Thứ bảy 20/04/2024 03:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn

22:04 | 17/05/2023

(Xây dựng) – Đó là chủ đề của buổi tọa đàm năm 2023 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 17/5, dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và sự phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp.

Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn
Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, phát triển và ứng dụng năng lượng xanh để tiến tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đối khí hậu đang là xu hướng của toàn cầu.

Ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những động thái tích cực về mục tiêu giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các cam kết bằng việc xây dựng hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm thực hiện mục tiêu giảm phát thải.

Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, ngày 26/7/2022 Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg về “Phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050” đã đề ra kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính theo từng lĩnh vực.

Cụ thể về cung cấp năng lượng, Quyết định nêu rõ cần “đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và các giải pháp công nghệ đột phá trong tương lai đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”.

Với ngành năng lượng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết Quy hoạch điện VIII được ban hành mới đây, cũng đã thống nhất chủ trương chiến lược phát triển cơ cấu nguồn điện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55–NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII nêu rõ, “điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp cần không giới hạn công suất, với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện có sẵn có, không phải nâng cấp lưới tải, nên cần ban hành chính sách đột phá để phát triển”.

Trong thực tế, chỉ số ít doanh nghiệp xuất khẩu may mặc chọn phương án mua điện năng lượng tái tạo từ hệ thống điện mặt trời mái nhà của các Quỹ đầu tư nước ngoài. Với các ngành sản xuất còn rất nhiều lĩnh vực đang mong muốn được sử dụng năng lượng xanh để tiết kiệm chi phí hoạt động, vận hành nhà máy và thực hiện chứng chỉ xanh.

VCCI sẽ có tổng hợp các kiến nghị, đề xuất giải pháp của Tọa đàm gửi các cơ quan chức năng để xem xét, điều chỉnh cơ chế phù hợp nhằm khơi thông thủ tục khuyến khích sử dụng năng lượng xanh được phát triển rộng khắp tới các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ quốc gia xuất khẩu sang nhập khẩu tinh về năng lượng. Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó có đặt ra mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5% sản lượng điện sản xuất.

Những xu hướng sau cho phép thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, thứ nhất là thủy điện của Việt Nam có chi phí thấp nhất trong các nguồn điện. Các công nghệ điện mặt trời và gió cũng đã đạt được lợi thế cạnh tranh do tiến bộ công nghệ và tăng cường đầu tư; điện mặt trời và điện gió hiện đã cạnh tranh được với nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu.

Dự kiến các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục giảm chi phí đáng kể trong những thập kỷ tới, trong khi chi phí của nguồn nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch có xu hướng tăng do các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe.

Thứ hai là ô nhiễm và biến đổi khí hậu, các vấn đề do nhiên liệu hóa thạch gây ra, bao gồm ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu trên diện rộng, đã khiến Chính phủ, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân nhận thấy sự cần thiết phải giảm phát thải khí nhà kính trong nền kinh tế.

Thứ ba, mục tiêu năng lượng tái tạo, với hiệu quả về môi trường và cả về kinh tế, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng nhanh tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo trong cân đối năng lượng chung. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp tăng từ 31% vào năm 2020 lên đạt trên 90% vào năm 2050.

Thứ tư là tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, bao gồm tăng hiệu suất mô-đun quang điện mặt trời lên khoảng 25 – 27% với tấm pin năng lượng mặt trời đơn tinh thể và có thể lên đến trên 40% đối với công nghệ kết hợp giữa các tấm pin đơn tinh thể với một lớp phim mỏng; các tuabin gió với độ cao trên 200 mét với công suất mỗi tua bin lên đến 20MW cũng đã được áp dụng. Tiến bộ công nghệ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo trong ngành Điện.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, các nguồn điện linh hoạt trong hệ thống điện (thủy điện, tuabin khí hỗn hợp sử dụng khí đốt) hiện chiếm trên 40% tổng công suất các nguồn điện của hệ thống, nên sự thay đổi của các nguồn điện mặt trời và điện gió chưa ảnh hưởng nhiều đến an toàn vận hành trong hệ thống.

Tuy nhiên, ông Vy cũng cho rằng, khi tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi chiếm tỷ trọng cao, cần thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn, linh hoạt trong hệ thống điện.

Theo ông Vy, các giải pháp chủ yếu gồm nâng cao độ chính xác của công tác dự báo thời tiết để giảm sự không chắc chắn của các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi. Phát triển các nguồn điện linh hoạt để thích ứng với sự biến đổi: Thủy điện, thủy điện tích năng, TBK đơn, các nguồn điện nhỏ đấu nối với lưới điện phân phối sử dụng dầu.

Thực hiện liên kết lưới điện với các nước trong khu vực; phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn, đầu tư phát triển và cải tạo hệ thống lưới truyền tải.

Phân cấp cho các đơn vị điện lực tại các địa phương quản lý vận hành các nguồn điện đấu nối với lưới điện phân phối, thực hiện tối ưu hóa vận hành hệ thống phân phối với các nguồn năng lượng phân tán.

Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn
Toàn cảnh Tọa đàm.

Phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng trong các nhà máy điện gió, điện mặt trời và tại các hộ gia đình có nguồn điện tái tạo. Phát triển lưới điện thông minh nhằm tăng cường quản lý phía cầu và kết hợp sử dụng tối ưu nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống.

Thông tin tại Tọa đàm, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành Dệt may hiện nay có khoảng gần 3 triệu lao động, trong quý I/2023 các nhà máy xuất khẩu khoảng 12 tỷ USD. Ngành Dệt may đã tiếp cận với năng lượng xanh, năng lượng tái tạo từ điện áp mái, điện mặt trời từ rất sớm… Việc tiếp cận với năng lượng tái tạo đem đến nhiều lợi ích cho cả các bên, nhất là những lĩnh vực có sự tiêu thụ lớn…

Theo ông Giang, tiêu chuẩn xanh chỉ là một trong những tiêu chuẩn, không phải tiêu chuẩn bắt buộc đối với hàng hóa xuất khẩu, nên việc nhiều đơn hàng hay ít thời gian của ngành không phụ thuộc vào vấn đề này.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong việc áp dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh chính là tài chính, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng để đầu tư vào việc phát triển song hành trong quá trình sản xuất và không phải ngân hàng nào cũng cấp vốn cho doanh nghiệp để đầu vào lĩnh vực này.

Khi đối tác nước ngoài đặt hàng thì những tiêu chuẩn đưa ra theo COP26 là một trong những điều kiện được hướng đến, tuy nhiên, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố không chỉ riêng năng lượng, chẳng hạn như: nhân công, môi trường làm việc… rất nhiều doanh nghiệp trong ngành Dệt may đã chú trọng đầu tư vào môi trường làm việc cho công nhân, đây là yếu tố tác động sẽ hiệu suất làm việc.

Việc các doanh nghiệp tiếp cận với năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là cần thiết, bởi hiện tại, chi phí điện lưới là rất lớn, việc phát triển điện mái, điện mặt trời sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tạo ra các chứng chỉ xanh cho hàng hóa mà còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tang tính cạnh tranh cho hàng hóa được sản xuất ra.

Cùng với đó, các nhà làm thương mại, các nhà phát triển năng lượng mặt trời, điện áp mái cũng cần phải có tầm nhìn, đưa ra các khả năng an toàn trong lắp đặt và sử dụng, để đem lại hiệu quả cho người dung. Cùng với đó, các cơ quan quản lý cũng cần tính đến phương án đưa phần điện dư thừa lên hệ thống lưới điện để tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp thực hiện lắp đặt năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, từ đó tạo ra nguồn thu đóng góp vào việc giảm chi phí giá thành, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm của doanh nghiệp.

Điều phối viên thảo luận, nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, Tọa đàm được diễn ra ngay sau khi mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Theo đó, Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng cho biết, tại Tọa đàm hôm nay có các đại diện hiệp hội doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện lớn sẽ kiến nghị giải pháp khơi thông thủ tục khuyến khích sử dụng năng lượng xanh.

Phát biểu tổng kết Tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, cơ quan quản lý, đại diện EVN đã có những chia sẻ và giải đáp các thắc mắc doanh nghiệp và có những ý kiến về việc tuân thủ các quy chuẩn, quy định về đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Các doanh nghiệp cũng đã chia sẻ những kiến nghị cụ thể hơn tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đưa ra những ý kiến đề xuất trong việc cần sớm có những cơ quan đầu mối để quản lý việc cấp phép triển khai điện mặt trời mái nhà, có những cơ quan cấp chứng chỉ chứng nhận xanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu những hoạt động của doanh nghiệp.

Với vị trí là cơ quan ngôn luận của VCCI – đại diện của cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân, Ban tổ chức sẽ tổng hợp các ý kiến của các đại biểu, doanh nghiệp, trình Chính phủ, các bộ ngành nhằm sớm có cơ chế chính sách phù hợp, những hướng dẫn cụ thể việc để hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư thúc đẩy triển khai điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp. Đây là nhu cầu rất cấp thiết trong việc đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Tọa đàm thu hút sự tham dự từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học…

Tại Tọa đàm, các khách mời tập trung thảo luận về bài toán kinh tế, giải pháp đầu tư khi doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo. Với việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà doanh nghiệp sẽ được hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất, có chứng chỉ xanh để nâng cao lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.

Bên cạnh những lợi ích của việc sử dụng năng lượng xanh, doanh nghiệp còn gặp những vướng mắc, khó khăn, từ đó Tọa đàm cũng đề xuất phương án tháo gỡ, tổng hợp những góp ý đề xuất từ phía Hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia góp phần thúc đẩy thị trường điện mặt trời mái nhà cho mô hình tự nguyện sử dụng được phát triển rộng khắp.

Ánh Dương – Anh Đức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load