Thế mạnh của miền Nam so với các trung tâm logistics khác là sự tăng trưởng của sản xuất nội địa, do đó có thể trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhắc lại bảng xếp hạng hiệu suất cảng container của World Bank năm 2021, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết Cái Mép xếp thứ 11 trên thế giới. Trong khi đó, World Shipping Council cũng ghi nhận công suất cảng ở TP.HCM đạt 7,2 triệu TEU, đứng thứ 9 toàn cầu.
Năm 2020, cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải tiếp nhận thành công siêu tàu container Margrethe Maersk dài gần 400 m, trọng tải hơn 214.000 DWT và có thể chở đến 20.000 TEU. Đây là bước ngoặt trong ngành vận tải Việt Nam, khi lần đầu tiên các hãng có thể cung cấp dịch vụ trực tiếp tới Bắc Mỹ và châu Âu mà không cần đến các tàu gom để kết nối với những trung tâm trung chuyển của khu vực như Singapore hay Hong Kong.
"Nếu so sánh các cảng ở miền Nam Việt Nam với Singapore hay Hong Kong, sản lượng hiện tại của chúng ta chưa bằng, nhưng chúng ta không chỉ là cảng nước sâu có thể làm nơi trung chuyển các siêu tàu như họ, mà còn là công xưởng sản xuất của khu vực và thế giới.
Chúng ta hội đủ nhiều yếu tố 'vàng' để trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa toàn cầu, kết hợp với năng lực sản xuất nội địa để là một mắt xích không thể tháo rời trong chuỗi cung ứng thế giới", bà Trang Bùi nhấn mạnh.
Miền Nam Việt Nam có gì?
Giai đoạn 2017-2021, trong khi các quốc gia khác ở ASEAN chỉ đạt mức tăng trưởng GDP trung bình khoảng 1-3%, Việt Nam ghi nhận mức tăng bình quân 5,4%/năm, trong đó vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp trên dưới 30%.
Xét về tổng giá trị xuất nhập khẩu, năm 2021 Việt Nam cũng chỉ đứng sau Singapore. Là trung tâm phát triển công nghiệp đầu tiên, miền Nam tập trung số lượng lớn các ngành nghề truyền thống như cao su, nhựa, dệt may... và đóng góp nổi trội cho thương mại cả nước những năm qua.
Theo báo cáo của Cushman & Wakefield, các tỉnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu hiện cung ứng ra thị trường hơn 25.000 ha nguồn cung đất công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy lên đến 89%. Giá thuê trung bình đạt 135 USD/m2/kỳ hạn thuê.
Dưới tác động của đại dịch và các bất ổn địa chính trị toàn cầu, Việt Nam nổi lên như một ngôi sao sáng, thu hút nhiều doanh nghiệp quốc tế. FDI tăng mạnh vào công nghiệp tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhà xưởng và nhà kho xây sẵn.
Không riêng gì chủ đầu tư và quỹ đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước cũng năng động với phân khúc này, với các tên tuổi lớn như Long Hậu hay Sonadezi đã tham gia thị trường từ sớm, và gần đây nhất là các dự án của chủ đầu tư KCN Việt Nam với 6 dự án khắp cả nước.
Tính đến hết quý I, tổng nguồn cung nhà xưởng xây sẵn miền Nam đạt 4,2 triệu m2 và nhà kho xây sẵn là 3,9 triệu m2, có giá thuê dao động từ 3,5-6 USD/m2/tháng.
Khu nhà kho xây sẵn tại một khu công nghiệp ở Bình Dương. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Với sự phát triển của các ngành sản xuất và thương mại, khu vực phía Nam hiện có khoảng 110 bến cảng, trong đó đã hình thành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, các bến chuyên dùng quy mô lớn gắn liền với các khu công nghiệp, liên hợp luyện kim, lọc hoá dầu, trung tâm nhiệt điện thân nhận tàu.
Cushman & Wakefield dự báo công suất các cảng tại miền Nam trong 3 năm tới sẽ đạt gần 22 triệu TEU/năm, từ 2030 trở đi vượt 38,5 triệu TEU/năm. Mới đây, UBND TP.HCM cũng có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất dự án đầu tư cảng trung chuyển container quốc tế tại huyện Cần Giờ có công suất thiết kế 10-15 triệu TEU, tổng chiều dài bến chính khoảng 7,2 km, với tổng nguồn vốn 6 tỷ USD.
Hạ tầng logistics có theo kịp?
Tuy nhiên, bà Trân Huỳnh - Giám đốc điều hành KCN Việt Nam - cho rằng hệ thống chuỗi cung ứng miền Nam vẫn còn nhiều lỗ hổng cần được giải quyết.
“Chúng tôi ghi nhận số lượng doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là giai đoạn hậu Covid-19. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư vẫn còn trì hoãn vì tình trạng thị trường bất ổn trên toàn cầu, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa kết nối tại miền Nam, chi phí vận chuyển tăng cao, thủ tục phê duyệt kéo dài và việc thiếu nguồn nhân lực tay nghề cao,” bà Trân Huỳnh chia sẻ.
Hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối ở miền Nam được đánh giá còn nhiều điểm cần giải quyết. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Phân tích chi tiết hơn, bà Trang Bùi cho biết mạng lưới đường bộ đang đóng vai trò kết nối chính giữa các vùng công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu, đầu mối quan trọng, trong đó nhiều tuyến đường cao tốc và vành đai đã và đang được triển khai.
Tuy nhiên, một số tuyến đường cao tốc quan trọng có nhu cầu lớn, các tuyến quốc lộ song hành đã quá tải, thường xuyên tắc nghẽn, khiến thời gian vận tải container đến cảng biển chính phải mất hơn 2 giờ đồng hồ.
"Chiều dài đường cao tốc còn thấp so với các nước phát triển, mật độ phân bổ chưa đồng đều giữa các khu vực, một số trục đường có nhu cầu vận tải lớn vẫn còn bị trì hoãn như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Mộc Bài, các đường cao tốc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các đường vành đai 3 và 4", vị chuyên gia tại Cushman & Wakefield nói thêm.
Trong bối cảnh việc mở rộng, nâng cấp hệ thống đường bộ cần nhiều năm, bà Trang Bùi kiến nghị trước mắt có thể cải tạo mạng lưới đường sông, cảng sông kết nối với các cảng biển chính. Hiện khu vực miền Nam đã có hơn 6.500 km sông kênh với 6 tuyến vận tải đường thủy đang được khai thác, vận hành trên 2 hệ thống sông chính là sông Đồng Nai và sông Cửu Long.
Còn về lâu dài, để tăng tính cạnh tranh với các vùng kinh tế khác trong nước và trong khu vực, bà Trân Huỳnh cho rằng miền Nam cần gấp rút phát triển song song cơ sở hạ tầng chất lượng cao và lực lượng doanh nghiệp cung ứng vừa và nhỏ, bên cạnh nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp nội địa.
Theo Lan Anh/Zing.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/mien-nam-co-the-canh-tranh-logistics-voi-singapore-hong-kong-post1334932.html