(Xây dựng) - Chỉ một vụ Trịnh Xuân Thanh mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố phải xử lý kỷ luật cả một loạt cán bộ cấp cao!
Người dân đang nhìn vào hành động của các “công bộc”.
Không né tránh, không nể nang, không có “vùng trời riêng” cho bất cứ ai, sai phạm mức nào xử mức ấy, rõ ràng rất quyết liệt. Đến nguyên Phó ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Hậu Giang, nguyên Bộ trưởng Công Thương cũng nhận mức kỷ luật cảnh cáo, đủ thấy Đảng ta rất nghiêm minh.
Rõ ràng không còn chuyện “tắm mà không gội đầu”. Rõ ràng những cán bộ cấp cao, cho dù ngồi ghế nào, nắm quyền gì, mà sai phạm vẫn xử lý đến nơi đến chốn! Dư luận người dân càng nhân thêm niềm tin với cuộc chiến chống tiêu cực tham nhũng, chống “lợi ích nhóm”, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, “o bế” vụ lợi mà Đảng ta quyết tuyên chiến đến cùng!
Nhìn vào danh sách những cán bộ cấp cao nhận án kỷ luật, Đảng xót xa, nhân dân xót xa, nhưng không thể làm khác. Đất nước bao dung đầy truyền thống vị tha, nhưng không thể tha nổi những cán bộ cậy uy quyền, lợi dụng trọng trách được trao để bóp méo quy trình quy chế. Tiếp xúc cử tri nơi nào cũng nóng bỏng vụ việc này. Đã nghe ai đó kêu oan, nhưng dư luận vẫn cho rằng chỉ xử lý cấp phó, khác gì như “cơn gió thoảng qua”! Vậy trách nhiệm người đứng đầu thế nào, có biết những “ký tá” của cấp phó dưới quyền mình không? Dư luận đòi hỏi phải làm rõ hơn có ủy quyền, giờ thoát tội, để cho cấp phó “gánh” không? Nếu thế thì sao gọi là trách nhiệm người đứng đầu?
Nhìn thẳng: Con đường đưa Trịnh Xuân Thanh từ ghế nọ nhảy sang ghế kia, nếu không có bàn tay của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, sao y làm được. DN thua lỗ nặng nề nghìn tỷ nọ nghìn tỷ kia, vẫn cứ như “trải thảm” cho Trịnh Xuân Thanh chễm chệ cái ghế Phó chủ tịch Hậu Giang, nếu không có “ký tá” từ Ban Tổ chức Trung ương, sao có được? Cả chuyện danh hiệu Anh hùng cho PVC, bằng khen huân chương “trao nhầm” cho Trịnh Xuân Thanh, không có chuyện vẩy bút “ký tá” kiểu quan liêu của Ban Thi đua khen thưởng Trung ương, sao có được? Phải mổ xẻ điều tra đến cùng quanh những ký tá ấy có “lợi ích nhóm”, có vụ lợi chen vào không? Phong tặng danh hiệu, thưởng huân huy chương dư luận đã râm ran cứ chạy tiền, cứ đếm tiền là có, thì Ban Tổ chức Trung ương, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương nói gì? Sao có thể trao tặng “nhầm” cả những danh hiệu, huân chương ngỡ tưởng phải công khai, minh bạch không thể chen vào chuyện bạc tiền được?
Đúng là toàn chuyện “cười ra nước mắt” khi mọi việc vỡ lở ra, mới thấy cái gì cũng nói “đúng quy trình”, nhưng là quy trình bị làm méo mó, quy trình bị chính những cán bộ có quyền uy thao túng!
Càng thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rất trúng về tình trạng nhưng “ông vua con” đang ngự trị trên cái ghế quyền uy trong trọng trách được trao chưa được giám sát!
Đất nước phải đổi mới, phải phá tung những “bức tường thành”, những “rào cản” từ lợi ích nhóm, từ những “o bế” của những chiêu trò tự diễn biến, tự chuyển hóa mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII Đảng ta đã chỉ ra!
Vấn đề Nghị quyết Trung ương sẽ đi vào cuộc sống thế nào? Rõ ràng hơn 92 triệu dân trên mảnh đất hình chữ S vỗ tay hoan hô rầm trời, vì Đảng đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nói thẳng sự thật. Chính cái sự nói thẳng, nhìn thẳng ấy, mà lòng dân cả nước dậy sóng niềm tin. Cứ nhìn các cuộc tiếp xúc của cử tri với các đoàn đại biểu Quốc hội, đủ thấy người dân rất quyết liệt bất bình trước một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có quyền, được trao quyền hành động chưa đúng, đi ngược lại ý Đảng, lòng dân.
Rõ ràng những cán bộ thoái hóa này phải kiên quyết loại ra. Rõ ràng các cơ quan công quyền của đất nước không thể có chỗ cho những con người này ngồi vào đó để thao túng hành dân, nhũng nhiễu DN để vụ lợi.
Quốc hội giám sát, người dân giám sát, các tổ chức đoàn thể sẽ giám sát những “công bộc” xem có xứng không? Nói hay quá nhiều, nói giỏi cũng chả thiếu. Nhưng cái cần là hành động có quyết liệt không. Dân mừng là Chính phủ đang nêu cao sự liêm chính từ người đứng đầu đến các thành viên. Thông điệp: Lãnh đạo không nhận chúc Tết, không “chìa tay” nhận quà Tết, nhận “phong bì phong bao” bắt rất đúng thực tế. Người dân đã nghe Thủ tướng nói như cởi lòng với các “tư lệnh” các bộ ngành: “Thôi giàu cũng giàu rồi, nghèo cũng nghèo rồi, giờ phải giữ lấy cái liêm, cái tiếng thơm cho Chính phủ mới!”. Hỏi còn có gì quý hơn những lời từ gan ruột ấy? Nhưng chỉ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ nêu gương, mà bên dưới các cục vụ, viện, chính quyền cơ sở cứ vẫn quen lệ, ngăn chặn cách gì? Rõ ràng không chỉ nói, phải có cả chế tài để giám sát. Tai mắt dân nhìn vào việc làm, nhìn vào hành động chứ không chỉ nghe nói đâu? Rất nhiều việc làm Chính phủ ra tay rất quyết liệt, nhưng cần hỏi thẳng: Sự chung tay phối hợp của các bộ, các ngành đã thật sự quyết liệt chưa? Những chuyện trên bảo dưới không nghe, hoặc nghe mà lờ đi không làm có không? Vì sao vẫn có những chuyện không vui về lãnh đạo nơi này nơi kia hành xử với DN với người dân chưa chuẩn, chưa đúng, đạo đức một bộ phận công chức đã xuống cấp chăng? Vì sao Chính phủ quyết liệt giũ bỏ các thủ tục hành chính, có bộ vẫn cứ vẽ ra những quy định để cố tình ôm mãi cái sự “xin - cho”?
Những phát ngôn phỉ báng báo chí, “vẽ đường cho hươu chạy” để ém nhẹm thông tin của quyền Vụ trưởng Vụ 3 Thanh tra Chính phủ, dư luận phản đối rầm trời kia, thì tư chất lãnh đạo, sự công minh người làm thanh tra ở đâu? Có thể gọi đó là “ông vua con” thanh tra tự coi mình to quá, uy quyền quá chăng?
Chỉ một chuyện bắt dân đổi giấy phép lái xe sang thẻ, nếu Bộ Tư pháp không “tuýt còi”, thì cái sự “hành dân” từ những quy định trên giời của Bộ GTVT áp xuống ai tỏ, ai hay?
Không thể các bộ ngành cứ hứa, cứ cam kết rồi tất cả cũng chỉ như “gió cuốn mây bay”? Một nhiệm kỳ 5 năm, có hay thời gian 365 ngày 1 năm cũng sắp trôi qua. “Tư lệnh” các bộ ngành cần nhìn lại xem bộ ngành hứa gì, cam kết gì, giờ đã thực hiện đến đâu? Còn nhớ: Bộ NN&PTNT “hô” rất to về chặn thực phẩm bẩn, giờ nhìn lại xem đã ngăn, đã chặn đến đâu? Chưa quên: Bộ GD&ĐT nói rất mạnh về đổi mới giáo dục, hãy nhìn lại đã bắt trúng “gan ruột” của đổi mới giáo dục chưa, mà sao dân chưa tin, dân “ta thán” còn nhiều thế? Bộ Công Thương “đột phá” vào bộ máy bước đầu dân khen, nhưng cần quyết liệt chớ có làm kiểu nửa vời, ngại động chạm vào “con ông cháu cha” mà buông tay không làm cho rốt ráo. Bộ KH&ĐT phải nhạy bén nhìn dài xa để không đón đầu tư vội vã, không “đẻ ra” những dự án ném bạc tiền quá lớn không hiệu quả. Bộ TN&MT gánh nặng trên vai về quản lý giám sát ô nhiễm môi trường cũng phải hành động quyết liệt hơn để không “rước” về “cái họa” như Formosa? Ngành Ngân hàng cần tỉnh táo trong điều hành tỷ giá và xử lý cả “núi nợ xấu” quyết liệt hơn để kinh tế đất nước không thêm gánh nặng? Bộ Tài chính cần nhìn lại việc quản lý thu chi ngân sách thế nào để không trong cảnh lúc nào cũng ngồi trên “ghế nóng”? Lo quản lý sử dụng xe con không lãng phí, nhưng cái lo hơn là chống thất thu thuế, chống những hớ hênh, những lỗ hổng các nguồn thu thuế từ hải quan, của các DN FDI mới là cái cần lo thất thoát còn lớn hơn nhiều.
Người đứng đầu Chính phủ trong hội nghị DN thường niên đã nói đến sự bất bình đẳng trong kinh doanh của các DN tư nhân với các DNNN, các DN FDI đang làm méo mó chính sách, làm hỏng môi trường cạnh tranh của cộng đồng các DN. Vậy có không những kiểu DN kinh doanh bằng “quan hệ’” với lãnh đạo bộ nọ, tỉnh thành kia để hưởng ưu ái, ưu đãi như “lộc giời” cho? Có hay không chuyện chủ DN ngày lo sản xuất kinh doanh tối mò mẫm đi “quan hệ”? Có hay không những “DN ruột”, DN thân hữu “ra vào” nhà lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh thành như đi vào nhà riêng của mình bất cứ lúc nào? Đó là gốc rễ căn nguyên của chuyện đấu thầu, chỉ thầu nhốn nháo của những “quân xanh quân đỏ” đủ chiêu trò như “ma trận”, các DN tử tế không bao giờ có thể chen chân được? Cần siết chặt đón rước đầu tư không đón về những DN FDI gây ô nhiễm, những DN “khoác áo ngoại” quen chơi “nước cờ, chơi bài” chuyển giá trốn thuế!
Chính phủ đối thoại với các DN nghe đủ hết những tiếng nói trái chiều hay dở. Đã đến lúc không chỉ nghe rồi để đó, mà nghe để mạnh tay tháo gỡ xử lý ngay! Xử nghiêm những kiểu quan hệ “ngầm”, những “sân trước sân sau”, chính là bứt bỏ đi những “xin cho” tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.
Quyết liệt! Chỉ có thực sự quyết liệt đất nước mới có kỷ cương. Người dân đang nhìn vào hành động của các “công bộc”!
Đỗ Quang Đán
Theo