Thứ năm 25/04/2024 23:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nguyên nhân ngập lụt đô thị: Nhìn từ Đà Lạt

09:56 | 06/09/2022

Nhìn từ Đà Lạt chúng ta dễ thấy một điều là mật độ xây dựng quá dày đặc, khiến nước không thể thấm vào đất nên đã tràn ra đường phố.

Danh sách các đô thị bị ngập lụt ở Việt Nam sau mỗi trận mưa lớn ngày càng dài, từ thành phố lớn đến thành phố nhỏ, từ thành phố miền biển đến thành phố cao nguyên, từ Thủ đô ra đến huyện đảo. Có những nơi 20 năm trước chưa biết ngập lụt là gì. Tất cả đều là nạn nhân của quy hoạch đô thị.

Ngày 1/9/2022, Đà Lạt đón nhận một cơn mưa lớn cuối chiều. Cơn mưa chỉ kéo dài 2 tiếng nhưng các con phố chính biến thành những dòng suối nước chảy cuồn cuộn, người dân bất ngờ, bì bõm chống chịu với dòng nước chảy xiết mà ngơ ngác không hiểu tại sao. Người dân Đà Lạt chắc chắn sẽ nơm nớp lo âu với những cơn mưa sắp tới. Người dân ở các đô thị khác quan ngại cho Đà Lạt nhưng không để ý rằng chính nơi họ đang sống cũng tiềm tàng các nguy cơ ngập lụt, khi thành phố đã bị be bờ.

Năm 2020, tôi thường xuyên theo dõi, đưa tin và phân tích tình hình lũ lụt ở Trung Quốc. Những phân tích của tôi chẳng khi nào đến được với người Trung Quốc, chắc chắn thế. Nhưng tôi vẫn làm, vẫn không ngừng đưa tin trên trang facebook cá nhân là vì hy vọng những phân tích đó sẽ cảnh tỉnh cho người Việt Nam rằng thời tiết ngày càng cực đoan hơn do biến đổi khí hậu gây nên.

Trong các phân tích, tôi nhận định rằng Trung Quốc cầm cự được đợt mưa lớn và kéo dài 48 ngày trên diện rộng chứ Việt Nam mình không chịu nổi hình thái mưa cực đoan đó tới 5 ngày. Năm đó, chỉ một cơn mưa lớn đã khiến Hà Giang thất thủ, 5 người thiệt mạng, hàng trăm ô tô và hàng ngàn ngôi nhà bị ngập, thiệt hại kinh tế vô cùng lớn.

Tại sao vậy?

Hầu hết các thành phố của Việt Nam đang trong giai đoạn mở rộng cơ sở hạ tầng và nhà ở chóng mặt. Trong quá trình đó, tư duy quy hoạch lấp đầy chỗ trống đang lấy đi những không gian chứa nước tự nhiên như hồ chứa, công viên, đất trồng cây và cả các triền sông vốn là vùng chậm lũ.

Quá trình quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng tiếp cận gần sông, gần biển, bạt núi, lấp hồ đều tác động thô bạo đến các dòng chảy tự nhiên và không gian dành cho nước vốn dĩ được thiên nhiên tạo hình hàng ngàn năm và được ông cha ta giữ gìn hàng trăm năm nay.

Giờ thì mạnh ai nấy quy hoạch, mạnh ai nấy lấn hồ, mạnh ai nấy bịt dòng chảy và cướp đi không gian của nước. Việc này khiến các đô thị của Việt Nam càng ngày càng dễ tổn thương hơn với các hình thái thời tiết cực đoan.

nguyen nhan ngap lut do thi nhin tu da lat
Nhiều phương tiện bị ngập sâu trong nước sau trận mưa chiều 1/9 ở Đà Lạt (Ảnh: CTV).

Hãy cứ nhìn lại những đô thị bị "đánh úp" gần đây bởi những trận mưa lớn như Quảng Ninh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Vinh, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, và gần đây nhất là Đà Lạt. Những thành phố trên cao cũng ngập. Những thành phố ven sông, ven biển cũng ngập. Vì sao vậy?

Mật độ xây dựng

Nếu lấy Đà Lạt làm ví dụ chúng ta dễ thấy một điều là mật độ xây dựng quá dày đặc, khắp nơi bị bê tông hóa, nhà kính làm nông nghiệp khiến nước không thể thấm tự nhiên vào đất và tràn ra đường tạo thành các con suối giữa phố.

Quyết định số 33/2003/QĐ-UB của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Ban hành Quy định các chỉ tiêu chủ yếu về quản lý quy hoạch và xây dựng đối với nhà ở tư nhân trên địa bàn thành phố Đà Lạt, có hiệu lực từ năm 2003 đến nay vẫn còn hiệu lực.

Quyết định nêu rõ: Cho phép xây dựng tối đa 100% diện tích lô đất xây dựng đối với nhà liền kề, nhà phố; cho phép xây dựng tối đa 90% diện tích lô đất xây dựng đối với nhà liền kề có sân vườn.

Như vậy, bất cứ nơi nào được quy hoạch đất ở thì người dân được quyền xây nhà kín đất. Đối với đất biệt thự chủ sở hữu đất được quyền xây dựng 50% diện tích xây dựng. Tuy nhiên đó chỉ mới là phần nhà ở. Chủ nhà hoàn toàn có thể làm các mái tạm, đổ bê tông kín khu nhà ở và vì thế khả năng thấm nước bằng không. Với tốc độ phát triển nhà ống dọc các con phố hiện nay thì gần như 100% diện tích đất ở đã xây kín bằng bê tông.

Phát triển nhà kính, nhà lưới thiếu kiểm soát

Đà Lạt là một thành phố đặc thù về khí hậu thuận lợi cho phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp sinh thái. Chính vì vậy mà số lượng nhà kính nông nghiệp phát triển bùng phát trong những năm qua.

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hiện có trên 215,99 ha nhà kính, nhà lưới trên đất lâm nghiệp, trong đó nhiều nhất là Đà Lạt, với hơn 170,84 ha (chiếm hơn 79%). Luật quy định không cho phép xây dựng bất kỳ công trình nào trên đất lâm nghiệp, trừ các công trình phục vụ quốc phòng và kinh tế trọng điểm của quốc gia. Việc phát triển nhà lưới, nhà kính thiếu kiểm soát khiến không gian dành cho nước và đất không còn.

Điều chỉnh quy hoạch, tăng quy mô dân số

Luật quy hoạch đô thị quy định rõ: Thời hạn quy hoạch đối với quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã từ 20 đến 25 năm. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, đa số các thành phố đã điều chỉnh quy hoạch ngay sau khi quy hoạch chung được phê duyệt để phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương.

Một đánh giá từ Đoàn giám sát của Quốc hội đã báo cáo trước Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2019, nêu: kết quả đánh giá từ 12 tỉnh thành cho thấy có đến 1.390 quy hoạch bị điều chỉnh. Các điều chỉnh chủ yếu là quy hoạch điều chỉnh tăng tầng cao, giảm diện tích, đất công trình, hạ tầng kỹ thuật. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều chỉnh quy hoạch song hệ lụy của việc này thường tiêu cực, bao gồm: Gia tăng dân số, gia tăng áp lực đối với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông… Đặc biệt là tình trạng tắc đường, úng ngập, ô nhiễm không khí, mất an toàn cháy nổ, không gian sống ngột ngạt

Khi lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, các nhà quy hoạch đã có tính toán kỹ về: Giao thông đô thị; cao độ nền và thoát nước mặt đô thị; cấp nước đô thị; thoát nước thải đô thị; cấp năng lượng và chiếu sáng đô thị; thông tin liên lạc; nghĩa trang và xử lý chất thải rắn.

Tuy nhiên, khi điều chỉnh quy hoạch, các yếu tố trên không được xem xét đầy đủ, hoặc chỉ xem xét tính toán ở một phạm vi nhỏ, nơi quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu được điều chỉnh. Điều này dẫn đến hệ lụy là những khu vực được điều chỉnh xây dựng mới sẽ tạo ra những rủi ro về ngập lụt cho những khu vực tồn tại trước kia.

Một khi đã đổ bê tông để làm một công trình lớn, chúng ta không còn nhiều cơ hội để sửa chữa sai lầm. Vậy nên, hãy cẩn trọng với những quy hoạch mới, đặc biệt là những quy hoạch xâm phạm không gian chậm lũ ở các triền sông, quy hoạch lấn biển và lấp hồ. Hậu quả sẽ khôn lường bởi thời tiết cực đoan không dừng lại.

Theo Nguyễn Huy/Dantri.com.vn

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load