(Xây dựng) - Khép lại năm 2021 với nhiệm vụ “kép” vừa chống đại dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Bám sát thực tiễn, cùng sự đồng lòng đoàn kết cao của cán bộ, công chức, người lao động ngành Xây dựng Quảng Bình đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao trên hầu hết các lĩnh vực.
Việc quản lý quy hoạch, cảnh quan, kiến trúc đô thị được ngành Xây dựng siết chặt hơn trước. |
Xác định năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Qua đó tạo tiền đề, nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo. Nhận thức rõ vị trí, vai trò nhiệm vụ được giao, mặc dù đứng trước khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, nhưng nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bám sát thực tiễn, ngành Xây dựng đã hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó, việc các dự án đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều đã tạo nhiều điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan, diện mạo mới cho đô thị… Qua đó, năm 2021, huy động vốn đầu tư phát triển toàn địa bàn ước đạt 23.600 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ; giá trị gia tăng ngành Xây dựng đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 6,83% năm 2020; Tỷ lệ dân số dùng nước sạch 95%; trong tốc độ tăng trưởng GRDP 4,83% của tỉnh, ngành Xây dựng có tốc độ tăng trưởng cao nhất (6,99%), đóng góp 1,79% trong tốc độ tăng trưởng 4,83% của tỉnh.
Khép lại năm 2021 với những đóng góp của ngành Xây dựng Quảng Bình khi nhiều dự án, công trình của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trên địa bàn tỉnh được thẩm định, phê duyệt đã tạo thêm điểm nhấn kiến trúc văn minh, hiện đại, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Quảng Bình.
Tuy vậy, vẫn tồn tại hạn chế như: Công tác cải cách hành chính mặc dù được quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn cần phải đẩy mạnh và quyết liệt hơn; Công tác thẩm định dự án đầu tư, thẩm định phê duyệt quy hoạch, quản lý chất lượng công trình, cấp phép xây dựng theo phân cấp tại một số đơn vị cấp huyện chất lượng chuyên môn chưa cao...
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình cho biết: Những kết quả đã đạt được trong năm 2021 là cơ sở, tiền đề để ngành Xây dựng Quảng Bình tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh các giải pháp như: Tiếp tục đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính. Cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin về hoạt động xây dựng trên cổng thông tin điện tử; tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng; Quản lý xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng của tỉnh và quy hoạch xây dựng theo hướng phát triển bền vững; Tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định dự án, thiết kế công trình; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý chất lượng một số công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, ngành Xây dựng Quảng Bình đặc biệt chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm như: Về cải cách thủ tục hành chính, niêm yết công khai các thủ tục thuộc thẩm quyền trên Website của Sở; thực hiện tốt phần mềm Office, quản lý văn bản công vụ. Tăng cường quán triệt, quản lý, giám sát quá trình làm việc, ứng xử của cán bộ, công chức trong ngành đối với công dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Về quản lý quy hoạch - kiến trúc: Tham mưu hoàn thiện khung pháp lý theo các cơ chế chính sách của Trung ương, HĐND tỉnh trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng trên địa bàn. Tham mưu, rà soát các quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị, các khu chức năng trong toàn tỉnh. Xác định các khu vực tiếp tục phát triển theo định hướng đề ra. Lập và điều chỉnh những quy hoạch chưa phù hợp với quy định hiện hành.
Công tác phát triển đô thị: Phấn đấu phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị, tỷ lệ 1/2000 và phân khu chức năng, tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn TP Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, thị trấn Hoàn Lão, Kiến Giang; Triển khai và trình UBND tỉnh phê duyệt các khu vực phát triển đô thị cho các đô thị để triển khai dự án theo Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị.
Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng: Tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị liên quan, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, từ các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng; nắm vững quản lý chất lượng công trình từng địa bàn. Phát hiện, kiến nghị, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động xây dựng.
Công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản: Hoàn thành các chương trình Chính sách hỗ trợ người nghèo, người có công với cách mạng xây dựng nhà ở của Thủ tướng Chính phủ, theo các Quyết định số 48, 22, 33. Chuẩn bị sẵn sàng phối hợp xây dựng chương trình, chính sách mới theo chủ trương của Chính phủ, của Bộ Xây dựng; Trình duyệt các chương trình phát triển nhà ở, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2025.
Nhất Linh
Theo