TS.Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, xây dựng một thương hiệu Việt đạt đẳng cấp thế giới không phải nhiệm vụ của riêng DN nào, mà cần sự chung tay của cả quốc gia và sự ủng hộ của người dùng trong nước.
Cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp chế tạo
- Mới đây, VinFast đã bàn giao những chiếc xe điện đầu tiên cho khách hàng Mỹ, ông đánh giá thế nào về sự kiện này?
Thành công của VinFast tại Mỹ, dù mới chỉ là bước đầu, đã mang lại cho người Việt một niềm tự hào to lớn. Tôi chắc chắn là một trong những người mừng nhất và tự hào nhất! Đấy là điều mà vài chục năm trước thực sự không ai dám nghĩ tới. Không những thế, VinFast còn là hình mẫu để các doanh nghiệp Việt khác mạnh mẽ vươn lên và tự tin bước ra thế giới, làm chủ chuỗi giá trị toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế - TS.Lê Xuân Nghĩa |
- Ông thấy gì từ sự đón nhận mà người Mỹ dành cho sản phẩm ô tô thương hiệu Việt?
Vào được Mỹ là điều chưa bao giờ đơn giản, nhất là với thị trường ô tô đầy khắc nghiệt, đòi hỏi tiêu chuẩn rất khắt khe về chất lượng sản phẩm và công nghệ. Vì thế, những gì chúng ta thấy đã thắp lên hy vọng rằng VinFast sẽ trụ vững và phát triển mạnh mẽ tại thị trường tiềm năng này. Đồng thời, nó còn tạo niềm tin cho chúng ta không chỉ vào VinFast mà còn vào triển vọng Việt Nam sớm có được một nền công nghiệp chế tạo độc lập, ngang tầm thế giới.
- Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế, thành công của VinFast có ý nghĩa ra sao, thưa ông?
Tại Việt Nam hiện nay, những doanh nghiệp như VinFast không nhiều. Trước VinFast, một số doanh nghiệp đã tham gia vào ngành công nghiệp ô tô, nhưng mới chỉ dừng lại ở việc lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài. Riêng VinFast chọn lối đi riêng và táo bạo hơn, đó là tạo dựng một thương hiệu ô tô của Việt Nam, một thương hiệu đẳng cấp quốc tế.
VinFast đang là cánh chim đầu đàn của ngành công nghiệp chế tạo Việt. Câu chuyện của VinFast là tiếng chuông thức tỉnh cả nhà hoạch định chính sách và người dân, rằng chúng ta không thể bỏ qua cơ hội vàng để phát triển thành công một ngành cơ khí chế tạo hùng mạnh, làm bệ đỡ cho các ngành kinh tế khác và làm trụ cột cho toàn bộ tiến trình công nghiệp hóa.
Chúng ta không thể đi vào vết xe đổ của những “con hổ” Đông Nam Á một thời như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... Vì không có ngành công nghiệp cơ khí chế tạo làm đầu kéo cho các ngành kinh tế khác mà các nước này đều rơi vào bẫy thu nhập trung bình, phát triển ì ạch.
Tài sản và niềm tự hào quốc gia cần phải được bảo vệ
- Quay trở lại với bước tiến mới của VinFast tại Mỹ. Được biết, nước này vừa xác nhận VinFast đủ điều kiện tham gia chương trình hỗ trợ cho xe điện, cho phép khách hàng thuê xe VinFast có thể tiếp cận ưu đãi lên đến 7.500 USD. Điều này gợi cho ông suy nghĩ gì?
Trước tiên, điều đó cho thấy VinFast đang đi đúng hướng khi đầu tư sản xuất xe năng lượng sạch - loại phương tiện sẽ trở thành xu thế của tương lai khi giảm phát thải đang là một ưu tiên hàng đầu của Chính phủ các nước. Nhìn rộng ra, ưu đãi của Mỹ khiến chúng ta phải xem xét lại các chính sách cho phát triển bền vững.
- Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Tại Việt Nam, Chính phủ đã có những động thái hỗ trợ như miễn lệ phí trước bạ lần đầu cho xe điện trong 3 năm, từ tháng 3/2022. Nhưng thực tế, chúng ta có thể làm nhiều hơn thế và tốt hơn thế. Đặc biệt, làm thế nào để VinFast có được nguồn vốn giá rẻ là đòi hỏi cấp thiết vì sản xuất xe điện là lĩnh vực đòi hỏi nguồn lực đầu tư khổng lồ. Chi phí tài chính đắt đỏ đang là một hòn đá tảng đè nặng lên vai doanh nghiệp trong quá trình hiện thực hóa khát vọng ghi tên Việt Nam trên bản đồ công nghiệp ô tô toàn cầu.
Không quốc gia nào có thể làm công nghiệp hóa với chi phí tài chính cao như thế. Hàn Quốc phải mất 20 năm mới có được thương hiệu ô tô nội địa với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ. Hyundai hay KIA có được ngày hôm nay là nhờ Chính phủ Hàn Quốc luôn đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp ô tô được vay vốn nước ngoài giá rẻ. Ngược lại, Proton, niềm tự hào một thời của Malaysia, đã phải “bán mình” cho nước ngoài cũng chỉ vì những khó khăn tài chính.
Cửa hàng VinFast tại Mỹ |
- Kinh nghiệm thành công của Hàn Quốc còn gợi mở cho chúng ta điều gì về cách người tiêu dùng đồng hành cùng doanh nghiệp nội địa, thưa ông?
Xây dựng một thương hiệu Việt đạt đẳng cấp thế giới, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế tạo, không phải nhiệm vụ của riêng doanh nghiệp nào mà là của cả quốc gia. Cũng không doanh nghiệp riêng lẻ nào, dù tiềm lực tài chính mạnh đến đâu, có thể tự mình làm được nếu thiếu đi sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước.
Thương hiệu VinFast giờ đây đã trở thành một tài sản quốc gia mà cả Chính phủ và người dân Việt Nam cần phải tìm mọi cách để gìn giữ. Thương hiệu đó còn vô cùng non trẻ, cũng giống như ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới chập chững những bước đầu tiên, cần phải được bảo vệ cẩn trọng trong cuộc “so găng” với những “tay chơi” toàn cầu mới có thể tồn tại và phát triển được.
Người Hàn Quốc đủ khôn ngoan để biết rằng điện thoại Samsung kém iPhone, xe Hyundai, KIA thua BMW, Mercedes. Nhưng tại sao họ vẫn dùng? Bởi đó là cách thiết thực họ chung tay bảo vệ tài sản quốc gia và xây đắp niềm tự hào dân tộc.
Việt Nam có dân số gần 100 triệu người, gấp đôi Hàn Quốc. Nếu người Việt Nam đều có chung một niềm tin và sự ủng hộ như thế thì chắc chắn VinFast sẽ thành công, bởi so với các đối thủ, xe VinFast vượt trội hơn rất nhiều.
Ngược lại, trong cuộc cạnh tranh một mất một còn với các “ngoại binh” vừa hùng mạnh về tài chính, vừa dày dặn về kinh nghiệm, nếu chính người Việt còn quay lưng, thậm chí là chà đạp thì chúng ta sẽ tự tay hủy hoại toàn bộ tiềm năng và đánh mất cơ hội phát triển của mình. Mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại vào năm 2045 khi đó chỉ còn là ảo vọng.
Theo Thế Định/Vietnamnet.vn