Theo Bộ Giao thông vận tải, trước khi thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) ban hành vào năm 2020, cả nước đã huy động gần 319.000 tỷ đồng đầu tư 140 dự án giao thông theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BOT. Đến nay, hầu hết các dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn (đầu tư theo phương thức PPP) hoàn thành và đưa vào khai thác nhưng vấn đề tài chính của dự án lại gặp nhiều khó khăn. |
Tuy nhiên, kể từ khi Luật PPP có hiệu lực (ngày 1/1/2021), số lượng dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo phương thức PPP có xu hướng giảm.
Sửa Luật để “khơi thông” nguồn lực
Theo đánh giá của Chính phủ trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu, kể từ khi Luật PPP có hiệu lực, đã có 31 dự án mới được triển khai và 11 dự án chuẩn bị đầu tư theo phương thức PPP với tổng mức đầu tư khoảng 380.000 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng khoảng 190.000 tỷ đồng vốn nhà nước.
Đây đều là các dự án có quy mô lớn, trọng điểm của quốc gia và các địa phương, khi hoàn thành sẽ góp phần mở rộng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế-xã hội,… các địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập. |
Đánh giá chung, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật PPP là dự luật khó, phức tạp, việc sửa đổi, điều chỉnh là cần thiết, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, gỡ vướng mắc cho các địa phương có dự án liên quan, từ đó tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội cho các vùng miền còn khó khăn. Để tháo gỡ những khó khăn pháp lý và tạo điều kiện cho các dự án giao thông PPP triển khai hiệu quả hơn, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật PPP.
Trong đó, Chính phủ kiến nghị bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP, đồng thời giao cho các bộ, ngành và địa phương quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu và điều kiện của nhà đầu tư. Về cơ chế tài chính, dự thảo Luật đề xuất cơ chế linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP. Theo đó, tỷ lệ vốn nhà nước duy trì ở mức 50%, Thủ tướng Chính phủ hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định mức cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư cho dự án.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định làm rõ thủ tục thanh toán vốn đầu tư công trong trường hợp chấm dứt hợp đồng sớm, bổ sung các nguồn vốn để chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp tham gia dự án PPP. Tăng tỷ lệ vốn nhà nước và giải quyết dứt điểm các vướng mắc tại các dự án đã triển khai là những giải pháp căn bản mà các chuyên gia kinh tế và giao thông nhận định cần thực hiện sớm để tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư trong các dự án giao thông triển khai theo phương thức đối tác công-tư (PPP).
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), có 2 yếu tố tiên quyết giúp cải thiện hiệu quả việc triển khai các dự án PPP: Thứ nhất, tăng cường vai trò và trách nhiệm của Nhà nước trong các dự án PPP. Dự thảo Luật lần này đã đưa ra nhiều quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của Nhà nước, yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư để cân bằng giữa lợi ích và rủi ro.
Thứ hai, chú trọng bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư bằng cách bổ sung ngân sách nhà nước vào các dự án gặp khó khăn tài chính. “Chỉ khi hai bên cùng có sự hợp tác và tinh thần trách nhiệm mới giúp các dự án vận hành trơn tru, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư khi tham gia vào các dự án dài hạn và có nhiều rủi ro”, ông Huệ nhấn mạnh.
Cần sự đồng hành của Nhà nước
Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 26/10, Đại biểu Hoàng Văn Nghiệm, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, trên phạm vi cả nước có 11 dự án đang rất khó khăn về tài chính, tổng nhu cầu hỗ trợ khoảng 15.000 tỷ đồng, cần được quan tâm giải quyết. Các nhà đầu tư cũng như địa phương đã phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ, tuy nhiên có những việc vượt quá khả năng, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, cần rà soát cả những vướng mắc tại các dự án đang triển khai hoặc đã vận hành để tháo gỡ cho doanh nghiệp, thí dụ như dự án đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, mặc dù mang lại hiệu quả lớn nhưng vấn đề tài chính đang gặp nhiều khó khăn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), một trong các bất cập cần giải quyết trong dự án sửa đổi Luật PPP là cần bảo đảm sự cân bằng lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong quá trình xử lý các vướng mắc, bất cập.
Tôi kỳ vọng trong lần sửa đổi này, các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh lại quan hệ hợp tác giữa các bên, nhằm bảo đảm tính công bằng và thúc đẩy thành công các dự án. Tiến sĩ Trần Chủng |
Luật PPP năm 2020 quy định vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng được sử dụng để hỗ trợ thực hiện dự án trong giai đoạn xây dựng nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án (Khoản 1, Điều 70), vẫn còn thiếu quy định về hỗ trợ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm không do lỗi của nhà đầu tư, dẫn đến một số dự án gặp khó khăn trong giai đoạn vận hành, khai thác. Điều này khiến nhà đầu tư giảm niềm tin, gây khó khăn trong việc huy động vốn cho các dự án mới.
Đồng tình với ý kiến này, đồng chí Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng cho rằng, cần bãi bỏ quy định về hạn mức quy mô vốn đầu tư tối thiểu cho các dự án theo hình thức PPP, đồng thời áp dụng cơ chế linh hoạt đối với tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án này nhằm thu hút nhà đầu tư tại những dự án đi qua vùng kinh tế khó khăn. Hiện nay Luật PPP chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm chia sẻ rủi ro. “Muốn thu hút nhà đầu tư, cần vai trò đồng hành của Nhà nước trong hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng chỉ ra.
Để nâng cao hiệu quả chuẩn bị đầu tư đối với các dự án PPP, các chuyên gia giao thông cũng kiến nghị, cần rút gọn hai bước nghiên cứu tiền khả thi và khả thi thành một phần của nội dung dự án đầu tư. Điều này sẽ giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Đồng thời, trong hoạt động tư vấn, nên có cơ chế chỉ định thầu và đấu thầu linh hoạt để bảo đảm tiến độ và tiết kiệm chi phí đầu tư.
Theo Minh Trang/Nhandan.vn
Link gốc: https://nhandan.vn/linh-hoat-bo-tri-von-nha-nuoc-tham-gia-du-an-ppp-post844036.html