Ảnh: Baoxaydung.vn
Tâm lý con người được hình thành trong hoạt động thực tiễn và là sản phẩm của hoạt động thực tiễn. Song tâm lý không phải là một yếu tố thụ động, mà có ảnh hưởng đến cá nhân và cộng đồng là động lực chi phối hành vi của các cá nhân trong cộng đồng. Đây là một thành tố quan trọng cấu thành văn hoá con người.
Đất nước đang tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, khi chúng ta quan niệm văn hoá là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế - xã hội, trong bối cảnh chuyển đổi cơ chế và hội nhập thì phải chú ý đến tâm lý của các tầng lớp dân cư trong quá trình phát triển kinh tế hiện nay. Trong cơ chế thị trường, tâm lý con người có nhiều thay đổi khác trước. Tâm lý của các đối tượng quần chúng nhân dân đối với vấn đề xây dựng văn minh đô thị thể hiện ở quá trình nhận thức, dẫn đến thái độ hành vi ứng xử đóng vai trò quan trọng. Bởi lẽ nhận thức là cơ sở để định hướng và điều chỉnh hành vi của mỗi người dân cũng như của cả cộng đồng. Khi con người ta có nhận thức đúng thì sẽ có cách xứng xử và hành vi phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Ví dụ, khi mỗi cá nhân nhận thức được hậu quả của tai nạn giao thông thì việc chấp hành các chuẩn mực giao thông sẽ được thực hiện một cách tự giác và nghiêm túc. Nếu hiểu và nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư, văn minh đô thị thì sẽ có rất ít hành vi ném rác ra đường phố, tạo nên ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, trên thực tế có người nhận thức được vấn đề song lại có hành vi lệch chuẩn. Có thể nói, từ nhận thức đến hành động của con người vẫn còn có một khoảng cách và nhiều khi không thống nhất với nhau. Cho nên xây dựng văn hoá đô thị là phải làm sao hình thành được ở mỗi một con người nhận thức đúng đắn để điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Khi đề cập đến cư dân sống ở các thành phố, thị xã lớn hiện nay, cần phải có biện pháp tuyên truyền giáo dục, tác động làm thay đổi cách suy nghĩ, lối tư duy tiểu nông (sản xuất nhỏ). Đó là sự tuỳ tiện, manh mún trong làm việc, thiếu ý thức kỷ luật. Tư duy này không phù hợp với lối sống công nghiệp, với nhịp sống của đô thị văn minh trong kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tế hiện nay, ở các đô thị có một số lượng lớn người ngoại tỉnh đến làm việc và sinh sống (công nhân, nông dân), họ mang theo cách suy nghĩ của mình vào thành phố, tạo ra không ít trở ngại cho việc xây dựng văn minh đô thị.
Khi đề cập đến nhận thức của người dân sống ở thành phố, chúng ta cần quan tâm đến ý thức pháp luật của mọi công dân. Đây không chỉ là ý thức chấp hành luật pháp mà còn là vấn đề xây dựng văn hóa đô thị. Hành vi bạo lực có xu hướng gia tăng ở các thành phố, thị xã trong nhiều năm vừa qua là dấu hiệu đáng lo ngại về ý thức pháp luật của người dân, đặc biệt là tuổi trẻ.
Vấn đề thứ hai là thái độ và hành vi ứng xử của người dân đối với việc xây dựng văn minh đô thị. Thái độ ở đây được biểu hiện là sự đồng tình hay phản đối, quan tâm hay thờ ơ của con người đối với một vấn đề nào đó. Hình thành thái độ tích cực của người dân là một nhiệm vụ quan trọng đối với việc xây dựng văn hoá đô thị hiện nay. Thái độ tích cực là cơ sở quan trọng hàng đầu để hình thành những hành vi tích cực ở con người. Khi cá nhân và cộng đồng có thái độ tích cực với tự nhiên (yêu cuộc sống thiên nhiên, thân thiện với môi trường) thì họ luôn có ý thức và hành vi để giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên: không vứt rác bừa bãi, không bấm còi xe inh ỏi khi đi trên đường phố, ngõ xóm, không mở nhạc to trong khu tập thể, không gây ồn ào vào đêm khuya... Có thể nói những biểu hiện văn hoá của cư dân đô thị được thể hiện qua những việc làm rất cụ thể, bình thường trong cuộc sống hàng ngày...
Để hình thành các yếu tố tâm lý tích cực của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng văn minh đô thị hiện nay, theo chúng tôi, cần phải làm tốt một số vấn đề sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục ý thức pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân.
Chúng ta đã biết theo quy luật nhận thức thì muốn con người có hành động đúng thì đầu tiên phải có nhận thức đúng. Bản chất bên trong của quá trình nhận thức là chức năng thông tin, người dân chỉ chấp nhận những thông tin nào phù hợp với nhu cầu của họ. Nhu cầu của nhân dân nói chung và của cư dân đô thị nói riêng rất phong phú đa dạng. Nhìn chung người dân luôn có nhu cầu vươn tới cái đúng, cái tốt đẹp trong cuộc sống. Xây dựng lối sống có văn hoá của văn minh đô thị trong kinh tế thị trường và hội nhập hiện nay vừa phát huy cái tiến bộ, vừa kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc là nhu cầu đúng đắn được mọi cư dân đô thị ủng hộ. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, các tổ chức trong hệ thống chính trị đều phải tích cực giáo dục ý thức pháp luật cho mọi người dân. Kết hợp giáo dục trong nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội tác động đến ý thức của các đối tượng quần chúng để hành động ứng xử theo các giá trị chuẩn mực xã hội.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, tiếp tục thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.
Phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tích cực xóa đói giảm nghèo, là yếu tố quan trọng tạo ra động lực tâm lý tích cực để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong xây dựng văn minh đô thị. Các quy ước ở khu dân cư, khu phố là yếu tố ràng buộc mọi người dân trong chấp hành các chuẩn mực chung của cộng đồng. Các tổ chức chính trị - xã hội phải thường xuyên giáo dục, thuyết phục các hộ dân, đoàn viên, hội viên thực hiện các quy định chung của cộng đồng. Tạo ra dư luận rộng rãi trong nhân dân, sự đồng thuận xã hội lên án các hành vi lệch chuẩn, trái với các quy ước đã được ban hành. Khi người dân có cuộc sống ngày một nâng lên thì họ sẽ có ý thức và thái độ hành vi tích cực về xây dựng văn hoá đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái, thay đổi nếp tư duy cũ không còn phù hợp với lối sống mới, đáp ứng yêu cầu chung của đô thị văn minh hiện đại. Trong quá trình phát triển đô thị, bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng thì việc tổ chức đời sống văn hoá là vô cùng quan trọng, tạo cho con người có lối sống và nếp sống phù hợp với môi trường mới.
Thống nhất trong chỉ đạo điều hành về các chủ trương, chính sách phát triển đô thị, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội.
Kế hoạch phát triển và quản lý đô thị phải phù hợp với thực tế. Các cấp chính quyền phải thống nhất nhận thức và hành động trong xây dựng văn minh đô thị, xây dựng ý thức và hành vi pháp luật cho nhân dân. Kết hợp đồng bộ các biện pháp tác động đến mọi đối tượng quần chúng: Giáo dục, tâm lý, kinh tế, đạo đức và hành chính. Tạo ra dư luận rộng rãi trong nhân dân, sự đồng thuận xã hội về ý thức chấp hành luật pháp trong quản lý đô thị và xây dựng văn minh đô thị thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước...
Phạm Văn Tản (TP Hạ Long)
Theo baoxaydung.com.vn