuất được, cung cấp được.
Trên tinh thần đó, VACC cần đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, đưa ra cơ chế cộng điểm đối với các liên danh có tỷ lệ nhà thầu Việt Nam tham gia lớn nhằm nâng tính hấp dẫn của nhà thầu trong nước với nhà thầu nước ngoài.
Kinh nghiệm triển khai ĐSTĐC ở Trung Quốc, giai đoạn đầu, hầu hết các doanh nghiệp nội địa đều được chỉ định tham gia nếu đảm bảo các yếu tố như: thời gian bảo hành, tiềm lực tài chính, năng lực quản lý, tổ chức thực hiện, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Fecon cho rằng, cơ chế chỉ định nhà thầu xây lắp cũng cần có ở dự án ĐSTĐC Bắc - Nam.
Dẫn chứng dự án Landmark81 (Thành phố Hồ Chí Minh), khi được Vincom tin tưởng chọn làm tổng thầu, Conteccons (một doanh nghiệp trong nước) đã mạnh dạn thuê đơn vị, chuyên gia nước ngoài vào quá trình thi công, hoàn thành dự án đúng tiến độ, Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng: “Đối với dự án ĐSTĐC Bắc - Nam, việc tin tưởng giao việc cho doanh nghiệp trong nước là hoàn toàn có thể. Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đề xuất cơ chế đặc thù với Thủ tướng Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền về năng lực kinh nghiệm, năng lực tài chính, áp dụng liên kết liên danh giữa nhà thầu Việt Nam với nhà thầu nước ngoài và giữa nhà thầu Việt Nam với nhà thầu trong nước.
“VACC cũng sẽ tiếp tục đề xuất Chính phủ, cấp có thẩm quyền quy mô gói thầu các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có thể đảm nhận; xây dựng cơ chế nâng vị thế nhà thầu Việt trong hợp đồng xây dựng, tăng cơ hội tham gia dự án", ông Hiệp nhấn mạnh.
Chủ tịch Fecon Phạm Việt Khoa cho rằng, học tập kinh nghiệm ở một số quốc gia, ở Việt Nam, cơ chế ưu đãi lãi suất tín dụng với các doanh nghiệp tham gia các công trình trọng điểm quốc gia. Riêng các dự án đường sắt, Nhà nước cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp có công nghệ cấp tiến.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đặc biệt quan tâm sự đoàn kết của khối nhà thầu nội. Theo ông Ngọc, thời gian qua, doanh nghiệp xây dựng Việt Nam phát triển còn manh mún, chưa có định hướng phát triển rõ nét, khác biệt hoàn toàn với một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc có những hiệp hội nhà thầu rất lớn.
Ở Việt Nam, vì công ăn việc làm, sự cạnh tranh giữa các nhà thầu trong công tác đấu thầu đang rất khốc liệt. Khối lượng công việc trong lĩnh vực đường sắt nói chung, ĐSTĐC nói riêng tới đây là rất lớn, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc cho rằng, xây dựng giải pháp để tạo sự đoàn kết, cạnh tranh minh bạch trong khối doanh nghiệp xây dựng là vấn đề cần được chú trọng.
Lê Mỹ
Theo