Thứ bảy 27/04/2024 15:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Ngân hàng Phát triển châu Á tăng tỷ trọng các khoản vay khí hậu vào cuối thập kỷ này lên 55%

09:02 | 09/03/2024

(Xây dựng) – Ngân hàng Phát triển châu Á đang có dự định tăng mức phân bổ tài chính từ dưới 40% lên mức 55% để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu vào cuối thập kỷ này.

Ngân hàng Phát triển châu Á tăng tỷ trọng các khoản vay khí hậu vào cuối thập kỷ này lên 55%
Ông Tomoyuki Kimura - Tổng Giám đốc Bộ phận chiến lược, chính sách và quan hệ đối tác của Ngân hàng Phát triển châu Á.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Nikkei Asia, ông Tomoyuki Kimura - Tổng Giám đốc Bộ phận chiến lược, chính sách và quan hệ đối tác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nhấn mạnh tình trạng thiếu kinh phí trầm trọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và các thách thức toàn cầu khác.

Năm ngoái, ADB đã nâng các cam kết về biến đổi khí hậu lên mức 9,8 tỷ USD. Trong đó, 5,5 tỷ USD được phân bổ cho nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu nhằm giảm phát thải khí nhà kính và 4,3 tỷ USD phân bổ cho nỗ lực thích ứng, tác động trực tiếp đến sinh kế của người dân.

Thông thường, ADB sẽ dành khoảng 80% nguồn lực tài chính để giảm thiểu biến đổi khí hậu, nhưng hiện nay tổ chức này đang chuyển mạnh nguồn vốn sang việc thích ứng với các hiện tượng thời tiết cực đoan ở châu Á. Đây là sự dịch chuyển hợp lý khi tình trạng nóng lên tại khu vực châu Á đang vượt xa mức trung bình trên toàn cầu.

Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới, chỉ riêng trong năm 2022, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến hơn 50 triệu người ở châu Á và gây thiệt hại kinh tế hơn 36 tỷ USD. Trong khi đó, Công ước khung Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu đã lưu ý rằng, nhu cầu tài chính cho biến đổi khí hậu sẽ ở mức 600 tỷ USD/năm cho đến năm 2030. Vì vậy, một nhóm chuyên gia độc lập thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kêu gọi ADB, Ngân hàng Thế giới (WB) và các ngân hàng phát triển đa phương khác mở rộng tài trợ để chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Ngân hàng Phát triển châu Á tăng tỷ trọng các khoản vay khí hậu vào cuối thập kỷ này lên 55%
Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ tăng mức hỗ trợ tài chính để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu vào cuối thập kỷ này.

Ông Tomoyuki Kimura cho biết, ADB có thể sẽ xem xét lại các phương thức cho vay truyền thống và dự kiến tăng mức tiền tài trợ tối đa mỗi năm từ 25 tỷ USD lên mức 35 tỷ USD. Vào tháng 9/2023, ADB đã đặt mục tiêu đảm bảo nguồn tài trợ mới trị giá 100 tỷ USD trong thập niên tới. Tổ chức này sẽ dành 3 năm để đánh giá lại các hoạt động tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả cho vay.

Ngoài ra, ADB cũng mong muốn giải phóng nguồn vốn mới cho các khoản vay bằng cách nhận bảo lãnh từ các nước đối tác. Khoản đảm bảo 3 tỷ USD từ các nước đối tác sẽ tương đương với 15 tỷ USD tài chính bổ sung. Hiện nay, ADB đang tập trung tài trợ cho các dự án biến đổi khí hậu với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế khác và cả khu vực tư nhân. Ông Tomoyuki Kimura cho biết, ADB có đầy đủ công cụ để tham gia vào “các dự án từ thượng nguồn đến hạ nguồn”.

Tuy nhiên, các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển bị thiếu năng lượng lại có xu hướng dựa vào nguồn cung giá rẻ và sẵn có của nhiên liệu hóa thạch. Do đó, việc loại bỏ các nhà máy nhiệt điện than phát thải một lượng lớn khí nhà kính sẽ là một thách thức lớn đối với khu vực châu Á. Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc về châu Á và Thái Bình Dương, các nhà máy đốt than đang chiếm 45% sản lượng điện ở Đông Nam Á và 60% ở Nam Á, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu là 36%. Vì vậy, các quốc gia như Việt Nam, Indonesia hay Ấn Độ rất cần có khuôn khổ hỗ trợ tài chính để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Phương Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load