Thứ tư 28/08/2024 21:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Luật Nhà ở 2023: Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang

09:36 | 06/08/2024

(Xây dựng) – Nhu cầu về nhà ở của lực lượng vũ trang nhân dân là rất lớn, nhưng khả năng đáp ứng vẫn còn hạn chế. Vì vậy, Luật Nhà ở 2023 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế để giải quyết bài toán nhà ở cho lực lượng công an và quân đội.

Luật Nhà ở 2023: Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang
Nhu cầu nhà ở của lực lượng vũ trang nhân dân tại nước ta hiện nay là rất lớn.

Theo báo cáo của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, nhu cầu nhà ở của lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) tại nước ta hiện nay là rất lớn. Tính riêng ngành Công an trong năm 2023 đã có hơn 45.000 cán bộ, chiến sĩ trong cả nước có nhu cầu đăng ký mua nhà ở xã hội (NƠXH).

Tuy nhiên, khả năng đáp ứng nhu cầu này vẫn còn hạn chế. Một số nhà đầu tư đã tích cực tham gia xây dựng các dự án NƠXH trên khắp cả nước, nhưng vẫn còn gặp vướng mắc về thủ tục hành chính và thiếu nguồn lực về kinh phí.

Mặc dù vậy, Đảng và Nhà nước vẫn luôn quan tâm đến việc xây dựng cho LLVTND. Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển NƠXH diễn ra vào tháng 3 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, mỗi Bộ đầu tư xây dựng 5.000 căn nhà ở cho LLVTND trong năm 2024.

Trong hoàn cảnh, Luật Nhà ở 2023 và các văn bản hướng dẫn sẽ đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện nhiệm vụ nêu trên. Theo đánh giá của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, Luật Nhà ở năm 2023 đã có những điểm quy định cụ thể hơn về nội dung nhà ở cho LLVND. Đó sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo hành lang pháp lý tốt để xây dựng nhà ở cho LLVTND, đặc biệt là cán bộ chiến sĩ trẻ, cán bộ chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Luật Nhà ở 2023: Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang
Việc xây dựng nhà ở cho LLVTND tại nước ta còn nhiều khó khăn, vướng mắc. (Ảnh minh họa)

Theo quy định của Luật Nhà ở 2023, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở cho LLVTND là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc LLVTND, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đang công tác.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có trách nhiệm xác định nhu cầu nhà ở đối với đối tượng quy định thuộc phạm vi quản lý và gửi UBND cấp tỉnh để tổng hợp trong kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh.

Việc bố trí đất để phát triển nhà ở cho LLVTND trong quỹ đất phát triển NƠXH của địa phương theo quy định tại Điều 83 của Luật Nhà ở 2023 do UBND cấp tỉnh quyết định, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực nơi có dự án và phù hợp với nhu cầu sinh sống, làm việc của đối tượng thuộc LLVTND.

Nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sẽ đầu tư xây dựng nhà ở cho LLVTND bằng các nguồn vốn hợp pháp theo quy định để cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ mua, thuê mua, thuê. Đối với trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho LLVTND bằng vốn đầu tư công sẽ được hưởng các ưu đãi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 85 của Luật Nhà ở 2023.

Cụ thể, chủ đầu tư sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án. Chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 85. Ngoài ra, chủ đầu tư còn được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.

Đối với trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho LLVTND không bằng vốn đầu tư công sẽ được hưởng các ưu đãi quy định tại khoản 2 Điều 85 của Luật này.

Luật Nhà ở 2023: Tháo gỡ vướng mắc về cơ chế để phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang
Luật Nhà ở 2023 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo hành lang pháp lý tốt để xây dựng nhà ở cho LLVTND. (Ảnh minh họa)

Về điều kiện về thu nhập để được mua, thuê mua nhà ở cho LLVTND, Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/07/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý NƠXH nêu rõ 2 trường hợp.

Đối với trường hợp người đứng đơn là người độc thân thì thu nhập hàng tháng thực nhận không quá tổng thu nhập của sỹ quan có cấp bậc hàm Đại tá (gồm lương cơ bản và phụ cấp theo quy định) được cơ quan, đơn vị nơi công tác, quản lý xác nhận.

Đối với trường hợp người đứng đơn đã kết hôn theo quy định của pháp luật thì chia thành 2 trường hợp nhỏ. Nếu người đứng đơn và vợ (chồng) của người đó đều thuộc đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật Nhà ở 2023 thì tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 2,0 lần tổng thu nhập của sỹ quan có cấp bậc hàm Đại tá.

Nếu vợ (chồng) của người đứng đơn không thuộc đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật Nhà ở thì tổng thu nhập hàng tháng thực nhận không quá 1,5 lần tổng thu nhập của sỹ quan có cấp bậc hàm Đại tá. Trường hợp vợ (chồng) của người đứng đơn không có hợp đồng lao động thì UBND cấp xã thực hiện xác nhận điều kiện về thu nhập.

Thời gian xác nhận điều kiện về thu nhập trong 1 năm liền kề, tính từ thời điểm nộp hồ sơ mua, thuê mua nhà ở cho LLVTND. Đối tượng có nhu cầu vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở cho LLVTND có thể vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định theo quy định tại Nghị định số 100/2024/NĐ-CP. Trong khi đó, việc vay vốn ưu đãi của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho LLVTND không bằng vốn đầu tư công thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này.

Phương Trang

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load