Thứ ba 23/04/2024 14:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Nam Định: Khởi động những dự án tiền đề để bứt phá trong phát triển kinh tế

19:02 | 04/01/2022

(Xây dựng) - Nằm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội 90km về phía Tây Bắc, tỉnh Nam Định luôn được xác định là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm của Đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời cũng là tỉnh có nền sản xuất công nghiệp phát triển tương đối sớm với nhiều ngành nghề truyền thống và từng là một trong những trung tâm dệt may hàng đầu của cả nước. Có địa hình tương đối bằng phẳng, chủ yếu là đồng bằng thấp trũng và đồng bằng ven biển, với bờ biển dài 72 km và hệ thống sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua, mang lại rất nhiều điều kiện thuận lợi trong vận tải đường thuỷ và phát triển kinh tế biển cho tỉnh Nam Định.

nam dinh khoi dong nhung du an tien de de but pha trong phat trien kinh te
Một góc thành phố Nam Định hôm nay.

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thời gian quan, nhiều thế hệ lãnh đạo của tỉnh đã tập trung thực hiện điều chỉnh, phân bố không gian công nghiệp phù hợp với định hướng phát triển các vùng kinh tế nội tỉnh, trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế. Những nỗ lực này là nhằm cán đích đến năm 2030, tỉnh Nam Định sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá về công nghiệp trong vùng Đồng bằng Sông Hồng; đến năm 2045, đưa Nam Định trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại.

nam dinh khoi dong nhung du an tien de de but pha trong phat trien kinh te
Một cây cầu mới trên đất Nam Định

Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy sản xuất công nghiệp của tỉnh chưa thực sự thay đổi cơ bản theo hướng năng suất, chất lượng và bền vững. Thu hút đầu tư trong trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với những điều kiện sẵn có, chưa phát huy hết nội lực để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Hầu hết các dự án vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, chưa có nhiều dự án lớn, chưa có dự án công nghiệp nặng, công nghiệp cơ bản gắn liền với cảng biển như: Thép, xi măng, cơ khí chế tạo và các dự án năng lượng, chưa tạo những sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao để làm tiền đề, làm động lực lôi kéo, phát triển mạnh mẽ như các tỉnh lân cận: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng…

Để khắc phục những hạn chế, khơi dậy tiềm năng, phát huy nội lực, trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XX, (nhiệm kỳ 2020-2025) số 01-Ctr/TU, của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm phát triển công nghiệp.

Những tháng đầu năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của các tỉnh thành trên cả nước. Song tỉnh Nam Định đã nỗ lực vận động, kêu gọi đầu tư, tập trung xúc tiến các dự án quy mô lớn, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực. Ngày 09/10/2021, UBND tỉnh Nam Định đã chấp thuận chủ trương cho 03 dự án đầu tư, bao gồm: Dự án Nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng của Công ty Cổ phần Xuân Thiện Nghĩa Hưng (Quyết định số 2186/QĐ-UBND); Dự án Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định của Công ty Cổ phần Xuân Thiện Nam Định (Quyết định số 2188/QĐ-UBND) và Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện của Công ty Cổ phần Bê tông Nghĩa Hưng (Quyết định số 2187/QĐ-UBND), tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng gần 70.000 tỷ đồng, tại địa bàn huyện Nghĩa Hưng.

Vùng ven biển Nghĩa Hưng có địa hình trũng thấp, chủ yếu là bãi bồi, trước đây được quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản tại Quyết định 2896/QĐ-UBND. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực này vẫn mang tính manh mún và tự phát, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và đóng góp cho ngân sách, hầu hết các hộ đang nuôi trồng thủy sản đều ký hợp đồng thuê đất trong thời gian ngắn từ 1 đến 2 năm, một số hộ đã hết thời hạn hợp đồng. Trong khi đó, nơi đây có tiềm năng phát triển cảng nước sâu gắn với các ngành công nghiệp cơ bản, đem lại giá trị gia tăng cao. Vì vậy, tỉnh Nam Định đã có Quyết định số 1645/QĐ-UBND ngày 20/7/2020 chấm dứt hiệu lực của quy hoạch thủy sản này; đồng thời, tỉnh đã cho triển khai lập và phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị Nam Rạng Đông, thay thế quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản trước đây, nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, thu hút các dự án lớn làm tiền đề để thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại khu vực này phù hợp với quy hoạch xây dựng phía Nam Khu đô thị Rạng Đông, thuộc khu vực đất công nghiệp, không làm ảnh hưởng đến rừng ngập mặn hiện hữu. Hiện nay, UBND huyện Nghĩa Hưng đã và đang phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện giải phóng mặt bằng. Theo tiến độ dự kiến, quý II/2022 sẽ khởi công xây dựng. Nhà đầu tư cũng đã cam kết sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhằm bảo vệ môi trường, trước khi xây dựng dự án sẽ được các Bộ, ngành thẩm định hồ sơ về môi trường, thiết kế cơ sở và công nghệ theo đúng quy định của pháp luật.

Nam Định xác định đây là những dự án đầu tư có quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra những sản phẩm công nghiệp chủ lực, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, giải quyết vấn đề xã hội, việc làm cho hàng vạn lao động của địa phương cả trong quá trình triển khai xây dựng cũng như sau này khi hình thành Khu kinh tế, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Việc đầu tư tổ hợp dự án trên sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với chủ trương, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU, số 05-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; đồng thời là những dự án có vai trò làm tiền đề, tạo cú hích mạnh mẽ để tỉnh nhanh chóng hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ. Với sự thống nhất cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Tỉnh uỷ Nam Định đã ban hành Văn bản số 318-TB/TU ngày 14/10/2021, Thông báo Kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các dự án nêu trên; tiếp tục coi thu hút đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm; tập trung mọi nguồn lực ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, bao gồm cả đường bộ và đường thủy, đặc biệt là cảng biển, đáp ứng yêu cầu giao thương quốc tế; tăng cường hỗ trợ đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính nhanh nhất cho các dự án triển khai đúng tiến độ.

Trần Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load