Thứ năm 26/12/2024 21:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Nhà máy xử lý rác thải Côn Đảo: Lời giải cho bài toán phát triển bền vững

14:46 | 01/10/2024

(Xây dựng) – Hiện nay, lượng rác tồn đọng tại Côn đảo đã vượt con số 100 nghìn tấn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Việc xử lý hiệu quả rác thải sinh hoạt trên địa địa bàn huyện Côn Đảo giúp tận thu, tái chế một số sản phẩm có ích nhằm mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường sống cho người dân…

Nhà máy xử lý rác thải Côn Đảo: Lời giải cho bài toán phát triển bền vững
Nhà máy xử lý rác thải Côn Đảo sẽ là lời giải cho bài toán phát triển bền vững. (Ảnh minh họa)

Nhà máy rác – bước đi lâu dài để phát triển bền vững

UBND huyện Côn Đảo đã có văn bản gửi Sở, ngành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc làm rõ các nội dung về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng dự án Nhà máy xử lý rác huyện Côn Đảo trong đó nêu rõ sự cấp thiết của dự án.

Cụ thể, theo UBND huyện Côn Đảo, trung bình mỗi ngày, tại bãi Nhát, nơi tập trung rác sinh hoạt của cả huyện Côn Đảo phải tiếp nhận khoảng 20 đến 25 tấn rác. Lượng rác tồn đọng trên đảo theo tính toán đã vượt con số 100 nghìn tấn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Không chỉ vậy, hằng năm, Côn Đảo còn phải tiếp nhận hàng trăm tấn rác thải từ ngoài biển đổ vào, trung bình khối lượng khoảng 900m3/năm. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng rác tồn đọng ngày càng tăng cao trên địa bàn. Theo dự báo, hằng năm, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Côn Đảo tăng từ 5 đến 10%.

Bên cạnh đó, cũng theo chính quyền huyện Côn Đảo, khi đi vào hoạt động, Nhà máy xử lý rác sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng của huyện, tạo động lực để phát triển các ngành kinh tế khác, thu hút đầu tư phát triển du lịch trong thời gian tới, nâng cao thu nhập cho người dân huyện Côn Đảo. Xử lý chất thải rắn sẽ góp phần bảo vệ môi trường đô thị, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm tại địa phương.

Không chỉ thế, sự thành công của dự án sẽ là mô hình để triển khai rộng cho các huyện và vùng lân cận. Sau khi hoàn vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế của dự án là một nguồn đóng góp thuế cho ngân sách của tỉnh.

Vì vậy, việc bố trí và đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác Côn Đảo sẽ giải quyết hiệu quả vấn đề rác thải sinh hoạt, tái chế sản phẩm có ích và cải thiện chất lượng môi trường sống. Hiệu quả không chỉ tạo ra một môi trường xanh, sạch, đẹp mà còn thu hút các nhà đầu tư khác. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý rác thải và bảo vệ môi trường, tạo điều kiện cho huyện Côn Đảo phát triển bền vững.

Chuyển đổi mục đích sử dụng 1,92ha rừng

Nhà máy xử lý rác thải Côn Đảo: Lời giải cho bài toán phát triển bền vững
Khu đất rừng có diện tích 1,92ha quy hoạch xây dựng Nhà máy xử lý rác thuộc đất DRA nên việc chuyển đổi mục đích là phù hợp. (Ảnh minh họa)

Với những tác dụng tích cực cả về môi trường và kinh tế như trên, ngày 20/9/2024, Kỳ họp thứ 23 HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để đầu tư xây dựng dự án nhà máy xử lý rác Côn Đảo, huyện Côn Đảo.

Theo quyết nghị, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với diện tích 1,92ha rừng đặc dụng có nguồn gốc hình thành từ rừng tự nhiên, gồm các lô 380a79, 402ca, 403a, khoảnh 1, tiểu khu 58, phân khu phục hồi sinh thái, Vườn quốc gia Côn Đảo.

Tại kỳ họp, các đại biểu đã đồng thuận, thống nhất cao với nghị quyết này do dự án nhà máy xử lý rác đã được rà soát, kiểm tra, đánh giá, tính toán một cách kỹ lưỡng, khoa học, hướng tới mục đích lâu dài và bền vững.

Theo bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án Nhà máy xử lý rác Côn Đảo thuộc dự án cấp thiết về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phạm vi thực hiện dự án thuộc phân khu phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Côn Đảo. Do đó, dự án phù hợp với tiêu chí chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác theo khoản 22, điều 1, Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ.

“Về vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác Côn Đảo, cơ quan chức năng và đơn vị tư vấn đã rà soát tại 4 vị trí gồm khu vực Bến Đầm, khu vực Bãi Nhát, khu vực Cỏ Ống và toàn bộ khu vực trung tâm huyện Côn Đảo. Qua so sánh, xem xét các điều kiện thuận lợi, khó khăn, cơ quan chức năng đã chọn vị trí khu đất 1,92ha nói trên vì vị trí khu này đã được đưa ra ngoài quy hoạch đất rừng đặc dụng Vườn quốc gia Côn Đảo trong phân vùng đất lâm nghiệp để tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, vị trí này phù hợp với Quy hoạch chung của tỉnh và cũng phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2045 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt”, bà Phạm Thị Na cho biết thêm.

Còn theo ông Lê Anh Tú, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phân tích, theo bản đồ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của huyện Côn Đảo thì vị trí khu đất được quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác là đất DRA (đất bãi thải, xử lý chất thải). Như vậy, vị trí thực hiện dự án phù hợp với mục đích sử dụng đất của huyện Côn Đảo.

Trên cơ sở đề xuất, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy xử lý rác Côn Đảo tại khu đất có diện tích 1,92ha tại Quyết định số 3319/QĐ-UBND ngày 26/10/2022. UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến điều chỉnh đưa ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng đối với diện tích rừng đặc dụng tại khu đất này. Ngoài ra, ngày 10/11/2022, UBND tỉnh đã có Văn bản số 14238/UBND-VP xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Diện tích tự nhiên trên địa bàn huyện Côn Đảo hơn 7.537ha, trong đó đất có rừng gần 5.973 ha (chiếm đến 79% tổng diện tích). Việc xây dựng bãi rác phải xa các khu dân cư, nguồn nước để tránh làm ô nhiễm nên việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác để thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý rác là rất cần thiết.

Dự án Nhà máy xử lý rác thải Côn Đảo, được quy hoạch có công suất hoạt động giai đoạn đến năm 2030 là 36 tấn/ngày, đến năm 2040 là 50 tấn/ngày và dự kiến đến năm 2045 là 66,23 tấn/ngày. Tổng vốn đầu tư dự án tối thiểu 78,257 tỷ đồng.

Công Danh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load