(Xây dựng) – Nguồn vốn nào dùng cho hạng mục sửa chữa thường xuyên là câu hỏi của ông Lê Văn Tiến (Thừa Thiên – Huế) gửi tới Bộ Xây dựng nhờ hướng dẫn giải đáp.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Nội dung câu hỏi như sau:
Công ty của ông Lê Văn Tiến (Thừa Thiên Huế) là công ty cổ phần đại chúng quy mô lớn, tỷ lệ vốn Nhà nước chiếm 98,89% (do Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy nắm giữ).
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ- CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng:
“Đối với trường hợp sửa chữa công trình, thiết bị công trình có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên sử dụng nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn ngân sách nhà nước chi thường xuyên thì chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình tổ chức lập, trình thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình”.
Nếu căn cứ theo quy định nêu trên, ông Tiến hỏi, nguồn vốn dùng để thực hiện các hạng mục sửa chữa thường xuyên, mang tính định kỳ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty ông có giá trị lớn hơn 500 triệu đồng có phải là “nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công và vốn ngân sách Nhà nước chi thường xuyên” hay không?
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Khoản 9, Điều 3 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng:
“Dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công là dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước theo quy định của pháp luật về đấu thầu nhưng không bao gồm vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công”.
Theo quy định tại Khoản 44, Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013: “Vốn Nhà nước bao gồm vốn ngân sách Nhà nước; công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước; vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất".
Căn cứ nội dung hỏi của ông Lê Văn Tiến, trường hợp công ty ông có tỷ lệ vốn nhà nước chiếm 98,89% thì công ty là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Khoản 11, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, việc quản lý, thực hiện các công việc sửa chữa thường xuyên, định kỳ theo các quy định pháp luật về xây dựng đối với trường hợp sử dụng vốn Nhà nước ngoài đầu tư công.
Đỗ Quang
Theo