Thứ bảy 04/05/2024 04:35 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Loạt cổ phiếu bị áp dụng chế tài quản lý từ ngày 10/4

12:24 | 11/04/2024

(Xây dựng) – HOSE cho biết, kể từ ngày 10/4, sẽ có thêm 6 mã cổ phiếu bị áp dụng các chế tài quản lý như đưa vào diện cảnh báo, đưa vào diện kiểm soát hoặc áp dụng cả hai.

Loạt cổ phiếu bị áp dụng chế tài quản lý từ ngày 10/4
Phối cảnh Dự án Louis City Hoàng Mai khiến CRE bị đưa vào diện cảnh báo do ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Theo HOSE, 6 mã cổ phiếu bị áp dụng chế tài lần này gồm: Cổ phiếu TDC của Công ty Cổ phần (CTCP) Phát triển và Kinh doanh nhà Bình Dương, cổ phiếu APH của CTCP Tập đoàn An Phát Holdings, cổ phiếu CRE của CTCP Bất động sản Thế Kỷ, cổ phiếu PSH của CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu, cổ phiếu SMC của CTCP Đầu tư Thương mại SCM, cổ phiếu SVD của CTCP Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng.

Trong đó, cổ phiếu TDC bị đưa vào diện cảnh báo vì lý do, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất kiểm toán 2023 của CTCP Phát triển và Kinh doanh nhà Bình Dương là số âm.

Cũng giống TDC, cổ phiếu APH cũng bị HOSE đưa vào diện cảnh báo khi lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2023 của CTCP Tập đoàn An Phát Holdings là số âm.

Về vấn đề này, An Phát Holdings cho biết, năm 2023, tháng 11/2023, hai công ty con của APH là CTCP Nhựa An Phát Xanh (AAA) và CTCP Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát (APC) đã nhận chuyển nhượng 18.375.000 cổ phần, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 49% của CTCP Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1 (APCI) với tổng giá phí là 603,3 tỷ đồng. Sau giao dịch này, tỷ lệ lợi ích của APH tại APCI tăng từ 23,8% lên 47,51%. Khoản chênh lệch 218,6 tỷ đồng giữa giá phí chuyển nhượng và phần sở hữu tăng thêm trong tài sản thuần của APCI được ghi nhận làm giảm chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC hợp nhất. Điều này là nguyên nhân dẫn đến việc lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của APH đến ngày 31/12/2023 bị âm, cụ thể là (171.045.7 14.609) đồng.

Đối với cổ phiếu CRE của CTCP Bất động sản Thế Kỷ, HOSE đưa cổ phiếu này vào diện cảnh báo với lý do, tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với BCTC đã được kiểm toán năm 2023. Cụ thể, tại BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2023, Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC (đơn vị kiểm toán của CRE) cho rằng, CRE đang trình bày việc chủ đầu tư của dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ chưa nộp đầy đủ tiền sử dụng đất tính cho giai đoạn 3 của dự án, vì vậy, tiến độ thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với dự án này có thể chậm hơn dự kiến. Do đó, Kiểm toán AASC không thể thu thập được đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp để có thể đánh giá được ảnh hưởng của vấn đề chưa nộp đầy đủ tiền sử dụng đất đến BCTC hợp nhất của CRE. Đồng thời, CTCP Hồng Lam Xuân Thành chưa nộp đủ tiền thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền chậm nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

Cổ phiếu PSH cũng bị HOSE đưa vào diện cảnh báo khi tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với BCTC hợp nhất đã kiểm toán 2023 của CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu. Cụ thể, Công ty TNHH Kiểm toán TTP (đơn vị kiểm toán) cho rằng, ngày 18/12/2023, PSH nhận được Quyết định của Cục Thuế tỉnh Hậu Giang về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn từ ngày 18/12/2023 đến ngày 17/12/2024. Số tiền bị cuỡng chế 1.139.938.923.963 đồng.

Cùng với đó, ngày 22/12/2023, PSH nhận đuợc Quyết định của Cục Thuế thành phố Cần Thơ về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn từ ngày 22/12/2023 đến ngày 23/12/2024 đối với Chi nhánh của CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu tại Cần Thơ. Số tiền bị cưỡng chế 92.590.470.756 đồng. Tổng doanh thu trong năm chưa phát hành hóa đơn số tiền 236.850.000.000 đồng.

Cũng theo đơn vị kiểm toán này, các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước còn nợ, nợ quá hạn cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của PSH.

Đồng thời, tại thời điểm 31/12/2023, đơn vị kiểm toán không được tham gia chứng kiến kiểm kê hàng hóa gửi tại CTCP Dầu khí Đông Phương số tiền 131.146.899.294 đồng; Kho Cần Thơ 50.895.356.383 đồng; Kho Chi nhánh Trà Vinh 25.888.757.556 đồng. Bằng các thủ tục kiểm toán, không thể xác định được tính hiện hữu của giá trị hàng tồn kho nêu trên cũng như không thể xác định được liệu có cần điều chỉnh trên BCTC. Do đó, không đưa ra ý kiến về tính hiện hữu của giá trị hàng tồn kho này. Đơn vị kiểm toán cũng cho biết.

Đối với cổ phiếu SMC của CTCP Đầu tư Thương mại SMC, HOSE áp dụng hai biện pháp quản lý là đưa vào diện cảnh báo và diện kiểm soát với lý do, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC hợp nhất đã kiểm toán 2023 và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất kiểm toán trong hai năm gần nhất (2022, 2023) đều là số âm.

Cụ thể, SMC cho biết, trong hai năm 2022-2023, kinh tế thế giới suy yếu, lạm phát và lãi suất tăng cao, chính sách thắt chặt tiền tệ được triển khai mạnh mẽ, gây ra sự sụt giảm mạnh về tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ thép, giá cả nguyên vật liệu sản xuất thép và thép thành phẩm diễn biến phức tạp theo chiều hướng tiêu cực.

Trong nước, thị trường bất động sản đóng băng kể từ giữa năm 2022 đến nay, hoạt động của những ngành công nghiệp chế tạo sử dụng thép cũng bị hạ nhiệt do đầu tư và tiêu dùng suy yếu. Các doanh nghiệp thép phải thu hẹp sản xuất, chật vật tìm đầu ra, giá bán liên tục đi xuống trong khi chi phí đầu vào và các chi phí tài chính bao gồm cả lãi vay và tỷ giá biến động mạnh trong năm. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến hoạt động của SMC làm cho hiệu quả kinh doanh giảm sút.

Thêm vào đó, việc trích lập dự phòng các khoản phải thu chậm luân chuyển của các khách hàng lớn thuộc nhóm xây lắp, bất động sản của SMC cũng góp phần làm cho kết quả lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp liên tục trong 2 năm vừa qua là con số âm.

Cổ phiếu cuối cùng trong đợt áp dụng chế tài lần này là cổ phiếu SVD của CTCP Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng. Cũng giống với SMC, cổ phiếu SVD cũng bị HOSE áp dụng cùng lúc hai chế tài là đưa vào diện cảnh báo và kiểm soát.

Lý do được HOSE đưa ra là, lợi nhuận sau thuế trên BCTC kiểm toán trong hai năm gần nhất (2022,2023) của tổ chức niêm yết là số âm. Theo đó, lợi nhuận sau thuế trên BCTC đã kiểm toán của năm 2022 và 2023 lần lượt là (2,4) tỷ đồng và (36,5) tỷ đồng.

Công Danh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load