Thứ sáu 27/12/2024 02:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Lục Ngạn (Bắc Giang): “Dân vận khéo” mở ra thành công trong xây dựng nông thôn mới

14:09 | 14/12/2022

(Xây dựng) – Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thấm nhuần tư tưởng đó, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân gắn với công tác xây dựng nông thôn mới.

Lục Ngạn (Bắc Giang): “Dân vận khéo” mở ra thành công trong xây dựng nông thôn mới
Ban vận động tại xã Tân Hoa tuyên truyền người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, phần lớn diện tích của huyện Lục Ngạn là địa hình đồi núi. Huyện có 30 xã, thị trấn với 380 thôn bản, trong đó có 12 xã vùng cao; toàn huyện còn 11 xã và 35 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực 2. Dân số 22,5 vạn người, gồm 8 dân tộc cùng sinh sống (Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa), trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 49%.

Do đó, ngay từ khi bắt tay triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Lục Ngạn đã xác định đây sẽ là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị. Trong đó, một trong những nhiệm vụ then chốt chính là việc tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về những lợi ích mà công tác xây dựng nông thôn mới mang lại.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Lưu Anh Đức - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn cho biết, tại huyện Lục Ngạn, công tác tuyên truyền, vận động cho cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về chủ trương xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội quan tâm thực hiện. Qua đó, đã kịp thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa, nội dung, giải pháp xây dựng nông thôn mới; phát động cuộc vận động xây dựng nông thôn mới trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên, nhân dân; vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, phát động phong trào xây dựng nông thôn mới trong toàn huyện; nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng nông thôn mới; làm cho người dân hiểu rõ mục tiêu chính của Chương trình xây dựng nông thôn mới là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; người dân giữ vai trò chủ động, tích cực, quyết định các vấn đề quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, huyện cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền triển khai chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của Trung ương, tỉnh; tuyên truyền xây dựng gia đình văn hóa, bảo vệ môi trường; tích cực tham gia sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, công tác tạo việc làm, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, giảm nghèo bền vững.

Kết quả trong 10 năm thực hiện, huyện đã tổ chức tuyên truyền, vận động đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong huyện được 4.574 cuộc, có 267.334 lượt người tham dự. Cấp phát 80.784 tài liệu tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Bình quân, mỗi năm Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện đã xây dựng từ 12- 15 chuyên mục và trên 60 tin, bài về xây dựng nông thôn mới.

Lục Ngạn (Bắc Giang): “Dân vận khéo” mở ra thành công trong xây dựng nông thôn mới
Diện mạo làng quê thay đổi rõ rệt tại thôn Hạ Long, xã Giáp Sơn.

Nhờ làm tốt công tác lãnh chỉ đạo, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động, đến nay huyện Lục Ngạn đã có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Phượng Sơn, Quý Sơn, Thanh Hải, Hồng Giang, Trù Hựu, Kiên Thành, Mỹ An, Nam Dương, Tân Mộc, Tân Quang, Biên Sơn, Đồng Cốc, Biển Động, Giáp Sơn; 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao (Quý Sơn, Hồng Giang). Đến hết năm 2022, huyện phấn đấu sẽ có thêm 2 xã về đích nông thôn mới là Tân Hoa và Phì Điền (nâng tổng số xã về đích NTM là 16/29 xã, thị trấn); có thêm 01 xã nông thôn mới nâng cao là Thanh Hải.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự... phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025”, ông Lưu Đức Anh cho biết.

Thân Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load