(Xây dựng) - Từ lâu, tôi đã nung nấu ý tưởng viết một chuyên đề sâu về Huyền thoại Vinaconex, một điển hình của tự thân vận động, tự thân sáng tạo trong thời kỳ đất nước cực kỳ khó khăn nhưng họ đã vươn lên, tự khẳng định để tạo đỉnh cao của một thương hiệu nổi tiếng Vinaconex. Là nhà văn, viết một cuốn sách về doanh nghiệp sáng tạo là tôi không cần phải xin ý kiến ai cả và không cần doanh nghiệp có đồng ý hay không, chỉ cần tôi viết đúng, Nhà xuất bản đồng ý và xã hội thừa nhận. Trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều cuốn sách hay về doanh nghiệp và doanh nhân. Đó là sách lịch sử doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Tuân - nguyên Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2006 - 2011 bàn giao công việc của Chủ tịch HĐQT cho Ông Nguyễn Thành Phương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty. |
Những con người và tập thể như thế, cần được tôn vinh. Những tên tuổi thời đó, 20 năm, 30 năm trước, người ta đã cúi đầu kính phục: Vũ Khoa, Phí Thái Bình, Nguyễn Văn Tuân và... một tập thể Tổng Công ty hùng hậu có thương hiệu thế giới Vinaconex. Nhưng đội quân ấy lúc đầu chỉ có 7 người sáng lập thôi ạ. Công ty làm Dịch vụ và Xuất khẩu... ý tưởng lớn như phiêu lưu mà bây giờ ngẫm lại như Nhà văn Đức Becton Brech: “Cuộc đời ta giống như trái núi... khi nhìn lại tưởng không thể nào qua nổi”. Làm nên trái núi Vinaconex ngửa mặt mới thấy đỉnh ấy, có Nguyễn Văn Tuân - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vinaconex. Khi anh bị trọng bệnh, tôi thấy càng thôi thúc hơn việc viết về anh. Tôi hỏi Nguyễn Đức Lưu - nguyên Giám đốc Ban đầu tư Vinaconex về Nguyễn Văn Tuân, anh nói: “Đó là một con người có tâm và có tầm mà tôi đáng học tập. Nhưng tôi chưa kịp thực hiện ý tưởng viết đó thì anh Tuân đã mất hôm nay, 8/11/2021. Bác Tống Văn Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng điện cho tôi: Hãy viết ngay một bài về Nguyễn Văn Tuân như một nén hương viếng anh. Và tôi cầm bút...
Nhưng viết cái gì về anh khi cấp bách này, thật khó!
Năm 2008, Tổng Công ty Vinaconex được phong anh hùng thời kỳ đổi mới… Đấy là một dấu mốc đánh giá thương hiệu. Năm ấy, Nguyễn Văn Tuân là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Vinaconex.
Ông Nguyễn Văn Tuân, người thứ 4 từ phải sang trái nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2020. |
Năm 2010, một tờ báo viết: “Thành lập năm 1988, Vinaconex là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thi công xây dựng và đầu tư phát triển bất động sản tại Việt Nam... Vinaconex là Thương hiệu quốc gia, ngày càng khẳng định được uy tín và chất lượng sản phẩm với mục tiêu tôn chỉ – Xây những giá trị, dựng những ước mơ... đang phấn đấu để thành một tập đoàn kinh tế về xây dựng...”. Chưa đủ, Vinaconex đã là thương hiệu Quốc tế nhiều nước biết đến. Và giá trị thương hiệu khi cổ phần hóa được đánh giá bằng rất nhiều tỷ đồng.
Cho dù bây giờ năm 2021, Tổng Công ty Vinaconex đã khác rồi, trở thành một Tổng Công ty không còn vốn Nhà nước nhưng vẫn là Top 10 Thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam. Bắt đầu từ 7 người của một Công ty dịch vụ nhỏ bé của Bộ Xây dựng, năm 1988, sau đó nhiều năm, Thương hiệu Vinaconex đã được khẳng định. Nhưng bây giờ thương hiệu đã được bán. Tôi nghĩ, mua thương hiệu có uy tín đã là khó vì cần rất nhiều tiền và cần rất nhiều điều kiện, nhưng giữ được thương hiệu lâu dài mới là khó hơn nhiều vì theo thời gian, mọi thứ đều thay đổi và sẽ không có đỉnh cao vĩnh viễn. Nhưng thời gian qua, với Vinaconex thương hiệu ấy đã là xứng đáng.
Ông Nguyễn Văn Tuân, người thứ 4 từ phải sang trái trong Lễ kỷ niệm 21 năm thành lập Tổng Công ty Vinaconex (1988-2009). |
Làm nên một sự nghiệp lớn, phải có những người đứng đầu có tư tưởng lớn, có tâm và có tầm như Nguyễn Đức Lưu - nguyên Giám đốc ban Đầu tư Vinaconex, đã từng nói với tôi về Nguyễn Văn Tuân.
Gặp anh lần đầu, thật là khó gần. Lạnh lùng, ít nói. Vợ anh Tuân, chị Giang nói: “Tính anh ấy giống hệt bố đẻ anh, ông Nguyễn Văn Dụ - nguyên Giám đốc Mỏ Chromite Cổ Định Thanh Hóa cũng lạnh lùng, ít nói”.
Một lần, một sự kiện về một dự án khoáng sản ở Vinaconex, tôi nhớ, đang bàn để quyết định. Mọi người chờ ý kiến anh Nguyễn Văn Tuân, chủ trì. Anh ngồi im lặng một lúc làm cả căn phòng im lặng theo. Nhưng rồi bỗng anh nắm bàn tay phải lại, dập mạnh xuống mặt bàn, nói rắn rỏi: Quyết định, làm! Lúc ấy, tôi có cảm giác công việc chiến lược kinh doanh mà cứ như một trận đánh không bằng. Nhưng khi cần một quyết định của lãnh đạo thì sự quyết liệt và linh hoạt quan trọng đến thế nào. Nhanh nhưng quyết sai là hỏng toẹt.
Nói về Nguyễn Văn Tuân, thật khó cho đủ. Nhưng cái tâm, cái tầm của anh thật đáng nể trọng và thán phục. Các hoạt động xã hội từ thiện với quê hương Thanh Hóa, Thành phố Hà Nội, của xã quê nhà Trường Sơn , của huyện Nông Cống, của đồng hương tỉnh Thanh Hóa tại Hà Nội, của hội lớp 10 từ ngày xưa xưa… tôi đều thấy có mặt anh và nói lời đầu tiên, ủng hộ bao nhiêu. Bây giờ nhiều người có thể nhớ bằng con số cụ thể. Có lần tôi kể những chuyện thiện nguyện, anh nói: Thôi! quên những chuyện ấy đi. Trong lòng mình thấy vui là được rồi. Trời cho sống được đến bây giờ mình thấy là có lãi. Mọi thứ rồi không phải của mình nữa.
Văn hóa Vinaconex, danh từ ấy, nhiều người tạo nên nhưng Nguyễn Văn Tuân là vai trò quan trọng nhất khi anh là Chủ tịch HĐQT. Sau này văn hóa ấy còn không lại là vấn đề khác. Nhưng rõ ràng Văn hóa Vinaconex đã một thời tạo dấu ấn trong Bộ Xây dựng, ở thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Năm 2010, khi biết Nhà nước phong anh hùng lao động cho Tổng Công ty Vinaconex, tôi tự hỏi: Có tập thể anh hùng thì phải có cá nhân anh hùng chứ. Tôi nghĩ đến Nguyễn Văn Tuân, lúc đó là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty. Nhưng không, Vinaconex không có ai là anh hùng. Tôi hỏi tại sao không, anh Tuân nói ngắn gọn: Không nên. Mãi sau này, theo thời gian và sự kiện tôi mới thấy rằng lời Nguyễn Văn Tuân nói là sâu sắc. Từ chối một cái gì đấy quan trọng nhưng sâu sắc thì cũng đã là một tư duy anh hùng rồi. Và bây giờ, mọi phán xét để mặc người đời ở hạ giới, Nguyễn Văn Tuân đã lên trời. Trời ở đâu thì tôi không biết nhưng ấn tượng về anh: Cứ lững thững đi... trầm lặng, ít nói, nhưng đã nói là quyết... thì mãi mãi còn trong tâm trí tôi.
Cách đây mấy ngày, tôi đến thăm anh ốm. Anh đau, nằm mệt mỏi trên giường. Tôi bóp đầu cho anh, hỏi anh có dễ chịu không, anh quay mặt vào tường không trả lời. Nhưng khi tôi nói lời chia tay và giơ tay chào tạm biệt, anh nghiêng người nhìn tôi, mỉm cười khó nhọc, giơ bàn tay vẫy vẫy, ý là cảm ơn. Không ngờ đó là động tác tình cảm anh chào vĩnh biệt.
Để đánh giá về nhân cách một con người, nhiều khi cũng cần một độ lùi về thời gian và không gian, nhưng với Nguyễn Văn Tuân, tôi nghĩ đã đủ để nhìn nhận về anh khi cái mốc dương gian đã chạm ngày 8/11/2021, để nói rằng anh là một người tốt. Một người tốt khó lắm. Nói thế là ngắn gọn và đơn giản như Bác Hồ nói về làm trong sáng tiếng Việt. Nhưng rõ ràng anh là một nhân cách đáng kính trọng.
Nhà thơ Lê Tuấn Lộc
(Hội Nhà văn Việt Nam)
Theo