(Xây dựng) - Dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại khiến cho kế hoạch vận hành thương mại vào ngày 31/10/2021 của hàng loạt nhà máy điện gió “sụp đổ” bởi thời hạn để được hưởng cơ chế giá ưu đãi cho các dự án điện gió theo Quyết định 39/2018/TTg đã chính thức hết hạn.
Dịch bệnh Covid-19 khiến việc vận chuyển, lắp đặt thiết bị phong điện gặp nhiều khó khăn. |
Ngày 9/11, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội, nghị trường ghi nhận nhiều ý kiến của các đại biểu về đề nghị Bộ Công Thương gia hạn thời gian áp dụng chính sách giá điện nối lưới (FIT) cho các dự án điện gió sau thời hạn 31/10. Lập luận của các đại biểu đưa ra là để đảm bảo khả năng tài chính, khuyến khích đầu tư. Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, chia sẻ với những khó khăn của các chủ đầu tư và các địa phương, tuy nhiên việc kéo dài thời gian hưởng chính sách giá FIT là “không hợp lý”.
Theo người đứng đầu ngành Công Thương, việc kéo dài sẽ khiến chính sách hỗ trợ không đúng với bản chất có thời hạn, gây bất bình đẳng với các dự án khác cùng cơ chế, nhưng đã thực hiện đúng tiến độ. Ngoài ra, hiện nay giá đầu vào của các vật tư, nguyên liệu, thiết bị trong lĩnh vực điện gió giảm hơn so với thời điểm ban hành chính sách hỗ trợ và tiếp tục xu hướng giảm mạnh.
Điện gió “kêu cứu” vì khó khăn chồng chất khó khăn
Số liệu cập nhật mới nhất của Tập đoàn điện lực quốc gia Việt Nam (EVN) cho thấy, đến hết ngày 3/8/2021 đã có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận ngày vận hành thương mại. Tuy vậy, mới có 21 nhà máy điện gió đã vào vận hành thương mại.
Bởi lẽ, để có thể đáp ứng điều kiện hạn nộp hồ sơ chạy thử nghiệm thu chuẩn bị đề nghị công nhận ngày vận hành thương mại trước thời điểm 31/10/2021 thì chủ đầu tư các nhà máy điện gió phải gửi văn bản và hồ sơ theo quy định cho bên mua điện (EVN) muộn nhất là ngày 3/8/2021.
Tuy nhiên, trên thực tế đối với việc đầu tư các dự án điện gió nói chung cũng có những yếu tố, điều kiện cụ thể rất khác nhau, về địa hình khó khăn, về đường dây đấu nối truyền tải điện dài hay ngắn, độ phức tạp về giải phóng mặt bằng tại các địa phương cũng khác nhau (do người dân không đồng thuận…). Như vậy có thể hiểu việc triển khai thi công xây dựng một dự án điện gió mà vị trí đặt trụ tuabin gió nằm ở trên đỉnh đồi núi có độ cao từ 800m đến dưới 2.000m so với mực nước biển thì sẽ khó khăn, phức tạp gấp bội phần so với một dự án có vị trí đặt tuabin gió ở vùng có địa hình thấp đơn giản, với khe đón gió thuận lợi.
Mặt khác ở những dự án có vị trí đặt tuabin gió trên đồi núi cao, đường dây truyền tải điện thường sẽ rất dài (từ 30 đến 50km), việc thi công sẽ khó khăn do địa hình, đồng nghĩa việc phải mất nhiều thời gian hơn so với dự án có đường dây truyền tải ngắn hơn. Vì những nguyên nhân thực tế nêu trên, các dự án điện gió có thể sẽ có thời gian thi công, hoàn thành với thời gian cũng rất khác nhau, đây là 1 thực tế khách quan.
Chậm tiến độ hàng loạt vì... Covid-19
Mặt khác, do ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo dài từ đầu năm 2020 đến nay của đại dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới, với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trên diện rộng tại nhiều địa phương đã trực tiếp ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc triển khai thi công các dự án. Vận chuyển thiết bị đến công trường đang gặp rất nhiều trở ngại do phải thực các quy định để phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương. Ngoài ra, nguồn lao động đang thi công trên các công trường bị thiếu hụt rất trầm trọng, vì nhiều tỉnh thành đang thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16.
Hơn nữa, lực lượng lao động trình độ cao là đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của nhà sản xuất chế tạo tua bin không thể nhập cảnh vào Việt Nam để trực tiếp kiểm tra, lắp đặt, hiệu chỉnh tuabin thiết bị… (Đây là điều kiện tiên quyết bắt buộc mà nhà cung cấp tua bin đặt ra khi triển khai lắp đặt tua bin tại hiện trường dự án) và đó cũng là nguyên nhân bất khả kháng không thể lường trước và nằm ngoài mong muốn của chủ đầu tư mà phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Nguồn vốn đầu tư các dự án điện gió, chủ yếu các doanh nghiệp đều đi vay của ngân hàng trong nước với trị giá nhiều trăm ngàn tỷ đồng. Do đó, trường hợp các doanh nghiệp điện gió nếu bị phá sản sẽ kéo theo hệ lụy vô cùng lớn cho nền tài chính quốc gia.
Trong khi tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung danh mục các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển Điện lực (Văn bản số 693/TTg-CN ngày 9/6/2020, số 795/TTg-CN ngày 25/6/2020), với thời gian quá ngắn như vậy, hầu hết các chủ đầu tư chưa thể hoàn thành thủ tục đầu tư của dự án chứ chưa nói đến việc thi công hoàn thành đưa vào phát điện.
Theo quyết định của Chính phủ ngày 31/10/2021 hết thời hạn áp dụng cơ chế về điện gió là vô cùng thiệt hại cho các doanh nghiệp vì hầu hết doanh nghiệp Việt Nam bị nước ngoài ép giá, nâng giá thiết bị lên vô cùng lớn, hơn nữa trong nước tất cả đều nâng giá lên rất nhiều lần (thậm chí từ 200 đến 300%) thực tế, điều này cho thấy quyết định của Chính phủ hoàn toàn không phù hợp và gây thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế của đất nước.
Theo ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận cho biết: Địa phương này có 3 dự án điện gió với tổng công suất 30 MW không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11. Suất đầu tư trung bình của 1W điện gió khoảng 1,4 triệu USD. Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ nên gia hạn giá FIT cho các dự án chậm tiến độ, áp dụng giá FIT này cho đến khi có cơ chế đầu thầu được ban hành.
“Chủ đầu tư đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng cho một dự án, mà đến nay cơ chế đấu thầu vẫn chưa được Bộ Công Thương ban hành, không bán được điện, không có dòng tiền về. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp không có doanh thu, không thể trả nợ, lãi vay ngân hàng thì đến hẹn”. ông Thịnh giãi bày.
Theo TS. Mai Duy Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam (VCEA) nguyên nhân khiến nhiều dự án điện gió chậm tiến độ chủ yếu là do dịch Covid-19. Vì vậy, cần cho tất cả dự án chậm tiến độ mà đã được ký hợp đồng mua bán điện với EVN được gia hạn thời gian ưu đãi từ 3 - 6 tháng. Đây cũng là chính sách nhân văn, hỗ trợ nhà đầu tư trong thời điểm khó khăn bởi dịch bệnh.
Theo ông Hồ Tá Tín - Chủ tịch HBRE Group, suất đầu tư của điện gió ngoài khơi cao hơn 2 lần so với chi phí đầu tư điện gió trên bờ và ven bờ (2,5 - 3 triệu USD/MW), thời gian xây dựng dự án trên 2 năm, chưa kể thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, nên điện gió dễ đánh mất cơ hội ưu đãi từ Chính phủ.
Cần thiết phải kéo dài chính sách ưu đãi để “hồi sinh” doanh nghiệp
Trong câu chuyện này, ở góc nhìn chuyên gia, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, để công bằng với các nhà đầu tư do yếu tố khó khăn bởi dịch Covid-19, Bộ Công Thương cần có rà soát rõ ràng, xem xét mức độ hoàn thiện của dự án để cho hưởng giá ưu đãi. Còn với những dự án chưa mua tuabin gió, mới chỉ san lấp mặt bằng thì sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, để đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa nhà đầu tư và Nhà nước, cần khảo sát nếu doanh nghiệp chậm vận hành vì dịch bệnh chứ không phải lỗi của họ thì có cơ chế đảm bảo quyền lợi, lùi thời hạn được hưởng giá ưu đãi cho họ. Nên lùi đúng bằng khoảng thời gian các quy định giãn cách xã hội tác động đến doanh nghiệp, gây đứt gãy cung ứng lao động, thiết bị... Bởi bản thân thời hạn ngày 1/11/2021 đã là một áp lực đối với chính các nhà đầu tư ngay trong điều kiện bình thường.
Trước đó, vào ngày 6/11/2021, khi làm việc với tỉnh Ninh Thuận, liên quan đến chính sách với giá điện cho các dự án điện gió, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho hay: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị với Chính phủ nghiên cứu để có thể gia hạn thời hạn áp dụng của biểu giá này. Nhất là với những dự án đã làm cơ bản xong, nhưng chưa vận hành được, do những khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.
“Đây cũng là một trong những giải pháp trong kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế. Đặt trong bối cảnh đó để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Còn đối với giá điện mặt trời, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan là Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành cơ chế, chính sách để đấu thầu, lựa chọn dự án đầu tư, chủ đầu tư trong các dự án điện mặt trời”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
PV
Theo