Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết: Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với nhiều dự án lớn đang được đầu tư, triển khai sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm mới 2021.
Dây chuyền sản xuất thép tại Công ty CP Thép Hòa Phát. Ảnh: Danh Lam/TTXVN. |
“Trong mức tăng trưởng năm 2020 của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt tăng trưởng cao nhất 3,98%, đóng góp tới 1,62 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Trong điều kiện bình thường, mục tiêu tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 là 6% là khả thi, nhưng trong điều kiện hiện nay, đây sẽ là thách thức không nhỏ bởi 2021 là năm khởi đầu của chu kỳ 5 năm kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Năm đầu tiên thông thường là năm có tính khuyến khích, thúc đẩy, làm động lực cho các năm kế hoạch tiếp sau”, ông Dương Mạnh Hùng cho hay.
Theo Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia, khu vực công nghiệp và xây dựng đạt tăng trưởng cao nhất 3,98%, đóng góp 1,62 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung nền kinh tế năm 2020; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 0,41 điểm phần trăm tăng trưởng; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 1,02 điểm phần trăm tăng trưởng.
Đối với ngành công nghiệp và xây dựng, hoạt động sản xuất kim loại chủ yếu là sản xuất thép các loại gia tăng sản lượng mạnh với tốc độ tăng quý 4/2020 đạt 27,9% và cả năm 2020 trên 14% đã giúp hoạt động công nghiệp chế biến khả quan hơn. Tuy nhiên theo ông Dương Mạnh Hùng, nguồn cung thép khá lớn nhưng vẫn chưa thể tiêu thụ ngay (chỉ số tồn kho tại thời điểm ngày 20/12/2020 là 226%, sản lượng tồn kho cả năm chiếm hơn 60% giá trị sản xuất trong năm) do ảnh hưởng của đợt bão lụt tại miền Trung vừa qua khiến các doanh nghiệp không thể xuất hàng.
Quý 4/2020, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học đạt tăng trưởng sản lượng 18,2% và 11,3% năm 2020; hoạt động sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế là ngành có tỷ trọng lớn, tăng trưởng sản lượng đạt 36,7% trong quý 4/2020 và 11,4% cả năm 2020 cũng là nhân tố tăng trưởng quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu đạt tăng trưởng sản lượng 16,4% trong quý 4/2020 và 27,1% cả năm cũng giúp ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng khả quan; hoạt động xây dựng tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng quý 4/2020 đạt cao nhất 8,56% và cả năm đạt 6,76% trong đó, đầu tư của khu vực Nhà nước cũng đã tạo hiệu ứng tốt cho các loại hình kinh tế khác phát triển.
Nói về động lực tăng trưởng của năm 2021, ông Dương Mạnh Hùng kỳ vọng ở sự đóng góp của các ngành chế biến thực phẩm; dệt may; da giầy; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa, giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn. Ngành xây dựng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng của năm 2020 với các dự án đường cao tốc đang được triển khai và sẽ hoàn thành trong năm 2021.
Ngành sản xuất điện sẽ có đóng góp quan trọng với dự kiến tăng công suất phát điện thêm trên 6.200 MW với việc hoàn thành nhiều nhà máy điện gió và điện mặt trời tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
“Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, việc kiểm soát tốt dịch bệnh, không để lan ra cộng đồng có vai trò rất quan trọng. Dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tập trung phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra; đồng thời, cần tận dụng thời điểm hiện tại để đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, xác định các sản phẩm đặc thù, có bản sắc Việt Nam để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả. Bên cạnh đó, thặng dư thương mại vẫn sẽ là động lực giúp tăng trưởng nền kinh tế. Vì thế, Việt Nam cần tận dụng cơ hội làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam do khu vực này chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, năm 2020 ước đạt 72,3%”, đại diện Tổng cục Thống kê nêu.
Theo Minh Phương/Báo Tin tức