Trước đây, để dựng nên một ngôi nhà sàn người ta dùng dao, đục, rùi… để thiết kế và dùng hoàn toàn bằng gỗ, tre, nứa, lá cọ. Nay với công nghệ hiện đại người ta đã dùng bằng máy móc để thiết kế. Những cây gỗ năm xưa được thay bằng cột bê tông - phun sơn… trông hệt những ngôi nhà sàn cổ kính.
Thoạt nhìn một cách tổng thể ngôi nhà sàn của người Thái, Mường Thanh Hóa không khác gì ngôi nhà sàn của Thái, Mường ở Tây Bắc. Nhưng xét một cách chi tiết thì kiến trúc của hai ngôi nhà này hoàn toàn khác nhau. Mái nhà người Thái Thanh Hóa có góc không phải là mai rùa như người Thái Tây Bắc mà có bốn góc chụm lại tạo sự vững chắc. Giữa nhà sàn Thái và Mường cũng có sự khác biệt. Xà dọc của nhà sàn Thái chạy suốt còn xà dọc của nhà sàn Mường thì cắt ngang ở gian ngoài.
Mỗi một Mường lại có một cách tổ chức ngôi nhà riêng. Đối với Mường Khoòng thì đòn tay, giầm trước có ngọn quay ra trước, gốc về sau. Đối với Mường Ký, Mường Cara gốc ra trước, ngọn về sau.
Để phân biệt được đâu là ngôi nhà sàn của người Thái, người Mường ta nhìn vào cầu thang lên xuống của ngôi nhà. Nhà sàn của người Mường chỉ có duy nhất một cầu thang lên xuống. Còn nhà sàn người Thái có hai cầu thang lên xuống, người ta gọi là cầu thang chính và cầu thang phụ. Cầu thang chính dành cho khách vào nhà và để đàn ông đi, còn cầu thang phụ nằm phía sau nhà dành cho phụ nữ.
Trong một ngôi nhà thì người Thái có hai bếp và được ngăn với nhau bằng tấm phên. Bếp ngoài dùng cho khách đến chơi sưởi ấm, bếp trong dùng để nấu ăn. Bàn thờ của người thái cũng đặt ở gian giáp gian khách (đặt ở góc bờ tường, đặt trên bàn), sát với giường thờ, chủ chính ngủ.
Trước đây nhà sàn có cột chôn (chôn dưới đất) nay là cột trên (đặt bên trên mặt đất). Gian nhà được thiết kế theo số lẻ 3, 5, 7 thậm chí 9, 11 gian. Số cột được tính theo công thức 3 gian 4 cột. Hướng nhà được chọn theo thế đất, dựa lưng vào núi, quay mặt về chỗ thấp. Trong ngôi nhà quan trọng nhất là cây xà dọc, phải tròn, 8 cạnh. Nếu cây dài thì được chia đoạn và có nhiều người cùng làm. Thưng nhà đan bằng nứa, sàn nhà bằng luồng, sau này thay bằng gỗ.
Trước đây ngôi nhà sàn được làm hoàn toàn bằng gỗ, nay ngôi nhà sàn được “bê tông hóa”, mái nhà lá cọ được thay bằng mái ngói đỏ tươi. Có một điều đặc biệt là cho dù ngôi nhà cổ xưa hay hiện đại thì chốt kèo đều được chạm hình tròn hoặc hình rồng. Hoa văn được trang trí trên các cột kèo là những họa tiết hình rồng hoặc chữ Nho. Hiện nay ở công sở, chùa hoặc hộ gia đình thì kiến trúc nhà sàn vẫn là kiến trúc rất được ưa chuộng.
“Nhà sàn là một kiến trúc độc đáo. Trước đây với quan niệm chống thú dữ và đón gió người ta thường dựng nhà sàn ở gần suối hoặc chân đồi. Ngày nay ở bất kỳ đâu những ngôi nhà sàn đều được dựng lên - nhà sàn không chỉ giới hạn ở tiện ích mát mẻ, thoáng đãng mà nó đã trở thành một kiến trúc dành cho giới thượng lưu”, ông Hà Nam Ninh - người giữ hồn cho đồng bào người Thái Bá Thước - nói.
Đi khắp các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đâu đâu ta cũng bắt gặp những ngôi nhà sàn cũ kỹ - mới mẻ uy nghi nằm giữa núi rừng trùng điệp. Ở Bá Thước có làng Thành Điền, xã Điền Hạ có tới 99% ngôi nhà sàn. Ở làng Rùng, Cẩm Liên, Cẩm Thủy có 80% ngôi nhà sàn, ở huyện Lang Chánh cũng có ngót hơn 50% ngôi nhà sàn. Độc đáo hơn nữa là khi triển khai thực hiện xây dựng nhà ở theo Chương trình 167 của Chính phủ thì hiện ở Bá Thước người dân cũng sử dụng nguồn vốn này cộng với tiền của bản thân để dựng lên những ngôi nhà sàn kiên cố, đẹp đẽ.
Kiến trúc nhà sàn không còn bị bó hẹp trong một phạm vi cụ thể và dành riêng cho đồng bào dân tộc. Ngôi nhà sàn đã trở nên phổ biến trong đời sống của người dân. Đặc biệt đối với tầng lớp thượng lưu thì ngôi nhà sàn đang dần trở thành một “mốt” kiến trúc.
Theo baoxaydung.com.vn