Thứ sáu 22/11/2024 03:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Nâng tầm xây dựng Việt

16:28 | 05/09/2022

(Xây dựng) – Đây là tham vọng của Hội Kỹ sư Xây dựng trẻ Việt Nam. Theo kế hoạch, ngày 8/9/2022, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội), Hội sẽ tổ chức Đại hội Đại biểu Hội Kỹ sư Xây dựng trẻ Việt Nam nhiệm kỳ II (2022 - 2027).

nang tam xay dung viet
Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam (VSCE) xác định sứ mệnh của Hội là “Nâng tầm xây dựng Việt”.

Đại hội lần này đánh dấu bước phát triển mới của Hội với những quyết định quan trọng, gồm đổi tên Hội Kỹ sư Xây dựng trẻ Việt Nam thành Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam (VSCE); thông qua Chiến lược hành động cho nhiệm kỳ mới. Trong khuôn khổ Đại hội cũng diễn ra tọa đàm với chủ đề “Kỹ sư Việt Nam vươn ra toàn cầu”.

Hội Kỹ sư Xây dựng trẻ Việt Nam được được thành lập theo Quyết định số 996/QĐ-BNV, ngày 29/9/2014 của Bộ Nội vụ. Ngày 4/7/2022, Bộ Nội vụ có Văn bản số 3057/BNV- TCPCP thống nhất việc đổi tên “Hội Kỹ sư Xây dựng trẻ Việt Nam” thành “Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam” và đồng ý việc tổ chức Đại hội nhiệm kỳ II.

Với tên gọi mới, Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam xác định sứ mệnh “Nâng tầm xây dựng Việt” và hoạt động với các mục tiêu cốt lõi: Nâng tầm kỹ sư Việt; Nâng tầm doanh nghiệp Việt; Tối đa hóa chuỗi cung ứng trong xây dựng. Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam hứa hẹn sẽ là một tổ chức hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều giá trị cho kỹ sư xây dựng và doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xây dựng, góp phần thay đổi ngành Xây dựng nói chung.

Trước đó, trong nhiệm kỳ I, Hội tập trung vào các hoạt động dành cho sinh viên, kỹ sư xây dựng, kết nối – hợp tác và thiện nguyện. Đối với sinh viên, Hội chủ trì tổ chức nhiều cuộc giao lưu trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, tư vấn phản biện giữa các hội viên và chuyên gia; phối hợp với các trường đại học tổ chức các hội thảo chuyên ngành. Gần đây nhất, hồi đầu năm 2022, Hội phối hợp với trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức Hội thảo trực tuyến “Cơ hội và thách thức cho kỹ sư xây dựng thời kỳ chuyển đổi số”.

Đối với kỹ sư xây dựng, Hội thường xuyên có chương trình định hướng, huấn luyện trực tuyến trên fanpage; hợp tác toàn diện và sâu rộng với các Hiệp hội uy tín, các doanh nghiệp chuyên nghiệp trong nước và nước ngoài để tổ chức huấn luyện khởi nghiệp, tư vấn chiến lược phát triển cho các kỹ sư xây dựng chuyên nghiệp. Điển hình, hồi tháng 3/2021, Hội phối hợp với Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức Talk-show “Hành trang khởi nghiệp – Khởi xây hoài bão”.

Hội đồng thời phát động các phong trào tập thể dục cho kỹ sư xây dựng rèn luyện, nâng cao thể chất. Hội tích cực đẩy mạnh hoạt động kết nối – hợp tác với các hội nghề nghiệp như: Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam… nhằm xây dựng cộng đồng kỹ sư ngày càng lớn mạnh.

Đặc biệt, lãnh đạo Hội đã gặp gỡ Hội Kỹ sư Xây dựng Nhật Bản, thuyết trình về đề án “Nâng cao giá trị nâng tầm Kỹ sư Việt” và đặt nền móng cho việc giao lưu hợp tác Nhật – Việt; Tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện…

Trong nhiệm kỳ II, Hội hướng đến mục tiêu: Phát triển Hội với quy mô 15.000 thành viên; Tập huấn nâng cao năng lực cho 15.000 kỹ sư; Kết nối việc làm cho ít nhất 8.000 kỹ sư; Xây dựng Hệ thống tiêu chuẩn kỹ sư Xây dựng Việt Nam tiệm cận với thế giới; Ký hợp tác với ít nhất 400 doanh nghiệp trong ngành; Triển khai hoạt động đến ít nhất 55 trường đại học lớn; Kết nối hợp tác với Hội Kỹ sư xây dựng các nước Nhật Bản, Hàn Quốc…; Xây dựng thư viện số của ngành; Hoàn thiện mô hình Viện Đào tạo theo mô hình “Đại học số”; Tổ chức các hội thảo, cuộc thi và các hoạt động thiện nguyện…

Theo nhận định của Hội, nhiều năm qua, các doanh nghiệp ngành Xây dựng vẫn không ngừng tuyển dụng kỹ sư nhưng thực tế cho thấy ngày càng có nhiều kỹ sư xây dựng thất nghiệp. Kỹ sư Xây dựng thiếu nhiều kiến thức và kỹ năng để đảm nhận các công việc đa dạng trong ngành, thậm chí có những góc nhìn tiêu cực về nghề. Do vậy, họ cần được trang bị thêm nhiều kỹ năng để có thể đáp ứng tiêu chuẩn của khu vực và thế giới.

Tương tự, sinh viên xây dựng chưa có sự đam mê với nghề; quá trình học chưa chủ động liên hệ với thực tiễn, thiếu kỹ năng mềm, thái độ học chưa rõ ràng nên nắm vững các kiến thức về nghề chưa sâu. Sau khi ra trường, nhiều kỹ sư xây dựng không theo nghề do lo ngại vất vả, thu nhập không đảm bảo đời sống, cơ hội phát triển nghề không cao...

Trong khi đó, các chuyên gia xây dựng mới chủ yếu huấn luyện theo thế mạnh của mình, chưa có môi trường để liên kết với nhau. Các kỹ sư xây dựng lâu năm có nhiều kinh nghiệm nhưng chưa có nhiều môi trường và cơ hội chia sẻ đến kỹ sư khác. Các doanh nghiệp ngành Xây dựng thiếu nhân sự chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu thực tế; Chưa xây dựng được đội ngũ chủ chốt để nhân bản và kế thừa; Không kịp cập nhật, áp dụng những công nghệ tiên tiến; Thiếu sự hợp tác, kết nối cùng nhau phát triển thị trường trong nước và tiến ra thị trường toàn cầu…

Khắc phục thực trạng trên, trong thời gian tới, Hội sẽ tập trung vào các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng nguồn kỹ sư xây dựng đáp ứng chuẩn quốc tế, nâng cao chất lượng các doanh nghiệp xây dựng, thiết lập hệ sinh thái giải pháp để tối ưu hóa chuỗi cung ứng ngành Xây dựng góp phần “Nâng tầm xây dựng Việt”.

Minh Hằng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load