Thứ ba 03/12/2024 06:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Nghề thiết kế đồ họa - “chặng đường nào trải bước trên hoa hồng”

08:00 | 22/10/2022

(Xây dựng) - “Nghề của bạn vừa sang vừa lắm tiền” là lời nhận xét tôi thường được nghe từ bạn bè, người quen về công việc mình đang làm: Nghề thiết kế đồ họa. Không sai, nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Họ đâu biết rằng, con đường tôi đi có những bước thật thẳng và dễ đi nhưng cũng có những chỗ gập ghềnh, quanh co, khúc khuỷu. Trong quãng thời gian đó, không ít lần, tôi phải tự động viên mình không được bỏ cuộc.

nghe thie t ke do ho a cha ng duo ng na o tra i buo c tren hoa ho ng
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Ngành nghề chưa bao giờ ngừng “hot”

Với sự phát triển chóng mặt của quảng cáo và truyền thông, nhu cầu thiết kế đồ họa cũng tăng cao và các graphic designer giỏi trở thành những mục tiêu được “săn đuổi” nhất. Thử lướt qua các tin tuyển dụng ở Tiền Giang, Long An, TP.HCM hay nhiều nơi khác, có thể thấy rất nhiều các vị trí thiết kế đồ họa đang cần nhân sự. Ngoài ra, nghề này được ưa thích vì môi trường làm việc thoải mái, không gò bó, khuyến khích tính sáng tạo, luôn luôn mới mẻ và không sợ nhàm chán.

Đặc biệt có khá nhiều kiểu thiết kế đồ họa phổ biến hiện nay để đa dạng sự lựa chọn như thiết kế sản phẩm, thiết kế thương hiệu, in ấn, thiết kế web, thiết kế đa phương tiện và kể cả thiết kế hoạt hình. Đã vậy, thu nhập của các designer thuộc loại cao. Đó là những lý do nghề này luôn nằm trong top những ngành nghề hot nhất không chỉ trong hiện tại mà còn cả trong thập kỷ tới.

Nhưng, “chặng đường nào trải bước trên hoa hồng” mà chẳng đính kèm những mũi gai

Năm năm miệt mài ở trường đại học chỉ là bước khởi đầu đối với tôi. Vì thiết kế đồ họa là ngành luôn luôn đòi hỏi bạn phải cập nhật những kiến thức mới mẻ, không chỉ mới mà còn phải hợp xu hướng, hợp thời. Và bạn phải học, không ngừng học.

Còn nhớ năm mới ra trường, tôi đã hăm hở xin vào làm thiết kế tại một công ty truyền thông và vì có chút may mắn nên được nhận. Lúc đó, xung quanh tôi toàn những anh chị làm đồ họa “cứng cựa”, nhiều năm lăn lộn với nghề. Họ khiến tôi cảm thấy mình thật kém cỏi. Tôi mất hết tự tin, thấy mình như người thừa trong nhóm. Bạn có thể tưởng tượng một bản thiết kế mình dành cả ngày cả đêm để thực hiện nhưng lại nhận về những lời chê bai không thương tiếc khiến tôi chỉ muốn “bỏ hết, nghỉ khỏe”!

Những designer trẻ với tâm hồn nghệ sỹ mong manh, thường dễ suy sụp bởi sự chỉ trích/phê bình. Nhưng bạn hãy nhớ rằng, đây là công việc, và một phần của công việc là bạn phải đối mặt với những lời chỉ trích. Hãy sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến đánh giá một cách chuyên nghiệp và học hỏi từ đó.

Không ngừng học hỏi và đón nhận thách thức mới

Lúc đó, tôi quyết định phải bổ sung kiến thức! Tôi học thêm về marketing, quảng cáo... những đêm thức đến 2-3 giờ sáng để học, đọc, xem video là chuyện thường. Đôi lúc cũng mệt mỏi, muốn bỏ ngang, nhưng lại động viên mình đi tiếp vì “lời hứa ghi trong tim mình”, vì đam mê đối với nghề và vì bao thời gian công sức đã bỏ ra, giờ chẳng lẽ đổ sông đổ biển.

Làm nghề thiết kế đồ họa – đặc biệt nếu là freelancer - bạn sẽ có lúc gặp phải những khách hàng “khó chịu”, họ đưa ra những yêu cầu vô lý; những khách hàng tỏ ra nghi ngờ, không đặt niềm tin vào chuyên môn của bạn; khi đó áp lực, stress là điều khó tránh khỏi.

Dù trong hoàn cảnh nào, bạn đừng quên câu” khách hàng luôn đúng”. Nếu thấy yêu cầu của họ đi ngược lại các nguyên tắc thiết kế, bạn hãy đưa cho họ cả hai bản - một làm theo ý họ và một bản của bạn, để họ có thể cân nhắc, đánh giá lại và lựa chọn phương án tốt nhất.

Hãy nhớ rằng, mục tiêu cuối cùng của chúng ta không phải là tạo ra thiết kế tốt nhất mà là thiết kế phù hợp với nhu cầu khách hàng. Trong nhiều trường hợp, quan điểm của ta và họ không giống nhau. Cho nên hãy dành thời gian để đặt câu hỏi, nắm rõ điều họ muốn, lý do họ muốn nó, để tạo ra một sản phẩm đúng như mong đợi của họ.

Một vấn đề nữa cũng là thách thức đáng sợ trong ngành này. Đó là, đôi khi bạn sẽ cảm thấy dường như mình bị cạn kiệt ý tưởng, mất hết hứng thú và sức sáng tạo. Vì khi bạn đã thiết kế đến 100 phiên bản của cùng một thứ, việc duy trì cảm hứng trở nên khó khăn.

Lời khuyên của tôi, để tránh rơi vào “ngõ cụt” đó, bạn hãy thường xuyên nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe tinh thần và truyền cảm hứng cho bản thân bằng việc nghiên cứu, tìm tòi trước khi bắt tay vào một dự án. Đừng chỉ ngồi bên máy tính hoặc bản vẽ. Hãy ra ngoài, tiếp xúc với mọi người, đọc sách, nghe nhạc…Có thể bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành một dự án, nhưng bù lại, bạn sẽ có nhiều ý tưởng và dồi dào tính sáng tạo hơn. Nếu bạn là designer thì đừng vội lao vào kiếm tiền quá sớm kẻo nhanh chóng khô cằn cảm xúc.

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, dù “bàn chân đã thấm đau vì những mũi gai”, thì nghề thiết kế đồ họa, với tôi, vẫn là một nghề thực sự thú vị và bạn sẽ chạm đến thành công nếu có đủ đam mê và không ngừng nỗ lực.

Kiều Giang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load