Đua voi
17 năm là thành viên chính thức của Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP), nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam lần đầu đứng ở vị trí cao nhất trên bục vinh quang trong một cuộc thi uy tín bậc nhất của tổ chức nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế này. Và thành công đó được đánh giá là nhờ biết khai thác, chắt lọc và phát huy những đặc trưng của truyền thống văn hóa dân tộc.
Năm 2008 trở thành một mốc son trên chặng đường hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển của nền nghệ thuật nhiếp ảnh nước nhà, khi bộ ảnh đen trắng của Việt Nam đã vượt qua 45 bộ ảnh của 45 quốc gia khác, giành cúp thế giới FIAP 2008 trong cuộc thi ảnh đen trắng do Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) tổ chức định kỳ hai năm một lần. Với 219 điểm có được từ một hội đồng giám khảo quốc tế uy tín, bộ ảnh đen trắng 10 tấm của Việt Nam đã có một khoảng cách 16 điểm, hơn bộ ảnh đoạt Huy chương vàng để đứng ở vị trí thứ nhất một cách thuyết phục.
Từ các tác phẩm ảnh nghệ thuật xuất sắc trong cả nước gửi về Hội đồng nghệ thuật, 10 tác phẩm: Nương tựa của tác giả Trần Phong; Ðua voi của Tam Thái; Mắt biếc của Hoàng Quốc Tuấn; Ban mai của Ngọc Thái; Khúc đồng dao của Ngô Huy Tịnh; Sức sống của Bảo Hưng; Gọi mùa của Chính Hữu; Trang sức của Lê Quang Phúc; Trẻ em vùng cao của Nguyễn Long và Cùng thưởng thức của Vương Quốc Kim đã được chọn góp mặt trong bộ ảnh dự thi với chủ đề: "Nếp văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số Tây Nguyên Việt Nam". Chính việc chọn lựa chủ đề này được đánh giá là mấu chốt quan trọng đem lại thành công lớn cho ảnh nghệ thuật Việt Nam trong cuộc thi năm nay.
Ðây là lần đầu sau chín lần góp mặt tại một cuộc thi uy tín tầm cỡ quốc tế, Việt Nam mới vinh dự đứng đầu và giành cúp thế giới FIAP. Tuy nhiên trước đó, năm 1998 Việt Nam đã có một huy chương bạc với bộ ảnh mang chủ đề Yếu tố con người. Vào năm 2006 trong cuộc thi lần thứ 28 được tổ chức tại Thành Ðô (Trung Quốc) Việt Nam giành huy chương vàng với bộ ảnh mang chủ đề Cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam và tác phẩm ảnh đơn Lưới cá trên sông của nữ nhiếp ảnh gia Võ Thị Cúc được trao huy chương bạc.
Những thành công mà nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam từng có đều xuất phát từ việc khai thác sâu sắc đề tài con người, trong những không gian văn hóa truyền thống và với góc nhìn đậm chất nhân văn. Bộ ảnh đen trắng "Nếp sống văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số Tây Nguyên" tham dự cuộc thi năm nay thành công cũng chính là sự phát triển tốt hơn hướng đi đúng đắn đó. Bộ ảnh năm nay không có giải thưởng cho ảnh đơn, nhưng có lẽ chính điều này cũng là một yếu tố giúp bộ ảnh thành công. Và như nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nhận xét "Mười tác phẩm ảnh nghệ thuật này đã cùng nhau tạo thành một tác phẩm nghệ thuật lớn, bởi tính thống nhất trong sáng tạo nghệ thuật và sự đồng đều của từng tác phẩm nhỏ".
Phần thưởng lớn mà bộ ảnh đen trắng của Việt Nam có được Cúp thế giới FIAP 2008 đã được ông Chủ tịch FIAP trao cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Ðại hội lần thứ 29 của FIAP tổ chức tại Zilina (Xlô-va-ki-a). Vinh dự hơn, cũng tại Ðại hội này, toàn thể đại biểu tham dự đã nhất trí bầu Việt Nam là nước đăng cai tổ chức Ðại hội Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP lần thứ 30 vào năm 2010. Ðây là vinh dự lớn, là trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng là niềm tự hào của đội ngũ nhiếp ảnh Việt Nam. Chính tài năng, niềm say mê sáng tạo nghệ thuật và truyền thống văn hóa dân tộc đã giúp họ tạo lập, khẳng định một vị trí xứng đáng của nhiếp ảnh Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.
KIỀU TRANG (ND)
Theo baoxaydung.com.vn