Chủ nhật 28/04/2024 08:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ngành Điện Việt Nam cần nhiều năng lượng tái tạo hơn để đạt các mục tiêu phi carbon hóa

19:39 | 27/10/2023

(Xây dựng) – Báo cáo mới nhất của Tổ chức nghiên cứu và tư vấn toàn cầu về lĩnh vực năng lượng sạch BloombergNEF cho biết, năng lượng tái tạo có thể đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của Việt Nam mà không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và khả năng chi trả của người dùng.

Ngành Điện Việt Nam cần nhiều năng lượng tái tạo hơn để đạt các mục tiêu phi carbon hóa
Các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời là sự lựa chọn tốt nhất cho ngành Điện lực của Việt Nam hiện nay (ảnh: Internet).

Ngành Điện lực Việt Nam đã xác định mục tiêu dài hạn là giảm dần việc sử dụng than để sản xuất điện vào những năm 2040 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Việc thực hiện mục tiêu này đang phải đối mặt với những thách thức phát sinh từ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở nước ta.

Trong hoàn cảnh nói trên, năng lượng tái tạo và đặc biệt là năng lượng mặt trời được coi là sự lựa chọn rẻ nhất để Việt Nam đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng tăng.

Trong 4 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong quá trình chuyển đổi carbon thấp và bây giờ đang ở thời điểm quan trọng. Tuy nhiên, ngành Điện nước ta vẫn phải tăng cường nỗ lực phát triển nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và khả năng chi trả của người tiêu dùng.

Theo báo cáo mới nhất của BloombergNEF, năng lượng mặt trời quy mô tiện ích đã rẻ hơn so với việc xây dựng mới các nhà máy điện than và khí đốt ở Việt Nam. Chi phí điện quy dẫn (LCOE) – thước đo tài chính được các nhà phát triển và nhà đầu tư sử dụng – cho một dự án năng lượng mặt trời quy mô tiện ích mới ở Việt Nam đang dao động từ 53 - 105 USD/MWh, so với mức 84 - 104 USD/MWh đối với tua bin khí chu trình hỗn hợp và 75 - 94 USD/MWh cho một nhà máy điện than.

Đến năm 2030, năng lượng mặt trời kết hợp với pin sẽ đạt được LCOE rẻ hơn so với các nhà máy nhiệt điện mới, trong khi điện gió trên bờ kết hợp với pin cũng sẽ trở nên rẻ hơn vào nửa đầu những năm 2030.

Các loại nguồn điện hybrid này không thể điều động được như điện than hoặc khí đốt nên không thể bật, tắt khi cần thiết, nhưng chúng mang lại khả năng điều động cao hơn so với chỉ sử dụng năng lượng tái tạo. Chính vì thế, các nguồn điện này có thể giúp Việt Nam đạt được tỷ lệ năng lượng sạch cao hơn.

Ngành Điện Việt Nam cần nhiều năng lượng tái tạo hơn để đạt các mục tiêu phi carbon hóa
Việt Nam đang nỗ lực giảm dần việc sử dụng than để sản xuất điện vào những năm 2040 nhằm đáp ứng mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (ảnh: Dịch Phong).

Bà Caroline Chua, đồng tác giả báo cáo của BloombergNEF cho biết: “Năng lượng tái tạo đang là sự lựa chọn vừa kinh tế, vừa bền vững cho Việt Nam. Năng lượng tái tạo có thể cải thiện an ninh năng lượng của đất nước bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và than, đồng thời tạo ra các cơ hội nghề nghiệp. Phân tích độ nhạy cảm, chúng tôi cho thấy ngay cả khi giá nhiên liệu hóa thạch giảm, năng lượng tái tạo vẫn sẽ tiết kiệm chi phí hơn so với các nhà máy nhiệt điện”.

Nhưng bất chấp khả năng cạnh tranh về chi phí của năng lượng tái tạo, Việt Nam đang xem xét xây dựng thêm nhiều nhà máy điện than và khí đốt trong thập kỷ này với giả định rằng các nhà máy điện có thể chạy bằng nhiên liệu sạch hơn như hydro hoặc amoniac bắt đầu từ giữa những năm 2030.

Nhưng phân tích của BloombergNEF cho thấy, việc cải tạo các nhà máy nhiệt điện để đốt trộn những nhiên liệu này sẽ không kinh tế hơn việc mở rộng quy mô năng lượng tái tạo. Một nhà máy năng lượng mặt trời quy mô tiện ích đã có chi phí rẻ hơn chi phí vận hành các nhà máy nhiệt điện hiện có. Điều tương tự sẽ xảy ra với điện gió trên bờ vào đầu những năm 2030.

Để loại bỏ hoàn toàn lượng khí thải carbon dioxide, các nhà máy nhiệt điện chỉ nên đốt hydro xanh hoặc amoniac. Tuy nhiên, phân tích của BloombergNEF đã chỉ ra rằng cách tiếp cận này cũng sẽ tốn kém hơn.

“Việc xây dựng thêm nhiều nhà máy nhiệt điện với giả định rằng chúng có thể được trang bị thêm để đốt hydro hoặc amoniac sạch sẽ khiến Việt Nam gặp rủi ro tài chính đáng kể. Cách tiếp cận như vậy có nghĩa là dựa vào những công nghệ mới phức tạp nhằm đạt được mục tiêu phát thải bằng 0 của Việt Nam. Tốt hơn hết, các bạn nên ưu tiên sử dụng hydro sạch trong nước để khử carbon cho các lĩnh vực khó giảm thiểu như sản xuất thép”, ông Isshu Kikuma, đồng tác giả báo cáo của BloombergNEF chia sẻ.

Phương Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load