Dù đã có một bảo tàng được xây dựng công phu trong nhiều năm, sử dụng nhiều loại vật tư, vật liệu quý hiếm; tỉnh Phú Thọ vẫn tìm mọi cách để đầu tư xây dựng một bảo tàng Hùng Vương nữa ngay tại TP Việt Trì.
Bảo tàng Hùng Vương đặt tại Đền Hùng được xây dựng năm 1986 và khánh thành ngày 28/3/1993.
Trong một bài viết đăng trên báo Pháp Luật& Xã hội tháng 10/2010, Giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ Ngọc Ân đã “dọn đường” cho việc khánh thành Bảo tàng Hùng Vương mới được xây dựng trên diện tích hơn 15.000m2, quy mô đầu tư xây dựng nhà 3 tầng, diện tích sàn là hơn 9.000m2 với tổng mức đầu tư trên 165 tỷ đồng như sau: “Để bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống, giáo dục nhân dân về lòng tự hào dân tộc; phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa để sáng tạo những giá trị nhân văn thể hiện tầm cao của thời đại và chiều sâu của lịch sử là việc làm vừa có tính lâu dài, vừa có tính cấp bách. Xuất phát từ yêu cầu đó, Tỉnh ủy, HĐND – UBND tỉnh Phú Thọ chủ trương đầu tư xây dựng Bảo tàng Hùng Vương thành một trong những bảo tàng có quy mô kiến trúc hiện đại tại khu vực phía Bắc. Bảo tàng là nơi lưu giữ hiện vật lịch sử và nghiên cứu khoa học, là “trường học” cho các thế hệ sau về truyền thống dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm oanh liệt của dân tộc”.
Khánh thành Bảo tàng Hùng Vương mới.
Theo đó, Bảo tàng Hùng Vương mới được khởi công xây dựng ngày 1/1/2008, và khánh thành, đưa vào sử dụng từ ngày 14/4/2010.
Kiến trúc chung của Bảo tàng Hùng Vương mới có 3 tầng khối hình vuông, có mái dốc 4 phía bằng bê tông cốt thép, dán ngói mầu đỏ. Hình thức kiến trúc mô phỏng một ngôi nhà sàn của cư dân vùng bắc bộ.
Theo Quyết định số 4053/QĐ-UBND ngày 6/12/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Bảo tàng Hùng Vương (mới) đặt tại phường Gia Cẩm, TP. Việt Trì là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở VH-TT&DL, có chức năng nghiên cứu, giáo dục khoa học thông qua hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền phát huy tác dụng các di sản lịch sử văn hóa và thiên nhiên phù hợp với các loại hình, tính chất và nội dung của bảo tàng.
Bảo tàng Hùng Vương mới được xây dựng trên diện tích hơn 15.000 m2, với tổng mức đầu tư trên 165 tỷ đồng.
Quả thật, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ không nhớ vì nhiều việc còn có lý, còn ông Giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ chóng quên thì khó có thể chấp nhận được, bởi trên địa bàn tỉnh này đã và đang tồn tại một Bảo tàng Hùng Vương khác nằm cách bảo tàng mới xây dựng chỉ vài km. Không những thế, Bảo tàng Hùng Vương (cũ) này trước khi cùng với Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được chuyển về trực thuộc UBND tỉnh Phú Thọ đã trực thuộc sự quản lý, điều hành của Sở VH-TT&DL Phú Thọ nhiều năm liền.
Đó là Bảo tàng Hùng Vương đặt tại vị trí trang trọng cách cổng Đền Hùng 100 m tại xã Hy Cương, TP.Việt Trì được xây dựng năm 1986 và chính thức khánh thành ngày 28/3/1993. Bảo tàng do Hội kiến trúc sư Việt Nam thiết kế phỏng theo truyền thuyết bánh Chưng, bánh Dầy phản ánh quan niệm của người Việt cổ về vũ trụ trời tròn, đất vuông gồm hai tầng, với diện tích xây dựng gần 2 nghìn m2 .Đó là công trình quốc gia xây dựng công phu trong nhiều năm, sử dụng nhiều loại vật tư, vật liệu quý hiếm. Bảo tàng có gần 700 hiện vật gốc, trên tổng số hơn 4.000 hiện vật có trong Bảo tàng, 162 bức ảnh, 4 bức tranh gốm, 5 bức tranh sơn mài, 9 bức gò đồng, 5 hộp hình, một nhóm tượng lớn và nhiều hiện vật khác được trưng bày đã khắc hoạ chủ đề tổng quát: “Các Vua Hùng dựng nước Văn Lang trên mảnh đất Phong Châu lịch sử”.
Bảo tàng được trưng bày với ba chủ đề chính: giới thiệu giai đoạn văn hoá Hùng Vương bằng các hiện vật liên quan đến thời đại Hùng Vương tìm được trên đất Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Giới thiệu việc hình thành khu di tích Đền Hùng và ý thức xây dựng khu di tích Đền Hùng của nhân dân cả nước. Tình cảm của nhân dân, sự quan tâm của người đứng đầu Nhà nước phong kiến trước đây, của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng ngày nay đối với Đền Hùng.
Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL của Bộ BVHTTDL.
Tại khoản 3, điều 2, Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010 của Bộ VH-TT&DL Quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng quy định rất rõ: “Tên của bảo tàng không được trùng với tên bảo tàng đã được cơ quan có thẩm quyền thành lập hoặc cấp giấy phép hoạt động”.
Thế nhưng, không hiểu vô tình hay hữu ý trên địa bàn TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến giờ vẫn hiện hữu hai bảo tàng mang tên Hùng Vương. Sự nhập nhằng này nhằm đánh lừa du khách hay còn nhằm một mục đích nào khác đang là vấn đề mà người dân Phú Thọ quan tâm và rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ.
Hoa Linh Lan
Theo baoxaydung.com.vn