Thứ sáu 29/03/2024 21:59 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nghệ An: Gỡ khó cho doanh nghiệp đối với vấn đề thu tiền phạt bổ sung trong thời gian gia hạn dự án như thế nào?

22:32 | 28/05/2023

(Xây dựng) - Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn đã có đơn kiến nghị gửi đến UBND tỉnh Nghệ An, đề nghị tháo gỡ vướng mắc đối với việc nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian dự án được gia hạn tiến độ.

Nghệ An: Gỡ khó cho doanh nghiệp đối với vấn đề thu tiền phạt bổ sung trong thời gian gia hạn dự án như thế nào?
Khu đô thị mới Cửa Tiền – Vinh Tân do Công ty CP Danatol làm chủ đầu tư, một trong những dự án bị yêu cầu nộp bổ sung khoản tiền trong thời gian dự án được gia hạn tiến độ.

Theo phản ánh, từ đầu năm 2021, 8 doanh nghiệp có dự án nhà ở tại tỉnh Nghệ An đã nhận được thông báo của Cục Thuế tỉnh này yêu cầu chủ đầu tư nộp phạt khoản tiền nộp bổ sung trong thời gian được gia hạn tiến độ (theo quy định tại Khoản 1 Điều 1, Thông tư số 332/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ Tài chính) đối với toàn bộ diện tích đất của dự án nhà ở, trong đó bao gồm cả diện tích đất của các hộ gia đình cá nhân thuộc dự án đã nhận chuyển quyền sử dụng đất và được UBND tỉnh Nghệ An ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục, cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật và phần diện tích đất đã hoàn thành đầu tư xây dựng công trình theo bản vẽ quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trong đó có một số dự án đã đưa các hạng mục công trình đã xây dựng này vào sản xuất - kinh doanh).

Các doanh nghiệp cho rằng việc xử phạt và thông báo nộp khoản tiền nêu trên đối với doanh nghiệp là chưa hợp tình, hợp lý, bởi đối với các lô đất đã được cấp có thẩm quyền cho phép phân lô, bán nền chuyển quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho người dân. Vì vậy, người sử dụng đất trong trường hợp này là các hộ gia đình, cá nhân chứ không phải chủ đầu tư, nên theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 và Điều 170, Luật Đất đai 2013 thì người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất là chủ hộ gia đình được công nhận quyền sử dụng đất.

Trước tình hình đó, từ 8/2021 đến nay, đại diện các doanh nghiệp đã nhiều lần có đơn gửi UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị nội dung liên quan đến việc xác định diện tích đất thu tiền chậm tiến độ khi gia hạn tiến độ tại các dự án khu đô thị mới và đầu tư xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên, từ tháng 8/2021 đến nay, các doanh nghiệp này vẫn chưa nhận được văn bản trả lời để giải quyết dứt điểm các vướng mắc nêu trên. Trong khi đó, Chi cục Thuế thành phố Vinh liên tục gửi công văn đến các ngân hàng cưỡng chế tài khoản làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh cũng như uy tín của doanh nghiệp.

Ông Hồ Văn Bài – Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Danatol tại Nghệ An một trong những doanh nghiệp bị yêu cầu nộp tiền chậm nộp do gia hạn tiến độ dự án cho biết: “Việc yêu cầu chủ đầu tư nộp khoản tiền chậm tiến độ xây dựng toàn bộ dự án, trong đó bao gồm cả diện tích đất đã cấp cho hộ gia đình cá nhân do các hộ này không xây dựng là hoàn toàn không đúng quy định của pháp luật đất đai. Hơn nữa, khi các hộ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tự xây dựng nhà ở đã được UBND tỉnh chấp thuận bằng văn bản và các hộ dân này cũng được quyền thực hiện quyền tải sản khác như: Cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng cho người khác và quy trình này chủ đầu tư không được tham gia nên phía doanh nghiệp không biết chủ sử dụng đất là ai để yêu cầu xây dựng đúng tiến độ.

Thực tế cho thấy, không chỉ riêng gì dự án của công ty chúng tôi mà nhiều dự án chỉ còn một vài hạng mục công trình chưa hoàn thành. Còn lại đa phần diện tích đất đã hoàn thành xây dựng công trình đã được đưa vào sử dụng. Nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An vận dụng theo Công văn trả lời số 1000/TCQLĐĐ-CKSQLSDĐ của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và xem toàn bộ diện tích đất của dự án chậm tiến độ là “không đưa đất vào sử dụng” để áp dụng xử lý theo điểm i Khoản I Điều 64, Luật Đất đai, trong đó có việc thu tiền chậm tiến độ trên toàn bộ diện tích của dự án khi được gia hạn là bất cập và thiệt thòi cho doanh nghiệp, không đảm bảo công bằng giữa các dự án vi phạm có tỷ lệ diện tích hoàn thành khác nhau. Dự án của công ty chúng tôi dù có chậm tiến độ nhưng chỉ là phần diện tích nhỏ so với toàn bộ dự án và đã được UBND tỉnh đồng ý cho gia hạn tiến độ, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại dự án vẫn chưa được bàn giao mặt bằng”.

Trước những kiến nghị của các doanh nghiệp, ngày 9/3/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Thông báo số 144/TB-UBND, thông báo kết luận của ông Bùi Thanh An – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tại Thông báo này UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị Cục Thuế chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức làm việc với doanh nghiệp xem xét giải quyết các kiến nghị theo thẩm quyền, hoàn thành trước ngày 20/3/2023.

Trường hợp có bất cập ngoài phạm vi giải quyết của tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp kiến nghị của các doanh nghiệp gửi Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan; Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các kiến nghị, có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An. Các Sở, ngành thực hiện theo đúng quy định của pháp luật trong quá trình xử lý công việc.

Trong khi đó, ngày 25/5/2023, trao đổi với phóng viên, ông Trần Anh Tuấn – Trưởng phòng Quản lý hộ kinh doanh cá nhân và thu khác thuộc Cục Thuế Nghệ An cho biết: “Cục Thuế Nghệ An được UBND tỉnh giao chủ trì phối hợp cùng các Sở, ngành làm việc với các doanh nghiệp có kiến nghị về thu tiền gia hạn dự án. Hiện, Cục Thuế đã xin ý kiến các Sở, ngành về vấn đề này và tổng hợp các ý kiến chờ trình xin ý kiến của UBND tỉnh hướng xử lý tiếp theo. Việc cưỡng chế tài khoản của các doanh nghiệp Cục Thuế Nghệ An cũng chỉ làm theo quy định của pháp luật hiện hành”.

Đã đến lúc, chính quyền tỉnh Nghệ An cần sớm vào cuộc nhằm tìm ra giải pháp tối ưu, từ đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đối với vấn đề kiến nghị của các doanh nghiệp thời gian qua.

Quang Hợp

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load