(Xây dựng) - Với tỉ lệ người dùng thẻ tín dụng thấp và nhu cầu tiêu dùng cao, Việt Nam đang trở thành thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp mua trước trả sau. Tuy nhiên, để phát triển thì lĩnh vực này sẽ cần đến những chiến lược và quy định bài bản.
Tiến sỹ Phạm Nguyễn Anh Huy, Giảng viên cấp cao ngành Tài chính, sáng lập viên của Trung tâm FinTech-Crypto RMIT, Đại học RMIT Việt Nam. |
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021. Nhu cầu tiêu dùng có chiều hướng tăng trong khi một số lượng lớn người dân Việt Nam chưa có cơ hội tiếp cận tín dụng ở các tổ chức tín dụng truyền thống như ngân hàng (tỉ lệ dân số sở hữu thẻ tín dụng hiện nay ước tính chỉ đạt khoảng 5-6%). Các dịch vụ vay tiền cầm cố lại thường có lãi suất quá cao và dịch vụ khách hàng chưa tốt.
Giữa bối cảnh như vậy, dịch vụ mua trước trả sau (buy now, pay later - BNPL) đang nổi lên với nhiều ưu điểm. BNPL là một hình thức thanh toán trả góp cho các sản phẩm và dịch vụ với giá trị vừa và nhỏ (thường là dưới 10 triệu đồng). BNPL cho phép khách hàng mua trước và chia nhỏ khoản thanh toán theo kỳ (thường là hằng tháng) mà không cần sử dụng thẻ tín dụng, không cần chứng minh thu nhập hay tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, nếu khách hàng thanh toán đúng hạn thì sẽ không phải trả tiền lãi (lãi suất 0%). Với hình thức thanh toán này, hồ sơ của khách hàng thường được duyệt tự động và rất nhanh.
Có thể thấy, BNPL sẽ là lựa chọn hấp dẫn với một bộ phận dân số vì mang lại khả năng tiếp cận tín dụng cho những người không sở hữu thẻ tín dụng hay không có điều kiện vay ngân hàng. Chẳng hạn, các bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z, trên 18 tuổi nhưng chưa đi làm và đang nhận tiền hỗ trợ từ gia đình hằng tháng, vẫn có thể tiếp cận dịch vụ mua trước trả sau này.
Việc tập trung vào các khoản chi tiêu vừa và nhỏ là một trong những yếu tố khiến BNPL phát triển tương đối nhanh ở Việt Nam. BNPL cũng có thể cung cấp các dịch vụ với chi phí rẻ hơn, nhanh hơn và tiện lợi hơn so với dùng thẻ tín dụng ở các tổ chức tài chính truyền thống hoặc các sản phẩm vay tiêu dùng ở các công ty tài chính khác. Một điểm cộng quan trọng nữa là BNPL có thể giúp khách hàng xây dựng và nâng cao điểm tín dụng của họ.
Cách phát triển của thị trường BNPL hiện nay khiến nhiều người liên tưởng tới thị trường ví điện tử một vài năm trước. Điểm giống nhau là những công ty tiên phong như Momo ở mảng ví điện tử và Fundiin hay Kredivo ở BNPL có nhiều lợi thế trong việc nắm giữ thị phần nhờ tham gia thị trường sớm. Một điểm tương đồng khác là cả BNPL và ví điện tử đều là những ứng dụng (app) nên việc cạnh tranh cũng sẽ dựa trên việc ứng dụng nào mang lại trải nghiệm khách hàng tốt nhất, tiện lợi nhất và bao quát nhất.
Tuy nhiên, BNPL hầu như chỉ tập trung vào thị trường cho vay nên có thể phải chịu sự cạnh tranh lớn hơn đến từ các tổ chức tài chính truyền thống vì đây là một trong những mảng kinh doanh chính của họ. Điều này sẽ rõ ràng hơn khi cạnh tranh trong thị trường BNPL trở nên gay gắt hơn và thị trường dần bị bão hòa. Khi đó, các công ty BNPL có thể phải tìm kiếm các nguồn thu khác như cho vay ngắn hạn. Trong khi đó, các ví điện tử và các tổ chức tài chính truyền thống như ngân hàng đang cho thấy một sự cộng sinh mạnh mẽ. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử như Shopee cũng đã tham gia cuộc đua mua trước trả sau với lượng khách hàng tiềm năng đáng kể từ hệ sinh thái của mình.
Hiện nay, có hai yếu tố chính mà nhiều nhà cung cấp BNPL đang tập trung vào, đó là mở rộng mạng lưới nhà bán lẻ liên kết với dịch vụ mua trước trả sau và nâng cao năng lực tính toán khả năng trả nợ một cách chính xác nhất.
Theo tôi, hai trọng tâm hết sức quan trọng khác đối với các nhà cung cấp là quản trị rủi ro và bảo vệ người dùng. Nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam chưa có kiến thức tài chính đầy đủ, dẫn đến việc họ có thể chi tiêu quá mức và mất khả năng trả nợ, đặc biệt khi nhà cung cấp dịch vụ BNPL đánh giá sai khả năng trả nợ của khách hàng. Nhà cung cấp BNPL cần có các công cụ quản trị rủi ro cụ thể và hiệu quả, đồng thời hạn chế việc khách hàng mua trước trả sau đồng thời nhiều sản phẩm.
Nếu các công ty BNPL không quản trị rủi ro một cách hợp lý sẽ dẫn đến không thể kiếm được lợi nhuận và phá sản như trường hợp của Openpay ở Australia gần đây. Khi phá sản xảy ra, nhiều nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm có thể sẽ không thu hồi được tiền cho các sản phẩm và dịch vụ mà họ đã cung cấp. Đồng thời, trong tình hình kinh tế với lạm phát và lãi suất cao như hiện tại, nhà đầu tư có xu hướng chuyển đổi danh mục đầu tư khỏi các khoản đầu tư rủi ro và nhiều công ty công nghệ phải cắt giảm nhân sự. Do đó, các công ty BNPL có thể sẽ phải chịu đựng một làn sóng thiếu thanh khoản và điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của BNPL.
Ngoài ra, hiện tại hành lang pháp lý về BNPL vẫn chưa rõ ràng. Nếu BNPL phát triển rộng rãi mà không có sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ, điều này dễ dẫn đến tăng nợ xấu và ảnh hưởng nặng nề đến điểm tín dụng do người tiêu dùng có xu hướng tiêu xài quá khả năng trả nợ. Đồng thời, cũng có thể sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Thu Hằng (ghi)
Theo