Thứ bảy 27/04/2024 12:25 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Lưu giữ giá trị kiến trúc độc đáo của người Nùng ở Bắc Giang

20:52 | 21/03/2024

(Xây dựng) - Là một bản làng nhỏ, nằm nép mình bên những sườn đồi quanh năm xanh mát, bản cổ Bắc Hoa, xã Tân Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) được biết đến với những ngôi nhà trình tường được làm bằng đất - một nét kiến trúc độc đáo của người dân tộc Nùng.

Lưu giữ giá trị kiến trúc độc đáo của người Nùng ở Bắc Giang
Những ngôi nhà trình tường với mái ngói âm dương tạo nên sự độc đáo cho bản Bắc Hoa.

Lục Ngạn là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang 40km về phía Đông Bắc. Nơi đây là địa bàn cư trú của 8 dân tộc anh em gồm: Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Sán Dìu, Hoa, Dao, Cao Lan; sinh sống đan xen ở các làng, bản tạo nên sự giao thoa văn hoá đặc sắc mà ít nơi nào có được. Trong số đó, bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn, một bản làng cổ, đại diện tiêu biểu cho những nét văn hóa đặc sắc của người Nùng, huyện Lục Ngạn.

Cách thành phố Bắc Giang khoảng hơn 100km, bản Bắc Hoa đẹp và bình dị như một cô gái miền sơn cước. Nơi đây được ôm trọn bởi những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, cùng những hàng cây xanh mát, tạo nên một khung cảnh nên thơ, trữ tình. Bắc Hoa có hơn 160 hộ gia đình, 100% là người Nùng. Các hộ dân sống rải rác bên những triền đồi bằng cách canh tác nông nghiệp, trồng cây ăn quả và một ít diện tích lúa, cây rau màu ngắn ngày.

Nằm sát con đường chính dẫn vào thôn là một xóm nhỏ với những ngôi nhà trình tường, với mái ngói âm dương đặc trưng. Đây là một xóm gồm 17 hộ gia đình, chủ yếu là anh em dòng tộc sống quây quần, hầu như những ngôi nhà ở đây không có sự ngăn cách, ranh giới chỉ được phân chia bằng lối đi chung, những hàng rào bằng tre, nứa, đá xếp chồng lên nhau hoặc chỉ bằng những luống hoa rực rỡ màu sắc.

Để làm được một ngôi nhà trình tường, người Nùng ở bản Bắc Hoa sẽ mất khoảng 3 năm để chuẩn bị và xây dựng. Trong đó, một năm để làm khung nhà bằng gỗ, năm thứ 2 làm ngói âm dương và năm thứ 3 làm trình tường.

Nét kiến trúc trong nếp nhà trình tường của người Nùng ở Lục Ngạn hết sức độc đáo. Các nguyên liệu để tạo dựng ngôi nhà đều được tận dụng từ những nguyên liệu sẵn có, cùng với thiết kế đơn giản. Ngôi nhà có bố cục mặt bằng hình chữ hình chữ nhật, 2 mái mái lợp bằng ngói âm dương làm từ đất sét, nung củi. Ngói được lợp một hàng sấp, một hàng ngửa với mật độ dày đặc cho nước thoát xuống rãnh; móng nhà sâu khoảng 50cm, xếp đá với đất sét, tro, vôi và mật mía để tạo độ liên kết; khung gỗ làm nhà thường được làm bằng gỗ lim, gỗ táu, kết cấu vì kèo theo kiểu thức kèo kìm quá giang gác tường.

Vật liệu để tạo nên những bức tường cho ngôi nhà cũng được người dân tận dụng tại chỗ, những nơi đất thịt có pha sỏi cơm sẽ được người dân đào lên, trộn với một lượng nước vừa đủ để tạo độ kết dính. Sau đó, đất sẽ được đổ vào khuôn gỗ rồi sử dụng chày gỗ lèn thật chặt sao cho đất kết dính chặt vào nhau, khi tháo khuôn ra sẽ tạo nên những bức tường khỏe và chắc chắn. Tường nhà thường dày khoảng 40– 50cm, cao từ 2–3m. Ngoài cửa chính, mỗi ngôi nhà có 2-4 ô cửa sổ nhỏ để thông gió và lấy ánh sáng. Các ô cửa sổ được làm kiểu chấn song đơn giản, đặc biệt các cánh cửa đều được mở vào trong. Những ngôi nhà trình tường này có đặc điểm ấm vào mùa đông, mát về mùa hè nên phù hợp với khí hậu và tập quán của đồng bào dân tộc miền núi.

Lưu giữ giá trị kiến trúc độc đáo của người Nùng ở Bắc Giang
Việc lưu giữ những ngôi nhà trình tường sẽ trở thành vốn quý để phát triển du lịch tại bản Bắc Hoa.

Không chỉ có cách làm và kiến trúc độc đáo, nhà trình tường của người Nùng tại bản Bắc Hoa còn thể hiện rõ nét cho tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Theo đó, theo quy ước của bản, hộ nào làm nhà, thì sẽ được cả bản đến giúp đỡ. Bản có hơn 100 hộ thì mỗi hộ cử một người đến giúp 2-3 ngày công. Còn lại là anh em trong gia đình và họ hàng, làng xóm đến giúp công sức dựng nhà.

Hiện nay, cùng với nhiều dân tộc anh em khác đang sinh sống trên mảnh đất Lục Ngạn, người Nùng ở bản Bắc Hoa đã có cuộc sống kinh tế ổn định và ngày một nâng cao. Cùng với sự tiến bộ của xã hội, sự đi lên của đời sống vật chất, phần lớn các gia đình đã có điều kiện để xây dựng những căn nhà gạch, mái ngói khang trang. Tuy nhiên, với những nét độc đáo riêng, những ngôi nhà trình tường được xem là nét đặc trưng văn hóa của đồng bào Nùng, cho nên việc bảo tồn và lưu giữ là hết sức cần thiết. Bởi những ngôi nhà trình tường không chỉ đơn thuần là không gian sinh hoạt chung của các gia đình người dân tộc Nùng mà còn là không gian chứa đựng nhiều giá trị truyền thống và trở thành vốn quý để phát triển du lịch.

Thực hiện “Đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng huyện Lục Ngạn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030”, huyện Lục Ngạn cũng đã đầu tư hơn 3,8 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp hạ tầng làng cổ Bắc Hoa. Thông qua đó, phát huy, lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của người Nùng, tạo nên sợi dây kết nối giữa hiện tại và quá khứ.

Thân Nam

Theo

Cùng chuyên mục
  • Ninh Bình: Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản kép đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á

    (Xây dựng) – Tối 26/4, tỉnh Ninh Bình đã long trọng tổ chức kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới.

  • Khai mạc Triển lãm Hải Phòng – Pháp Heritage

    (Xây dựng) – Ngày 26/4, tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc triển lãm “Hải Phòng – Pháp Heritage” với chủ đề "Di sản kiến trúc hôm nay, sự thịnh vượng cho ngày mai".

  • Quảng Trị: Lễ hội “Thống nhất non sông” - Tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc

    (Xây dựng) – Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 52 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị (01/5/1972 - 01/5/2024), ngày 30/4, tại Di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Quảng Trị) sẽ diễn ra Lễ hội “Thống nhất non sông” năm 2024.

  • Ninh Bình: Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024

    (Xây dựng) – Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

  • Di tích lịch sử Cầu Gãy

    (Xây dựng) - Cầu Gãy là minh chứng lịch sử hào hùng, cho sức mạnh và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam. Cầu Gãy đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, nối liền Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên trong nhiều năm sau giải phóng miền Nam. Năm 2012, Cầu Gãy được công nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.

  • Lễ hội sen Đồng Tháp sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5

    (Xây dựng) – Sáng 25/4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Thông cáo báo chí Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Theo Thông cáo, Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 với chủ đề “Rạng ngời sắc Sen” sẽ diễn ra tại Công viên Văn Miếu (đường Lý Thường Kiệt, phường 1, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), từ ngày 16-19/5/2024.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load