Thứ tư 01/05/2024 11:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Mộc Châu (Sơn La): Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch

15:11 | 14/12/2022

(Xây dựng) - Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, với 12 dân tộc mang bản sắc khác nhau, Mộc Châu từ lâu đã xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn của huyện. Trong đó, hình thức du lịch trải nghiệm cộng đồng tại các bản đang là một trong những thế mạnh của huyện để vừa hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới vừa góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho các đồng bào dân tộc.

Mộc Châu (Sơn La): Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch
Mộc Châu xây dựng du lịch cộng đồng thành sản phẩm du lịch thế mạnh.

Huyện Mộc Châu hiện có 2 thị trấn và 13 xã, khu vực nông thôn có đến 88,3% diện tích đất nông nghiệp, người dân khu vực nông thôn chiếm xấp xỉ 60%, số đơn vị hành chính cấp xã cao. Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công cuộc xây dựng nông thôn mới của Mộc Châu đã có nhiều thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; diện mạo nông thôn khởi sắc và liên tục phát triển. Đến nay, Mộc Châu có 7/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bình quân mỗi xã đạt 15,84 tiêu chí nông thôn mới.

Du lịch trải nghiệm làm “bàn đạp” xây dựng nông thôn mới

Với nền sinh thái nông nghiệp tốt, nhiều dân tộc với những bản sắc văn hóa phong phú là những lợi thế quan trọng để Mộc Châu phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Các bản du lịch cộng đồng bản Áng, xã Đông Sang; bản Dọi, xã Tân Lập được huyện huy động các nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, Mộc Châu phối hợp với Dự án GREAT trong khuôn khổ thỏa thuận tài trợ giữa Chính phủ Việt Nam và Australia do UBND tỉnh Sơn La và Đại sứ Australia tại Việt Nam triển khai Dự án hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp tại bản Dọi (xã Tân Lập), bản Vặt (xã Mường Sang) và bản Áng (xã Đông Sang), gồm: Cho vay vốn sửa chữa, nâng cấp homestay, phát triển sinh kế; tập huấn nâng cao năng lực cho các hộ làm du lịch cộng đồng; phát triển các sản phẩm du lịch. Qua đó, tổ chức triển khai ý tưởng “Không gian văn hóa bản Áng - Chợ phiên trải nghiệm văn hóa người Thái”; thực hiện Dự án “Quản lý toàn diện điểm đến du lịch” gồm xây dựng khu phố đi bộ - chợ đêm.

Mộc Châu (Sơn La): Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch
Một khu nghỉ dưỡng tại bản Áng.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết: “Trong những năm vừa qua, chúng tôi xác định du lịch là mũi nhọn để phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Mỗi dân tộc trên địa bàn đều có bản sắc riêng. Trên cơ sở Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chúng tôi thấy kết hợp xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch cộng đồng có hiệu quả rất cao. Bản thân các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt được đáp ứng yêu cầu xây dựng bản làng cộng đồng. Như vậy, chúng ta có thể đạt được hai mục đích hoàn thành mục tiêu nông thôn mới và thu hút khách du lịch để nâng cao đời sống người dân”.

Những năm qua, cùng với triển khai các dự án du lịch, Mộc Châu còn đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp tương hỗ cho phát triển du lịch, như: Xây dựng mô hình tham quan bò sữa, đồi chè; khuyến khích người nông dân trồng, khai thác dịch vụ thăm quan hoa cải, hoa tam giác mạch, trồng đào, mận; khuyến khích cơ sở kinh tế xây dựng các mô hình mẫu cho phát triển du lịch, như: Mô hình tham quan trang trại trồng trọt, chăn nuôi, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch cây ăn quả, cây hoa cảnh. Bên cạnh đó là việc xây dựng thương hiệu, bộ nhận diện sản phẩm, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản của địa phương, như: sản phẩm chè, sản phẩm sữa; các loại quả mận, bơ, hồng giòn; hình thành 10 khu vườn cây ăn quả mẫu cho các loại quả đặc trưng ở Mộc Châu...

Mộc Châu (Sơn La): Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch
Mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch đã làm tươi mới các bản làng Mộc Châu.

“Để phát triển giữa du lịch và nông thôn mới cần phải nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân. Bản thân người dân cũng thấy đây là mô hình rất thiết thực khi mà bản làng đạt tiêu chí nông thôn mới theo quy định thì chính bản làng đó sẽ sạch đẹp hơn, gọn gàng hơn, văn minh hơn. Từ đó, sẽ kết hợp với việc đưa khách du lịch đến, người dân sẽ có thêm thu nhập thông qua các sản phẩm dịch vụ”, bà Nguyễn Thị Hoa chia sẻ.

Thông qua các hoạt động du lịch, giá trị sản phẩm được quảng bá rất nhiều, đời sống nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,8%, đây chính là thước đo quan trọng để đánh giá du lịch đóng góp rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mộc Châu.

Nông nghiệp xanh để “thảo nguyên mãi xanh”

Từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước thực hiện các mô hình điểm kết hợp với công tác tuyên truyền vận động, hiện phong trào sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ được các hộ dân ở Mộc Châu nhiệt tình hưởng ứng và triển khai sử dụng các loại chế phẩm sinh học ủ phân hữu cơ, sử dụng các loại phân bón hữu cơ.

Toàn huyện đã có gần 180 tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện tích sản xuất gần 1.100ha; có khoảng 2.100 tổ chức, cá nhân là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình thực hiện ủ phân hữu cơ vi sinh tại vườn, với khối lượng khoảng trên 4.200 tấn; có gần 3.000 cơ sở sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt, trong đó có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã và 2.911 hộ dân; trên 51% với tổng lượng phân bón đã sử dụng là phân hữu cơ; trên 41% lượng thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng là thuốc có nguồn gốc sinh học. UBND huyện Mộc Châu đã định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển 8 điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ cung cấp ra thị trường các sản phẩm nông sản sạch, an toàn, góp phần củng cố, nâng cao thương hiệu và quảng bá sản phẩm nông sản Mộc Châu.

Mộc Châu (Sơn La): Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch
Mộc Châu - “Thảo nguyên mãi xanh”.

Ban Thường vụ Huyện ủy Mộc Châu thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu trên địa bàn, theo đó: Thường xuyên chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình sản xuất các loại nông sản chính của huyện và hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ theo nhu cầu của các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể, siêu thị, cửa hàng. Tổ chức thúc đẩy hỗ trợ liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị khép kín.

Ông Long Trung Tâm, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết: UBND huyện tập trung định hướng, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho các nhà máy trong và ngoài tỉnh Sơn La, như: Phát triển vùng nguyên liệu cây ngô để cung cấp cho đàn bò sữa của Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; vùng nguyên liệu cây chanh leo, dứa Queen, ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương rau và liên kết tiêu thụ các loại quả xoài, nhãn phục vụ chế biến để cung cấp cho Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La; vùng nguyên liệu cây bắp cải, cải thảo, rau cải, hành lá, cà rốt cung cấp cho Nhà máy chế biến của Công ty TNHH IC FOOD Sơn La; vùng nguyên liệu cây Gai xanh AP1 để cung cấp cho Nhà máy chế biến của Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa...

Với cách triển khai bài bản, đồng bộ và nhiều kết quả quan trọng đã đạt được, tập thể lãnh đạo và nhân dân huyện Mộc Châu tin tưởng đến năm 2025, huyện Mộc Châu cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới theo đúng lộ trình đã đề ra.

Tuấn Nghĩa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load