Chủ nhật 08/12/2024 04:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển hạ tầng để thu hút ngành công nghiệp bán dẫn

10:53 | 22/11/2024

(Xây dựng) - Địa phương đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, như Electronic Tripod và BOE; với các dự án lớn hứa hẹn tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động và triển khai chính sách ưu đãi để hỗ trợ.

Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển hạ tầng để thu hút ngành công nghiệp bán dẫn
Tỉnh hiện có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch 8.429ha; có 13 khu công nghiệp đi vào hoạt động.

Ông Lê Xá, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho biết, giai đoạn 2020-2025, tỉnh xác định phát triển kinh tế bền vững dựa vào công nghiệp, kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động, bảo vệ môi trường, sử dụng ít năng lượng; kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy mục tiêu tăng trưởng theo hướng một nền công nghiệp “xanh”.

Theo đó, các khu công nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ ưu tiên thu hút các dự án lớn, các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tập trung thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ; hình thành các trung tâm logistics.

Ngoài việc đầu tư hạ tầng “xanh” cho các khu công nghiệp, tỉnh còn chủ động đầu tư nâng cấp và xây mới hạ tầng giao thông kết nối khu công nghiệp với cảng biển, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh.

“Tỉnh đang thực hiện dự án ‘Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng khu công nghiệp kiểu mẫu, khu công nghiệp thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành khu công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu’ với viện trợ từ Chính phủ Nhật Bản”, ông Lê Xá nhấn mạnh.

Hồi tháng 11/2023, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông qua nghị quyết điều chỉnh quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, toàn tỉnh có 24 khu công nghiệp và khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, với tổng diện tích đất quy hoạch là 16.052,66 ha. Hình thành khu thương mại tự do (Free Trade Zone) gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, bao gồm hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ hoàn chỉnh.

Cùng với đó, tỉnh phát triển các tổ hợp đô thị, dịch vụ, trung tâm logistics, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải, kho bãi gắn với hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải và kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành…

Với những thuận lợi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các ngành công nghiệp hiện đại, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn. Ngành này không chỉ phù hợp với định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc của tỉnh mà còn hứa hẹn sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực chế biến, chế tạo.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 nhà máy sản xuất vi mạch và bo mạch điện tử, chủ yếu là các nhà đầu tư nước ngoài, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự phát triển đúng hướng của ngành bán dẫn có thể mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế địa phương.

Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển hạ tầng để thu hút ngành công nghiệp bán dẫn
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển để tăng thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp xanh.

Vào tháng 5/2024, Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam, thuộc Tập đoàn Tripob từ Đài Loan (Trung Quốc), đã ký hợp đồng thuê 18ha đất tại KCN Sonadezi Châu Đức để xây dựng nhà máy sản xuất bo mạch điện tử với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Nhà máy này dự kiến sẽ sản xuất khoảng 372.000 m2 bảng mạch điện tử mỗi năm, tạo ra việc làm cho hơn 1.700 lao động tay nghề cao. Đây là dự án quy mô lớn nhất trong lĩnh vực này tại KCN Sonadezi.

Cùng lúc đó, Công ty TNHH Novas EZ Việt Nam tại KCN Mỹ Xuân B1 cũng đang hoạt động mạnh mẽ, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử với công suất 10 triệu sản phẩm mỗi năm. Sau ba năm hoạt động, Novas EZ đã hợp tác với nhiều thương hiệu toàn cầu như Samsung và Hyundai, khẳng định vị thế trong ngành bán dẫn.

Ngoài ra, vào tháng 4/2024, tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, Tập đoàn Công nghệ BOE từ Trung Quốc đã khởi công giai đoạn 2 của Nhà máy thiết bị đầu cuối thông minh BOE Việt Nam, với tổng vốn khoảng 275 triệu USD. Dự án này sẽ tạo ra giá trị sản lượng ước tính khoảng 1 tỷ USD mỗi năm và tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động.

Việc các tập đoàn lớn chuyển dịch chuỗi cung ứng về Việt Nam mang đến nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), nhưng cũng yêu cầu các doanh nghiệp trong nước cần thay đổi tư duy và đầu tư mạnh mẽ hơn để nắm bắt cơ hội này. Bà Rịa - Vũng Tàu cam kết tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút các dự án lớn từ các "đại bàng" ngành bán dẫn.

Bà Vũ Bích Hảo, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết, tỉnh đã xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết với các nhà sản xuất hạ nguồn. Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn mạnh mẽ, tỉnh cần nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển hạ tầng để thu hút ngành công nghiệp bán dẫn
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng tăng trưởng xanh thông qua phát triển công nghiệp gắn với cảng biển.

Gần đây, UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, bao gồm hoàn thiện thể chế đào tạo, đầu tư vào cơ sở vật chất cho đào tạo, và huy động nguồn lực từ nhiều nguồn khác nhau. Các đơn vị chuyên môn cũng được yêu cầu rà soát, nghiên cứu và hỗ trợ các chính sách ưu đãi cho sinh viên theo học các lĩnh vực liên quan.

Với những nỗ lực đồng bộ và chính sách ưu đãi hợp lý, Bà Rịa - Vũng Tàu đã sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư có năng lực vào ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Huyền Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load