(Xây dựng) - Mekong Group đã tạo dấu ấn của riêng mình trên thị trường bất động sản với việc triển khai loạt dự án tầm cỡ, nổi bật là Dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2 (La Celia City).
Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông (Mekong Group – mã chứng khoán: VC3) tiền thân là Công ty Xây dựng số 3 (Vinaconex 3) là thành viên của Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
Doanh nghiệp được cổ phần hóa từ năm 2002, là chủ đầu tư các dự án Khu dân cư Vinaconex 3 – Phổ Yên (Thái Nguyên), Khu biệt thự nhà vườn Đại Lải (Vĩnh Phúc), hay Khu đô thị Trung Văn (Hà Nội). Tuy vậy, việc triển khai các dự án tầm trung ở khu vực phía Bắc chưa thể giúp Vinaconex 3 ghi dấu trên “bản đồ” bất động sản cả nước. Rồi khi Vinaconex chuyển mình, Vinaconex 3 cũng “nhạt dần”.
Sự xuất hiện của Mekong Group vào năm 2019 mở ra chương mới trong lịch sử hoạt động của VC3. “Dứt tình” với tên gọi cũ, Vinaconex 3 đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông (Mekong Group). Thay vì triển khai những dự án nhỏ, Mekong Group chuyển hướng sang phân khúc bất động sản hạng sang, phát triển những khu đô thị tầm cỡ và đẳng cấp.
Xuôi theo làn sóng đầu tư, Mekong Group tìm đến các thị trường ngách, chọn những dự án có vị trí tiềm năng và dư địa tăng trưởng tốt. Họ vươn tới Quảng Bình – nơi thị trường địa ốc vẫn còn nhiều dư địa phát triển, đồng bộ về hạ tầng, kiến trúc và công trình du lịch.
Vượt khó
Mekong Group là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2 (tên thương mại: La Celia City), tọa lạc tại bán đảo Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Dự án bên bờ sông Nhật Lệ có tổng vốn đầu tư hơn 5.500 tỉ đồng. Các kiến trúc sư của Contech và DK.Laud Architects & Consultants đã “khoác” lên La Celia City một phong cách đơn giản, tinh tế và sang trọng, với tầm nhìn ôm trọn bãi biển Bảo Ninh.
Thay vì chỉ phân lô bán nền, La Celia City đã được chủ đầu tư xây thô hoàn thiện mặt ngoài, có đầy đủ các tiện ích cảnh quan như: Quảng trường nhạc nước, hồ cảnh quan, công viên cây xanh…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Mekong Group cũng gặp không ít khó khăn và thách thức. Đại dịch Covid-19 như một bước cản vào tham vọng vươn tầm của công ty, nhưng dù có khó khăn trong giai đoạn giãn cách, thì dự án vẫn được thi công, hoàn thiện và về đích đúng tiến độ.
Đến cuối năm 2022, Mekong Group cũng như nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khi chính sách tiền tệ thắt chặt. Chính sách tín dụng đối với bất động sản bị hạn chế, ảnh hưởng đến việc huy động vốn để phát triển dự án của chủ đầu tư. Trong khi, các khách hàng có nhu cầu mua nhà nhưng hạn chế về tài chính lại không thể tiếp cận được nguồn vốn vay. Lãi suất vay đối với bất động sản tăng vọt làm giảm đáng kể nhu cầu mua bất động sản.
Tuy nhiên, nhờ nỗ lực của chủ đầu tư, từ cuối năm ngoái, các sản phẩm hoàn thiện đầu tiên của La Celia City đã được bàn giao cho khách hàng. Đến thời điểm hiện tại, các hạng mục cảnh quan của dự án đã và đang được chủ đầu tư gấp rút hoàn thiện.
Mekong Group vươn mình vượt qua khó khăn thách thức
La Celia City với vị trí đắc địa tại bán đảo Bảo Ninh đã mang lại “trái ngọt” cho Mekong Group từ quý IV/2022, với khoản lãi kỷ lục gần 80 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Mekong Group tiếp tục ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng bằng lần so với cùng kỳ, lần lượt ở mức 191 tỉ đồng và 24 tỉ đồng, chủ yếu phát sinh từ việc bàn giao sản phẩm bất động sản thuộc Dự án La Celia City.
Tại Việt Nam, một đặc điểm phổ biến của doanh nghiệp bất động sản là việc sử dụng đòn bẩy để phát triển dự án. “Khát” vốn, giai đoạn 2020 – 2022, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tìm đến kênh trái phiếu, rồi chìm sâu vào bĩ cực sau những biến động của thị trường tài chính. Mekong Group đã vượt qua “khủng hoảng” trên nhờ sức hút của La Celia City và hướng đi của riêng mình.
Tính đến cuối quý II/2023, Mekong Group ghi nhận 1.071,8 tỉ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn. Đây là số tiền khách hàng đã nộp theo tiến độ hợp đồng mua bán dự án La Celia City. Bằng sự linh hoạt huy động các nguồn tài chính, Mekong Group có sự đồng hành của các nhà băng hàng đầu, nổi bật là Techcombank. Mekong Group đã phát hành tăng vốn thành công, nhằm huy động vốn cho Dự án La Celia City. Sau thương vụ này, vốn điều lệ của Mekong Group vượt mốc 1.000 tỉ đồng.
La Celia City là khởi đầu trong hành trình phát triển của Mekong Group trong giai đoạn mới. Các dự án mang tính biểu tượng mà doanh nghiệp triển khai được mong đợi, sẽ đặt ra những tiêu chuẩn và sức hút mới cho thị trường bất động sản nơi họ đặt chân đến. Đồng thời, cũng sẽ tạo ra việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp vào sự thịnh vượng của cộng đồng.
Được biết, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Mekong Group đã đặt mục tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 1.873 tỉ đồng và 434,8 tỉ đồng; chia cổ tức tỉ lệ 40%. Coi việc đa dạng hóa địa bàn phát triển dự án bất động sản là một trong yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững, Mekong Group sẽ tiếp tục đặt chân tới những “điểm nóng” của thị trường bất động sản như Bình Định, Đà Nẵng.
Ban lãnh đạo của Tập đoàn cho biết sẽ vẫn tập trung vào thị trường mục tiêu ở Quảng Bình, triển khai Dự án La Celia City, Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ và nhà ở Đồng Hới và dự án The Charms (Bình Dương). Đây cũng là các dự án “gối đầu” của Mekong Group trong năm 2024.
Khôi Nguyên
Theo