Thứ sáu 29/03/2024 07:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Mua điện của các hộ dân

14:16 | 29/10/2019

(Xây dựng) - Thời buổi ngân sách quốc gia eo hẹp mà cứ nghe đến việc tiêu tiền tỷ USD cho dự án này nọ là đã nóng hết cả ruột gan.

mua dien cua cac ho dan
Ảnh: Báo Khánh Hòa.

Chẳng hạn cách đây ít lâu, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, với mức tăng trưởng 11 - 12% nhu cầu điện, mỗi năm cần ít nhất 10 tỷ USD phát triển các dự án điện. Ông nhận xét: "Tuy nhiên, với tỷ lệ nợ công như hiện nay, không có ngân sách nào chịu nổi thì lấy đâu cho phát triển các dự án điện?".

May thay, khó đến mấy thì cuộc sống sáng tạo của con người vốn không bao giờ chấp nhận khuất phục, mà huy động nguồn lực xã hội đang là một hướng đi đúng.

Thông tin mới đây cho hay, kể từ tháng 5/2019, khi các gia đình có hệ thống điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chính thức được bán điện cho Nhà nước, hiện đã có trên 500 công trình điện mặt trời trên mái nhà trong tỉnh đã hòa vào lưới điện quốc gia. Thông qua hệ thống đo đếm, sau khi sử dụng, lượng điện sản xuất dư thừa do điện mặt trời mái nhà phát lên lưới đạt hơn 3,5 triệu KWh với doanh thu 7,5 tỷ đồng.

Ấy là chưa kể lượng điện mà các hộ đã tự tiêu thụ, vừa giảm áp lực cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia và mà vẫn đáp ứng được tỷ lệ tăng trưởng nhu cầu điện trong cuộc sống hằng ngày.

Theo con số tính toán từ mỗi hộ gia đình thì đây chính là một khoản đầu tư. Theo ví dụ từ Báo Khánh Hòa, cách đây 2 năm, gia đình ông Lương Bảo Toàn (lô 92, đường A4, Khu đô thị VCN Phước Hải, TP Nha Trang) lắp 8 tấm pin mặt trời với tổng diện tích 16m2 với chi phí 70 triệu đồng.

Các tấm pin này cung cấp cho gia đình 300 KWh điện/tháng, tiết kiệm tiền điện từ 700 nghìn đến 1 triệu đ/tháng. Với mức đầu tư cho hệ thống này, khoảng 6 năm, gia đình ông sẽ thu hồi vốn trong khi thiết bị được bảo hành 12 năm và vòng đời lên đến 25 năm. Tuy nhiên, đến nay giá lắp đặt đã hạ rất nhiều, cùng diện tích pin ấy bây giờ chỉ còn khoảng 50 triệu đồng.

Nói câu chuyện trên đây để thấy rằng, nguồn lực ở trong dân vẫn còn rất nhiều. Nếu chỉ trông cậy vào ngân sách Nhà nước thì việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong công cuộc phát triển đất nước trở nên nan giải. Nhưng nếu khai thác được nguồn lực trong dân, vấn đề sẽ trở nên sáng sủa hơn rất nhiều.

Vì thế, rất cần những chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn vốn xã hội vào lĩnh vực này, bởi lẽ, theo dự báo, từ nay đến năm 2030, Việt Nam còn phải cần khoảng 150 tỷ USD vào sản xuất, truyền tải và phân phối điện để đáp ứng nhu cầu điện của người dân.

Nguyễn Hoàng Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load