Nhóm tác giả của Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TPHCM, vừa có nghiên cứu về sự tồn tại của hành vi nghiện cờ bạc của một số nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn dịch Covid-19. Theo đó, dựa trên bộ dữ liệu bao gồm 214 quan sát từ các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường, qua tổng hợp và phân tích bằng mô hình hồi quy, cho thấy hơn 58% số nhà đầu tư có hành vi nghiện giao dịch tương tự như những người nghiện cờ bạc.
Kết quả phân tích cũng cho thấy nhà đầu tư có những triệu chứng nghiện giao dịch thường gặp nhiều vấn đề về tài chính hơn, và có xu hướng đầu tư vào các sản phẩm phái sinh trong danh mục nhiều hơn nhóm khác.
Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính trong đó giá trị phụ thuộc vào tài sản cơ sở, tồn tại với 4 loại hợp đồng chính là kỳ hạn, tương lai, quyền chọn và hoán đổi. Ở Việt Nam, loại sản phẩm phái sinh được nhắc đến là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30 (phụ thuộc vào biến động của rổ chỉ số VN30 trên thị trường cơ sở). Sự ra đời của sản phẩm phái sinh được coi như một công cụ phòng thủ dành cho nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường gặp rủi ro. Theo đó, nếu nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ở thị trường cơ sở thì họ sẽ mua sản phẩm phái sinh để giảm thiểu thiệt hại cho tổng giá trị tài sản khi chỉ số đi xuống.
Điểm hấp dẫn của chứng khoán phái sinh là ở chỗ được giao dịch mua bán ngay (T0), trong khi chứng khoán cơ sở lại hạn chế với việc trả tiền trước và 3 ngày sau cổ phiếu mới về tài khoản (T+3). Chính vì vậy, với những người chơi mang tính chất kiếm lãi nhanh, mua nhanh - bán nhanh, họ sẽ có hứng thú với phái sinh hơn.
Việc "bám" bảng điện hàng ngày trở thành thói quen của bộ phận lớn nhà đầu tư chứng khoán hiện nay (Ảnh minh họa: Hữu Khoa). |
Cần phải nhấn mạnh rằng, việc kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán dù dưới hình thức nào, nếu thực hiện theo đúng pháp luật thì vẫn luôn là một mục tiêu chính đáng, được tôn trọng và được pháp luật thừa nhận.
Thị trường không phải chỉ có những nhà đầu tư dài hạn coi cổ phiếu như một tài sản để nắm giữ lâu dài thay vì gửi tiết kiệm, mà nhu cầu đầu cơ, lướt sóng, mua đi bán lại (trading) cũng rất phổ biến, thậm chí chiếm tỉ lệ lớn. Dù có thể rất nhiều người thần tượng Warren Buffett - một nhà đầu tư lỗi lạc với phong cách "đầu tư giá trị" - nhưng hầu như chẳng mấy ai làm theo được. Rất nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam không nắm giữ cổ phiếu đủ 6 tháng, một năm huống hồ là 5 đến 10 năm như Warren Buffett.
Nhà đầu tư ở ta nhiều người không gọi "đầu tư chứng khoán" mà "đánh" hay "chơi chứng khoán" - chính cách gọi này cũng thể hiện rõ về quan niệm nắm giữ ngắn hạn, coi việc đầu tư như một "trò chơi trí tuệ", nếu có thể kiếm lãi thì ở lại, còn hết cơ hội sẽ rời đi. Gọi là "chơi" nhưng trò chơi này lại không phải là thú vui giải trí, vì được - mất đều là "tiền tươi, thóc thật". Chính vì vậy, hầu hết nhà đầu tư có thói quen giao dịch thường xuyên, việc bám bảng điện, theo dõi sắc màu xanh đỏ nhấp nháy chiếm rất nhiều thời gian trong ngày.
Tôi có người bạn làm văn phòng tâm sự rằng, từ hồi biết đến chứng khoán, việc "trading" trở thành một thói quen, ngày nào cũng phải mua mua- bán bán một vài mã cổ phiếu. Cứ 9h sáng từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần là ngồi "canh bảng" và dựa vào phân tích kỹ thuật để "lướt sóng", đến thứ 7, chủ nhật, tâm trạng lại cứ bồn chồn không yên, hết lo giá dầu đến chỉ số Dow Jones tận nước Mỹ. Tôi nói nửa đùa nửa thật với bạn, rằng, việc canh bảng thường xuyên như vậy là hành vi "gian lận", "tham nhũng" thời gian của cơ quan. Và có lẽ còn vô số nhà đầu tư nghiệp dư khác cũng như bạn tôi - vốn đang làm các công việc khác như nhân viên văn phòng hay công chức Nhà nước…
Đứng trên góc độ tích cực thì hoạt động mua - bán thường xuyên như vậy sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường, cũng là nguồn thu nhập của nhân viên môi giới và các công ty chứng khoán. Điều này lý giải vì sao trong 2 năm Covid, với sự gia nhập mạnh mẽ của cộng đồng nhà đầu tư cá nhân, thanh khoản thị trường lại tăng vọt như vậy, từ mức bình quân dưới 10.000 tỷ đồng có những thời điểm vượt mốc 50.000 tỷ đồng/phiên.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc mua đi bán lại, "nhảy nhót" thường xuyên trên thị trường khó mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư, thậm chí nếu trừ đi tổng phí giao dịch thì có thể thua lỗ. Ngay cả với chứng khoán phái sinh, dễ mua dễ bán là vậy nhưng như giới chuyên gia từng nhiều lần cảnh báo, đây là trò chơi có tổng bằng không (zero-sum game), có người lãi sẽ có kẻ lỗ, và nhà đầu tư nhỏ lẻ rất khó giành phần thắng.
Một đặc điểm của yếu tố "tâm lý cờ bạc" với nhà đầu tư trên thị trường hiện nay, nhất là bối cảnh mạng xã hội phát triển, chính là sự mọc lên của rất nhiều "room phím hàng". Các nhóm chat Zalo, Facebook, Telegram được lập nên do nhu cầu "hóng phím" rất lớn. Đến nỗi, vào bất cứ nhóm nào trong các cộng đồng đầu tư chứng khoán cũng sẽ có những bình luận với nội dung: "Xin 3 chữ cái", "nay đánh mã gì" v.v và v.v. Thế rồi mới có những vụ "lùa gà" kinh điển khiến không ít nhà đầu tư khuynh gia bại sản vì bỏ tiền đua lệnh mua cổ phiếu "nóng".
Cũng không thể trách nhà đầu tư khi mong cầu có thể làm giàu nhanh trên thị trường chứng khoán. Trong giai đoạn thị trường đi lên, cứ mỗi phiên cổ phiếu tăng trần trên các sàn HNX, UPCoM là đã có thể lãi 10-15%, thậm chí gấp đôi nếu cổ phiếu biến động từ giá sàn lên giá trần. So với lãi tiết kiệm, mức lãi trong phiên như vậy là quá kinh khủng!
Chính tâm lý làm giàu nhanh càng kích thích các nhà đầu tư ham giao dịch, chủ đích "đi săn" những cổ phiếu cho lãi ngắn hạn, bao gồm cả các cổ phiếu "rác", không có nền tảng nhưng được đồn là có "đội lái đánh lên".
Đến nay, trải qua cú lao dốc thảm khốc từ vùng đỉnh trên 1.500 điểm xuống sát 1.150 điểm, nhiều nhà đầu tư đã phải trả giá lớn vì thói quen "đua lệnh", nghe phím hàng. Cũng là "trading" nhưng trong nhịp hồi vừa qua của chỉ số, trong khi đã có nhà đầu tư kịp thời cơ cấu tài khoản, lấy lại giá vốn, thậm chí có lãi, thì rất nhiều trường hợp lỡ tin vào "phím" mà ôm cổ phiếu "rác", vũng lầy thua lỗ càng ngày càng sâu thêm.
Thị trường chứng khoán chưa bao giờ hết cơ hội, trong hàng trăm cổ phiếu trên sàn vẫn luôn có những cổ phiếu tốt. Xét về dài hạn, thị trường trong một quá trình đi lên tính bằng năm, bằng hàng chục năm, nhưng nếu nhà đầu tư cho rằng có thể kiếm lời nhanh một cách dễ dàng thì sẽ không tránh khỏi có lúc thất vọng, có lúc thiệt hại và thậm chí là "cháy tài khoản", phá sản.
Thay vì vội vã mua, vội vã bán để "giàu nhanh", nhà đầu tư nên dần quen và chấp nhận "giàu chậm" để kiềm chế việc đi lệnh mang tính chất "mua đuổi", "bán đuổi" như một cách "cai nghiện" vậy. Ngay cả với "chơi" ngắn hạn cũng nên nghiên cứu thật kỹ cổ phiếu, kiên trì chờ đợi điểm mua và có kế hoạch cắt lỗ, chốt lãi rõ ràng - "đánh chậm" và "thắng chắc", sự từ tốn có lẽ sẽ giúp chúng ta bớt được các quyết định sai lầm. Mong rằng kết quả nghiên cứu nêu trên của nhóm tác giả thuộc Khoa Ngân hàng, Đại học Kinh tế TPHCM, sẽ góp phần giúp nhận diện được các hành vi nghiện cờ bạc trên thị trường chứng khoán; đề ra khuyến nghị đối với nhà đầu tư cá nhân, công ty chứng khoán và cơ quan quản lý để giảm bớt tình trạng này.
Theo Bích Diệp/Dantri.com.vn
Link gốc: https://dantri.com.vn/blog/mau-me-co-bac-tren-thi-truong-chung-khoan-20220612214523010.htm