(Xây dựng) - Năm 2016, lần đầu tiên Quảng Ninh vươn lên giành vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng PCI toàn quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng, đó là “hiện tượng Quảng Ninh”. Tuy nhiên, tại hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) diễn ra sáng 31/3, ông Nguyễn Đức Nhật, Tư vấn Trưởng nhóm nghiên cứu DDCI cho rằng: 4 năm liên tiếp Quảng Ninh đều duy trì vị trí top 5 nhóm các tỉnh, thành có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc thì đây là năng lực thực chất của tỉnh chứ không phải là “hiện tượng” nữa.
Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể xuất sắc trong triển khai công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Nơi doanh nghiệp gia nhập thị trường dễ nhất
5 năm gần đây, Quảng Ninh đã có bước cải thiện đáng kể về năng lực cạnh tranh, từ một tỉnh có chất lượng điều hành khá năm 2012 (xếp hạng 20/63 tỉnh, thành) đã vươn lên là tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế trong nhóm rất tốt 4 năm tiếp đó. Và năm 2016 lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh vươn lên vị trí thứ 2 trong nhóm điều hành kinh tế tốt nhất cả nước. Trong đó, có các chỉ số tăng điểm gồm: Gia nhập thị trường; chi phí không chính thức; chỉ số cạnh tranh bình đẳng; tính năng động của chính quyền tỉnh; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Đáng chú ý là chỉ số chi phí gia nhập thị trường đạt 9,28 điểm và tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng PCI so với năm 2015. Đây là chỉ số đầu tiên Quảng Ninh đứng ở vị trí thứ nhất trong cả nước và tiệm cận đến sát thang điểm 10. Kết quả này đã đạt chỉ tiêu Nghị quyết 19-2016/NQ-CP khi thời gian đăng ký kinh doanh của tỉnh Quảng Ninh đã được rút ngắn và chỉ mất tối đa 2 ngày làm việc. Nếu năm 2006, một doanh nghiệp tại tỉnh trung bình mất 20 ngày để đăng ký thành lập doanh nghiệp, thì nay chỉ mất 7 ngày, mức thấp kỷ lục trong vòng 12 năm điều tra PCI. Thời gian này đo từ thực tế, tính cả số lần đi lại để sửa đổi, bổ sung giấy tờ trước khi có được một bộ hồ sơ hoàn chỉnh và được chấp thuận hợp lệ. Thời gian chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giảm tới 8 lần, từ 120 ngày (năm 2006) xuống còn 15 ngày. So với các năm trước, các thủ tục đăng ký doanh nghiệp đã nhanh chóng và đơn giản hơn rất nhiều. Đây là thành quả ấn tượng và đáng tự hào của chính quyền tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới.
Tín hiệu đáng mừng là chỉ số chi phí không chính thức tăng 6 bậc, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành. Doanh nghiệp có ý kiến khi đầu tư, kinh doanh vào Quảng Ninh vẫn phải chi trả các khoản chi phí không chính thức nhưng đã giảm nhiều so với năm 2015 và ở mức chấp nhận được.
Chỉ số tính năng động tăng 6 bậc và xếp thứ 5/63 tỉnh, thành. Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những năm gần đây, tỉnh thường xuyên tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham dự của các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Định kỳ hàng quý, tỉnh tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành và địa phương cũng tổ chức tiếp xúc doanh nghiệp để phổ biến những quy định mới trong lĩnh vực quản lý hoặc giải đáp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nên được doanh nghiệp đánh giá cao về tính linh hoạt, năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề của chính quyền. Doanh nghiệp tư nhân cảm nhận được thái độ cầu thị, lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp của chính quyền. 70,73% doanh nghiệp cho rằng UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới.
Có thể khẳng định kết quả chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp năm 2016 của tỉnh được cải thiện đáng kể (tăng 13 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành) đã phản ánh xác thực quyết tâm và nỗ lực của toàn tỉnh. Các cấp chính quyền tỉnh có nhiều giải pháp, hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp như: Đi đầu trong cả nước triển khai Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ; khẩn trương xây dựng, triển khai kế hoạch, hành động cụ thể, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng... Nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động đối thoại doanh nghiệp; thiết lập đa dạng kênh tiếp nhận, xử lý kiến nghị và giải quyết ý kiến phản hồi của doanh nghiệp như: Thiết lập đường dây nóng; mở cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp; công khai hộp thư của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Trung tâm Hành chính công tỉnh và các địa phương lắp đặt thiết bị điện tử đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân; tổ chức điều tra độc lập trên diện rộng toàn tỉnh để đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành về kinh tế của các sở, ngành và địa phương thông qua xây dựng bộ chỉ số điều tra khảo sát DDCI; các phiên Cafe doanh nhân đã tạo được niềm tin và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, trở thành điểm đến thân thuộc để chia sẻ, trao đổi công việc của cộng đồng doanh nghiệp...
Còn nhiều việc phải làm
Đánh giá cụ thể từng chỉ số PCI 2016 thì thấy rằng Quảng Ninh còn rất nhiều việc phải làm. 5/10 chỉ số giảm điểm so với năm 2015, đáng lưu ý, chỉ số thiết chế pháp lý giảm nhiều nhất (0,53 điểm) và tụt 10 bậc trong bảng xếp hạng; chỉ số chi phí thời gian giảm 0,41 điểm, tụt 9 bậc; các chỉ số đào tạo lao động, tính minh bạch, tiếp cận đất đai đều giảm điểm. So với những mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch số 2614/KH-UBND của UBND tỉnh, có 1/10 chỉ số đạt mục tiêu và 9/10 chỉ số không đạt mục tiêu. Trong tổng số 111 chỉ số con, có 12/111 chỉ số con đạt mục tiêu và 99/111 chỉ số con không đạt mục tiêu. Như vậy, so với chính mình chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long khẳng định: Năm 2016, Quảng Ninh dù thăng hạng PCI nhưng lại bị giảm điểm so với năm 2015. Nếu không đổi mới, không vươn lên, không soi lại mình thì Quảng Ninh sẽ tụt hậu.
Vì thế, tỉnh đã đặt ra quyết tâm duy trì và nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền tỉnh luôn trong nhóm rất tốt với mục tiêu ưu tiên hàng đầu là phải tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập trung cải thiện tốt hơn nữa chỉ số PCI. Tỉnh cũng đưa ra 9 nhóm giải pháp để thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, việc đầu tiên là chủ động bám sát Trung ương để sớm có những quyết định, cơ chế, chính sách đặc thù quan trọng của tỉnh như: Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Đề án thành lập Khu công nghiệp chuyên sâu Việt Hưng, Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Đông Hưng - Móng Cái... Đồng thời, tiếp tục huy động tối đa nguồn lực thu hút đầu tư vào các dự án, công trình trọng điểm. Rà soát, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu đưa 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, huyện và liên thông tới 186 xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động nghiên cứu giải pháp triển khai một cách sáng tạo, hiệu quả “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” đối với doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; bám sát các nội dung, nhiệm vụ theo Nghị quyết 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP; triển khai hiệu quả Chương trình DDCI 2017 nhằm huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh...
PV
Theo