(Xây dựng) - Liên quan tới việc UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cấp giấy phép xây dựng 4 tầng hầm cho nhà ở riêng lẻ tại 15 phố Sơn Tây (phường Điện Biên) gây “ồn ào” dư luận thời gian qua, đến nay vẫn chưa có hồi kết. Bàn về góc độ pháp lý, nhiều ý kiến chuyên môn chưa thống nhất. Vậy bản chất của vụ việc là thiếu các quy định của pháp luật, hay là việc “né” đối mặt của chính quyền sở tại.
Công trình nhà ở có đến 4 tầng hầm tại 15 phố Sơn Tây (quận Ba Đình, Hà Nội) |
Xung quanh việc UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cấp giấy phép xây dựng 4 tầng hầm cho công trình nhà ở riêng lẻ tại 15 phố Sơn Tây, Báo điện tử Xây dựng đã có loạt bài phản ánh. Sự việc này, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình cũng đã có văn bản yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, giải quyết báo cáo Thủ tướng.
Đến nay, công trình đang được tạm dừng thi công. Những tranh cãi về góc độ pháp lý vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phân định. Tuy nhiên theo cách nhìn nhận của một người đọc luật có thể thấy:
Về cấp công trình: Với quy mô công trình 5 tầng (theo nội dung giấy phép xây dựng số 447/GPXD-UBND ngày 24/9/2019 và giấy phép xây dựng số 617/GPXD-UBND ngày 18/12/2019 của UBND quận Ba Đình cấp điều chỉnh giấy phép xây dựng số 447/GPXD-UBND mà UBND quận Ba Đình mà cho ông Lê Công và bà Vương Thị Lan Anh) được xác định là công trình cấp III.
Cụ thể: Giấy phép xây dựng số 447/GPXD-UBND ngày 24/9/2019 và giấy phép xây dựng số 617/GPXD-UBND ngày 18/12/2019 của UBND quận Ba Đình cấp điều chỉnh giấy phép xây dựng số 447/GPXD-UBND cho thấy: Giấy phép xây dựng điều chỉnh số tầng hầm và chiều cao tầng hầm; giữ nguyên diện tích, chiều cao các tầng 1, 2, 3, 4, 5. Phương án thiết kế được điều chỉnh giấy phép xây dựng được thiết kế 04 tầng hầm với công năng sử dụng của các tầng hầm: Tầng hầm 4 để xe ô tô (áp dụng công nghệ đỗ xe thông minh); Tầng hầm 3, 2 là diện tích kho chứa, kỹ thuật; Tầng hầm 1 để xe máy.
Như vậy theo Phụ lục II Danh mục công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng (Ban hành kèm theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ) theo đó: Nhà chung cư, nhà ở tập thể, ký túc xá, nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên: Cấp công trình cấp III trở lên. Như vậy công trình xây dựng này được cấp phép 5 tầng thuộc cấp công trình cấp III.
Phụ lục II Danh mục công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng (Ban hành kèm theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ). |
Về tầng hầm: Căn cứ các quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng “Quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng” tại Phụ lục 2 “Phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu” có hướng dẫn tại 2.1.1 “Nhà, kết cấu dạng nhà” đối với cấp công trình cấp III quy định độ sâu ngầm (m) nhỏ hơn 6m và số tầng hầm 1 tầng. Đối với công trình cấp II có quy định từ 2 đến 4 tầng hầm, độ sâu ngầm từ 6 đến 18m. Công trình cấp I quy định ≥ 5 tầng, độ sâu ngầm lớn hơn 18m.
Phụ lục 2 Phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu (Ban hành kèm theo Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng). |
Về thẩm quyền cấp phép: Quyết định số 20/2016/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về việc Ban hành quy định chi tiết một số nội dung về cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội và Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chi tiết một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành theo Quyết định số 20/2016/QĐ-UBND quy định rõ về thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, tại Điều 3 về thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của các cơ quan thuộc Thành phố:
Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng các công trình sau (không bao gồm công trình nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất): a) Công trình cấp I, cấp II; b) Công trình tôn giáo thuộc dự án do các tổ chức tôn giáo làm chủ đầu tư; c) Công trình đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa; công trình tượng đài, tranh hoành tráng…
Và cũng tại khoản 2 Điều 3 quyết định này quy định: UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong đô thị (bao gồm cả nhà ở riêng lẻ kết hợp chức năng khác không phân biệt quy mô và nhà biệt thự), trung tâm cụm xã, khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng thuộc địa bàn mình quản lý, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Được biết, ngày 22/11/2019 Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã có Văn bản số 6761/QHKT-KHTH gửi ông Lê Công về thông tin quy hoạch thửa đất số B3 (phía Nam số 13 Sơn Tây), phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Nội dung văn bản nêu: Việc nghiên cứu xây dựng 4 tầng hầm (tương đương công trình cấp II) cần đảm bảo các yêu cầu về: Phòng cháy chữa cháy, thoát người khi có sự cố, tuân thủ quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2010/BXD tương ứng với chức năng sử dụng: An toàn kết cấu cho bản thân công trình và công trình liền kề; Không ảnh hưởng tới hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật khu vực. Trường hợp có điều chỉnh nội dung giấy phép xây dựng đã cấp, đề nghị ông Lê Công và bà Vương Thị Lan Anh liên hệ các cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, hướng dẫn giải quyết điều chỉnh giấy phép xây dựng (hoặc cấp mới) theo quy định hiện hành.
Như vậy theo Phụ lục II Danh mục công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng (Ban hành kèm theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ) theo đó: Nhà chung cư, nhà ở tập thể, ký túc xá, nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên: Cấp công trình cấp III trở lên. Như vậy công trình xây dựng này được cấp phép 5 tầng thuộc cấp công trình cấp III.
Theo Thông tư số 03/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng “Quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng” tại Phụ lục 2 “Phân cấp công trình xây dựng theo quy mô kết cấu” có hướng dẫn tại 2.1.1 “Nhà, kết cấu dạng nhà” đối với cấp công trình cấp III quy định độ sâu ngầm (m) nhỏ hơn 6m và số tầng hầm 1 tầng. Đối với công trình cấp II có quy định từ 2 đến 4 tầng hầm, độ sâu ngầm từ 6 đến 18m. Công trình cấp I quy định ≥ 5 tầng, độ sâu ngầm lớn hơn 18m.
Như vậy, với nhà ở riêng lẻ thấp dưới 7 tầng có thể thuộc dạng cấp công trình cấp III hoặc cấp IV nếu công trình cấp 4 thì không quy định có tầng hầm. Nếu được phép xây dựng tầng hầm theo dạng công trình nhà ở riêng lẻ cấp III thì công trình chỉ được xây dựng 1 tầng hầm và chiều sâu nhỏ hơn 6m. Trong trường hợp này, thẩm quyền cấp phép thuộc UBND quận (huyện). Hiện nay pháp luật không quy định nhà ở riêng lẻ có tới 4 tầng hầm như trường hợp đã nêu ở trên.
Để rộng đường dư luận, Báo điện tử Xây dựng làm rõ các căn cứ pháp luật liên quan đến thẩm quyền cấp phép xây dựng và các quy định xây dựng tầng hầm. Hiện vụ việc đang được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ.
Ngọc Hân – Khánh An – Thành Luân
Theo